Người tiểu đường, tim mạch hạn chế ăn bánh chưng
Trao đổi với Th.s. BS Doãn Thị Tường Vi (Viện dinh dưỡng Lâm sàng) bánh chưng là món ăn cổ truyền của dân tộc. Trong mâm cơm ngày Tết không thể thiếu được món bánh chưng. Đây là thực phẩm được xếp vào nhóm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe nếu biết ăn hợp lý và đúng cách nếu không có bệnh lý đặc biệt.
“Bánh chưng là món ăn rất giàu năng lượng và có nhiều dinh dưỡng như chất béo, đạm, vitamin (nhân thịt), đường… 1/8 góc bánh chưng có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Bánh chưng là món ăn phù hợp cho người thiếu cân và đang có nhu cầu tăng cân, người mới ốm dậy, người đang cần nhiều năng lượng…”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi chia sẻ.
Bánh chưng là món ăn giàu năng lượng, chất béo, chất đạm. Nếu ăn quá nhiều không tốt cho bệnh nhân mắc bệnh chuyển hóa, ảnh minh họa.
Tuy nhiên, ăn nhiều bánh chưng sẽ không tốt cho một số người mắc phải bệnh lý về chuyển hóa.“Ăn nhiều bánh chưng là nguyên nhân dẫn tới tăng cân sau Tết. Vì vậy người ăn kiêng, trẻ con béo phì không nên ăn bánh chưng. Người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn đường huyết mỡ máu cao nên hạn chế ăn bánh chưng”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi nói.
Đặc biệt thói quen ăn bánh chưng kèm dưa hành được bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo không tốt cho người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch. Phụ nữ đang mang thai cũng không nên ăn bánh chưng nhiều, vì gây khó tiêu và táo bón cho thai phụ.
Ăn bánh chưng rán dễ gây đầy bụng
Tiết trời Tết tại miền Bắc thường lạnh, vì vậy một số người có sở thích ăn bánh chưng rán. Bánh chưng khi rán lên hương vị sẽ hấp dẫn điều này đồng nghĩa với việc sẽ ăn nhiều hơn.
“Bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán trong dầu mỡ, lượng chất béo lại càng tăng. Ăn nhiều chất béo nguy cơ tăng cân và đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận. Đặc biệt người có tiền sử dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn. Vì khi bánh chưng rán ăn nhiều khó tiêu gây ra chướng bụng và đầy hơi khó chịu”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi nói.
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho biết, để hạn chế tăng cân do ăn bánh chưng và giảm bớt chất béo nên gói bánh chưng bằng thịt lợn nạc, ngoài ra nên gói những chiếc bánh nhỏ để lượng ăn ít hơn.
“Ngày Tết, nên bánh chưng vào buổi sáng và buổi trưa, không ăn vào tối để tránh đầy bụng khó ngủ. Do bánh chưng nhiều năng lượng ăn vào buổi tối dễ tích lũy, chuyển hóa thành mỡ thừa”, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho biết.
Khi ăn dưa hành cùng bánh chưng, nên ngâm dưa hành trong nước ấm. Cách làm đơn giản này có thể giảm bớt lượng muối có trong dưa hành.
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi khuyến cáo, ngày Tết mọi gia đình đều gói nhiều bánh chưng để ăn dần. Bánh chưng để lâu sẽ dễ bị lên men, nấm mốc. Vì vậy, khi bánh chưng bị nấm, mốc lan rộng tuyệt đối không nên ăn. Các thực phẩm bị nấm, mốc thâm nhập đều sinh ra độc tố aflatoxin, có thể gây ung thư.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…