Nếu như việc tẩy giun ở người lớn được khuyến cáo thực hiện định kỳ 6 tháng/lần, thì việc lúc nào cần tẩy giun cho trẻ em khiến không ít bà mẹ băn khoăn.
Ảnh minh họa |
Chỉ tẩy giun khi bé có dấu hiệu nhiễm giun
Nói về vấn đề này BS. Phan Thị Thu Minh (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội cho) hay: Trẻ em từ 24 tháng tuổi được khuyến cáo là có thể tẩy giun như người lớn, tức 6 tháng/lần. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ 2 tuổi là bắt buộc phải tẩy giun.
Theo đó, việc tẩy giun chỉ nên được tiến hành khi trẻ có các yếu tố nguy cơ hoặc các dấu hiệu tình nghi nhiễm giun. Việc bé đi nhà trẻ được xếp vào một trong những yếu tố nguy cơ. Bởi trẻ đi nhà trẻ hoặc trường mầm non rất dễ mắc giun kim do bị lây từ những trẻ khác. Nếu trong lớp học có một trẻ nhiễm giun kim khi bé chơi trên sàn hay chơi với đồ chơi, trứng giun kim có thể rơi ra sàn, dính vào đồ chơi, rồi theo tay hoặc đồ chơi vào miệng. Như vậy, trẻ dễ làm lây sang nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm trứng giun của chính mình.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn có thể căn cứ vào các dấu hiệu tình nghi của trẻ để xác định bé có bị nhiễm giun hay không. Trẻ nhiễm giun thường ăn uống kém hoặc ăn tốt nhưng không tăng cân, hay đau bụng vặt. Trẻ có nhiều giun đũa thì thường đau khi đói. Trẻ có thể nôn trớ, có thể có biểu hiện lợm giọng buồn nôn lúc buổi sáng ngủ dậy. Một số trẻ có thế có biểu hiện “đi tướt”. Khi có quá nhiều giun có thể thấy nôn hoặc đi ngoài ra giun.
Trẻ bị nhiễm giun còn có biểu hiện thiếu máu, da dẻ xanh xao, kém ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, có thể hay nằm sấp, kém tập trung chú ý. Nếu bị nhiễm giun kim trẻ có thêm biểu hiện ngứa hậu môn, hậu môn có thể bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo.
Ít tiếp xúc với đất cát, bé ít nhiễm giun
Theo bác sĩ Minh, đối với những gia đình sống ở khu vực thành thị, bố mẹ không nên quá lo lắng về việc xổ giun cho bé vì thực tế ở thành phố, nhà cao tầng sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tốt, hầu như ít bị nhiễm giun. Cho nên, việc tẩy giun 6 tháng/lần có thể chỉ áp dụng cho những bé hay tiếp xúc với đất cát, điều kiện vệ sinh kém hoặc khi bố mẹ có bằng chứng xác thực về việc bé đã bị nhiễm giun.
Như đã nói thuốc tẩy giun được khuyến cáo chỉ sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên trong trường hợp bé đã được xác định chắc chắn là bị nhiễm giun thì việc xổ giun là cần thiết ngay cả khi bé chưa đủ tuổi. Với những bé bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun thậm chí có thể tẩy giun từ lúc 1 tuổi. Tuy nhiên, cần phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn loại thuốc thích hợp và ít tác dụng phụ cho bé, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sỹ.
Để phòng tránh nhiễm giun cho trẻ, phụ huynh cần vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ hạn chế trẻ tiếp xúc với đất cát, rửa tay sạch cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không để trẻ mút hay ngậm tay. Đồ chơi dành cho trẻ nếu rửa được cũng nên vệ sinh thường xuyên. Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên cho trẻ các đồ ăn lưu trữ từ bữa ăn trước… để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tẩy giun tập thể đem lại hiệu quả hơn Việc tẩy giun hàng loạt sẽ giúp bé tránh được nguy cơ tái nhiễm giun và có hiệu quả hơn việc chỉ tẩy giun cho mình bé. Vì vậy, nên tẩy giun đồng thời cho tất cả các bé cùng lớp, cùng trường hay cùng khu tập thể, khu phố, thôn xã, và ngay cả các thành viên trong gia đình cũng nên tẩy giun cùng lúc. |
Thanh Thanh
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…