Ấu thơ của tôi còn ngọt lịm với những cây kẹo dồi phủ trắng bột và từng thanh kẹo kéo dài mãi theo vòng số…
Qua hàng tạp hoá, tôi nhìn thấy lại thanh kẹo dồi trong túi nilon trắng, nép mình trong đám kẹo xanh đỏ nhiều màu bắt mắt. Lòng tôi chợt nhớ thêm tiếng rao “kẹo kéo vừa dẻo vừa dai”, những âm thanh đã lùi vào buổi trưa dĩ vãng. Với chúng tôi, những đứa trẻ đã từng lớn lên trong thời bao cấp thì kẹo dồi, kẹo kéo là thứ quà được chờ đợi mỗi lần bố mẹ đi xa về.
Kẹo dồi còn có tên khác là kẹo vồ. Không biết tên nào là đúng nhất vì khi kẹo tới tay chúng tôi thì túi đã đi đường túi, nhãn mác đi đường nhãn mác, đâu có như bây giờ. Nhưng có lẽ tên kẹo dồi gần gũi hơn vì trông nó giống miếng dồi. Vỏ bên ngoài là đường mạch nha, trắng như màu gạo nếp, nhân bên trong là lạc (đậu phộng) thắng đường. Kẹo được lăn trong bột gạo để chống dính, chống ẩm.
Mỗi lần bố đi xa về, tôi lại chạy ra đầu ngõ ngóng, chỉ chăm chăm đợi bố cho thanh kẹo dồi. Đối với chúng tôi đó là món quà xa xỉ. Dường như cả một thời thơ ấu, tôi quen với lời dỗ dành của bố “ngoan thì sẽ được ăn kẹo dồi”. Tôi đưa miệng cắn, vỏ kẹo giòn tan gợi nhắc rằng đó là phần thưởng tình yêu của người thân. Nhiều khi ăn xong, đám trẻ con còn không chịu rửa tay vì mùi hương vani rất thơm, cố giữ lấy cái vị vì miệng còn chóp chép thòm thèm.
Bánh kẹo ngày đó không nhiều, thứ quà cho trẻ con có thể mang từ xa về có lẽ chỉ duy nhất là kẹo dồi, vừa rẻ, vừa ngon vừa tiện mang đi xa. Mỗi cây kẹo chỉ tính bằng tiền xu, tiền hào. Vậy mà nó đã “mua” bao nhiêu háo hức của trẻ thơ, là thứ để dỗ dành bọn trẻ ngoan ngoãn… Bây giờ, ai muốn tìm kiếm chút ký ức xưa có thể thấy lại thanh kẹo dồi thoảng trong hàng quán của người bán nước chè đầu ngõ. Nhưng cũng chỉ thoảng mới tìm thấy hàng có.
Nếu kẹo dồi giòn tan thì kẹo kéo vắt ngang ký ức của tôi với sự dẻo và dai, kéo mãi không đứt gẫy. Kẹo kéo làm bằng đường mạch nha, thắng lên cho quện dẻo. Người thợ để cả khối to bằng viên gạch lên tấm gỗ kê sau xe đạp, bán rong khắp ngõ phố đến thôn quê. Mỗi khi nghe tiếng rao “Kẹo kéo vừa dẻo vừa dai đây…” thì đám trẻ nhỏ kéo nhau chạy ra, xúm xít sau xe. Đứa nào có tiền thì bỏ ra mua, đứa nào có dép hỏng, chai lọ nhựa thì mang ra đổi.
Đôi khi lấy lòng vị khách nhỏ, người bán còn mang theo vòng quay số trúng thưởng. Mỗi vòng quay là một nỗi hồi hộp trong những lồng ngực thơ ngây. Cả lũ nuốt nước miếng, liếm môi chờ đợi tới lượt mình. Được một thanh kẹo từ tay người bán, chúng tôi lại tiếp tục kéo nó dài hơn. Đó như là phép nhiệm màu, càng kéo càng dài, không đứt để dễ chia cho nhau. Đó là cả một bầu trời ấu thơ nghèo khó mà vẫn vui tươi.
Những cây kẹo là minh chứng cho một thời sống còn đơn sơ, nghèo nàn. Nhưng chúng tôi biết quý trọng nâng niu nên nhớ mãi và gọi nó là vị ngọt ấu thơ. Bây giờ giữa muôn vàn kẹo sang trọng, đắt tiền, đầu lưỡi tôi vẫn gọi về vị ngọt xưa, vẫn nao nao nghe như có tiếng rao kẹo kéo vọng về…
Như Bình
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…