Chị Lan, nhà ở khu tập thể Thành Công, đã kể cho tôi nghe về một cuộc hành trình mà chị coi là khủng khiếp nhất trong cuộc đời của chị. Đó là năm 2011, trong chuyến bay sang Mỹ, chị Lan đã quá cảnh ở sân bay Nhật 12 tiếng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không phải đó là ngày 11/3/2011 – ngày khu vực phía đông bắc Thủ đô Tokyo xảy ra trận động đất 9 độ Richter và những đợt sóng thần có chiều cao đến 10m tàn phá một vùng rộng lớn, cướp đi gần 16.000 sinh mạng. Dư chấn động đất khiến cả tòa nhà rộng lớn của sân bay Narita rung chuyển. Hành khách ở sân bay nhốn nháo, hoảng loạn. Ai cũng mong nhanh chóng rời khỏi Nhật Bản. Nhiều chuyến bay bị hoãn lại, riêng chuyến bay của chị Lan vẫn khởi hành đúng lịch trình. Tuy nhiên, thời tiết hôm ấy cực kỳ xấu. Chiếc phi cơ chao đảo, liên tục lên xuống đột ngột. Tất cả mọi hành khách đều gập người nôn thốc nôn tháo, thần kinh căng thẳng. Một vài người đã la hét ầm ĩ. Còn chị đã ép mình phải cố gắng kiềm chế, cố gắng chịu đựng, bắt nghĩ đến một điều gì đó nhưng càng cố gắng càng tuyệt vọng. Đúng lúc chị định bật lên tiếng hét hoảng loạn thì bất chợt bản The Blue Danub vang lên, mới đầu nhỏ sau to dần, to dần… Âm thanh réo rắt đã thu hút chị, sự căng thẳng dịu dần, những cơn buồn nôn chấm dứt, cả người chị bồng bềnh trôi theo bản nhạc… Mặc dù máy bay vẫn tiếp tục chao đảo nhưng âm nhạc đã giúp tâm hồn chị tĩnh lặng, giải tỏa được sự căng thẳng, ức chế và dần dần đưa chị chìm vào giấc ngủ…
Nụ cười rạng rỡ của những bệnh nhân trong chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện.
Câu chuyện của chị Lan nhắc tôi nhớ đến trường hợp của chị Ngọc, nhân viên hãng hàng không Vietnam Airline. Chị Ngọc bị viêm quanh khớp vai thể lan tỏa. Mỗi lần các kỹ thuật viên tập vận động, chị đều nhăn mặt và bật ra những tiếng rên rỉ vì đau đớn. Nhân một hôm vắng bệnh nhân, trong lúc vận động cho chị Ngọc, tôi đã mở bản Sonate Ánh trăng, sau đó vừa vận động vừa quan sát. Sự đau đớn của thể xác vẫn khiến bệnh nhân nhăn nhó một cách vô thức nhưng không còn rên rỉ nữa. Lúc kết thúc quá trình điều trị, khi được hỏi vì sao hôm nay chị không kêu rên như mọi lần? Bệnh nhân cười: “Nhạc hay quá!”
Mới đây nhất, tôi đã mở nhạc khi thực hiện vận động cho thầy Nguyễn Công Tô. Cho dù thầy không nói nhưng biểu hiện trên khuôn mặt thầy cho thấy âm nhạc thực sự có tác dụng. Suy nghĩ ấy của tôi đã được xác thực khi vùng ngôn ngữ của thầy Tô bị ảnh hưởng nặng sau tai biến. Thầy phát âm chưa rõ ràng và rất khó khăn khi phải nói một câu có từ 3 âm tiết trở lên. Tôi vừa luyện tập, vừa gợi chuyện. Hỏi thầy có quan tâm đến âm nhạc không và thích những thể loại nhạc nào, thầy chỉ gật gật. Song, tôi biết thế hệ của thầy Tô rất thích những bài hát Nga như: Ca chiu sa, Chiều Moscow, Cây thùy dương, Đôi bờ… Khi tôi cất tiếng hát: “Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới. Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời…” Thật bất ngờ khi thầy Tô lẩm nhẩm hát theo tôi. Cho dù tiếng thầy không thật rõ nhưng lời bài hát được thầy lặp lại trọn vẹn. Điều đó khiến tôi chợt nảy ra ý nghĩ: cách tốt nhất để khôi phục ngôn ngữ là cho bệnh nhân nghe những giai điệu và những bài hát quen thuộc. Điều đó chẳng những sẽ khiến nỗi đau của bệnh nhân dịu đi mà còn có thể giúp họ luyện ngôn ngữ một cách nhanh nhất…
Dùng âm nhạc làm liệu pháp chữa bệnh đã được thực hiện ở rất nhiều bệnh viện trên thế giới. Một nhà tâm lý học ở Đại học California (Mỹ) đã thực nghiệm chữa bệnh cho 30 người có chứng bệnh thiên đầu thống. Tất cả chia thành 3 nhóm: nhóm A vừa uống thuốc vừa được nghe loại âm nhạc mình thích; nhóm B vừa uống thuốc vừa kết hợp vật lý trị liệu; nhóm C chỉ uống thuốc. Sau 5 tuần lễ điều trị, bênh nhân nhóm A đạt kết quả tốt nhất.
Tại bệnh viện Kremkenhems (Đức) các phòng phẫu thuật gây mê, các phòng nằm chờ mổ đều có hệ thống phát thanh âm nhạc hàng ngày có thể phát nhiều chương trình âm nhạc khác nhau theo sự lựa chọn của bệnh nhân. Giám đốc phòng nghiên cứu âm nhạc y khoa, bác sĩ Balph-Spintge cho biết khoảng 40% bệnh nhân phẫu thuật chọn thể loại nhạc dân ca, còn các bệnh nhân bị các chứng đau nhức chọn các loại nhạc hiện đại. Qua 15.000 câu hỏi trắc nghiệm của bệnh viện thì 95% bệnh nhân phẫu thuật trả lời cho rằng âm nhạc đã làm dịu nỗi lo âu của họ.
Tại Việt Nam, các bệnh viện 103, bệnh viện Bạch Mai,v.v..cũng đã từng áp dụng liệu pháp nói trên.
Âm nhạc không chỉ là cầu nối giữa con người với con người, giúp xóa đi khoảng cách biên giới, sự bất đồng về ngôn ngữ… Âm nhạc còn có tác dụng xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần và là một liệu pháp chữa bệnh rất hữu hiệu. Điều này không mới, không lại nhưng chưa được quan tâm và áp dụng nhiều tại các bệnh viện.
Có nên sử dụng âm nhạc như một liệu pháp trong quá trình điều trị cho bệnh nhân? Tại sao không!
PHẠM SƠN ( Khoa Phục hồi chức năng BVĐKXP)
Nguồn: SKĐS
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…