Chưa có vaccine phòng bệnh
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính người cố tình không thực hiện các biện pháp chống dịch Zika. Trước đó Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, đồng thời đã tổ chức họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Tây Nguyên, Khánh Hòa nhằm phát hiện sớm các ca mắc tại các điểm có nguy cơ cao.
Việc virus Zika hoành hành cùng lúc dịch sốt xuất huyết đang ở thời kỳ cao điểm, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh do virus Zika. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân của tình trạng trên là do ở Việt Nam đã lưu hành virus Zika trong cộng đồng. Trong khi đó muỗi Aedes truyền bệnh do virus Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Thêm vào đó, do sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nên có nguy cơ rất lớn các trường hợp bị nhiễm virus Zika sau khi từ các nước trong khu vực trở về, đặc biệt là tại Singapore.
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay trên phạm vi toàn quốc, cơ quan chức năng đã xét nghiệm 2.554 mẫu bệnh phẩm và Việt Nam đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus Zika tại Phú Yên, Khánh Hòa và TP.HCM. Đây là ba trường hợp nhiễm virus Zika đơn lẻ trong cộng đồng. Thai phụ tại TP.HCM nhiễm virus này sau đó đã kết thúc thai kỳ sớm. Virus Zika được cho là nguy hiểm với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật đầu nhỏ cho em bé. Cũng trong vòng hơn 2 tháng qua, cả nước chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika, nhưng việc ghi nhận thêm trường hợp nhiễm virus Zika ở Việt Nam là rất cao khi hiện nay, virus Zika chưa có vaccine phòng bệnh, lây truyền chủ yếu qua muỗi, đường tình dục và sự giao lưu đi lại giữa người dân các quốc gia với nhau.
Vẫn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hầu hết quốc gia Đông Nam Á đều đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm Zika và số người mắc virus Zika đang có chiều hướng gia tăng tại một số quốc gia trong khu vực, nhất là tại Singapore. Qua giải mã trình tự gen cho thấy độc lực của virus và nguy cơ gây bệnh đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm chủng virus Zika ở Đông Nam Á là thấp hơn chủng đang lưu hành ở Nam Mỹ nhưng không thể chủ quan. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới và trong nước để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.
Sử dụng hơn 3.000 bộ test “3 trong 1”
Hiện đã ghi nhận 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền Zika từ người sang người. Tổ chức Y tế thế giới nhận định việc lây truyền của virus Zika mặc dù có chiều hướng chậm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véc tơ truyền bệnh. Đến nay, Singapore đã ghi nhận hơn 290 trường hợp nhiễm virus Zika kể từ khi phát hiện ca đầu tiên vào ngày 27/8 vừa qua. |
Để tăng cường giám sát dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya. Tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng hơn 3.000 bộ test kit “3 trong 1” nhằm có thể cùng lúc xét nghiệm phát hiện 3 bệnh nêu trên trong cùng một test kit. Việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ dựa trên các tiêu chí như: ưu tiên cho những địa phương, trường hợp nhiễm Zika, có liên quan dịch tễ với các trường hợp nhiễm Zika, có mật độ muỗi Aedes cao, có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue cao, có giao lưu đi lại nhiều trong nước và quốc tế.
Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát – Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ cho Việt Nam. Đại diện US CDC tại Việt Nam cũng đánh giá cao sự đáp ứng nhanh nhạy của Việt Nam trước nguy cơ tiềm ẩn và diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra và nỗ lực giảm sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, phòng chống sốt Chikungunya. Đồng thời khẳng định, US CDC sẵn sàng hỗ trợ hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, cung cấp test kit, sinh phẩm, dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm cho các điểm giám sát thông qua hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur tại Việt Nam.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, với ngành Y tế, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để xử lý ổ dịch kịp thời; lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực. Các địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch 2-3 lần cách nhau một tuần. Các tỉnh, thành tập huấn về giám sát bệnh nhân, côn trùng; kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy); phác đồ điều trị…
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Pasteur và Vệ sinh dịch tễ trong cả nước đẩy mạnh giám sát dịch bệnh do virus Zika gây ra, xây dựng kế hoạch tập huấn cán bộ nhằm thống nhất quy trình xét nghiệm, chọn mẫu giám sát trên toàn quốc. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch sử dụng kỹ thuật xét nghiệm mới, tăng cường giám sát dịch bệnh cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: Virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy), phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi; diệt muỗi bằng cách dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất; diệt loăng quăng bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước nhỏ; thu dọn, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, không để nước đọng ở những vật dụng như vỏ lốp, gáo dừa.
Cùng với đó, thực hiện các biện pháp sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika.
Huyền Thanh
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…