Categories: Tin tức

Zika lan rộng

Tại thời điểm này, cả nước đã phát hiện 36 người nhiễm virus Zika, nhiều nhất là tại TP HCM và Bình Dương. Dự báo của giới chuyên gia y tế, rất có thể số bệnh nhân Zika sẽ còn nhiều lên, bởi một số nước láng giềng Việt Nam cũng đang gia tăng người bệnh. Virus Zika đã lưu hành tại 7/10 quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường hoạt động Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC).

Trong những ngày vừa qua, tại TP HCM và Bình Dương đã phát hiện thêm các trường hợp nhiễm Zika, nâng số bệnh nhân lên đến 36 người, trong đó TP HCM đã ghi nhận có 29 ca mắc. BS Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế TP HCM) cho biết, với 36 ca mắc tại 7 tỉnh thành, Việt Nam đã được đưa lên bản đồ thế giới là vùng có lưu hành bệnh do virus Zika.

Phun thuốc diệt muỗi.

Liên tiếp gia tăng

Hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia… Ở Việt Nam tính đến ngày 5-11 đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 4 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm Zika trong thai kỳ.

Nếu được xác định chính xác bị dị tật đầu nhỏ do nhiễm Zika thì cháu bé tại Đắk Lắk sẽ là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mang dị tật này. Và Việt Nam sẽ là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận trẻ sinh ra bị chứng đầu nhỏ do virus Zika. Trước đó Thái Lan xác nhận 2 trẻ sơ sinh nước này bị đầu nhỏ liên quan đến virus Zika.

Chiều 3/11, UBND TPHCM đã có buổi họp khẩn với các sở, ban ngành để cập nhật diễn biến của bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn. PGSTS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, TP đang trong cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, khi có hơn 15.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Ngoài ra, trong vài tuần gần đây, 50% số mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur để làm xét nghiệm tìm virus Zika cho kết quả mắc bệnh sốt xuất huyết. Cũng theo TS Lân, trong 3 tuần liên tiếp gần đây, mỗi tuần xét nghiệm cho thấy có 5 ca dương tính với Zika.

Các chuyên gia cảnh báo, với tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng như hiện nay, tiên lượng sẽ tiếp tục phát hiện thêm các ca nhiễm virus Zika trong thời gian tới.

Đặc biệt lưu ý với phụ nữ mang thai

Trước bối cảnh đó, ngày 5/11 thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Long đã họp với Cục Y tế dự phòng, Văn phòng EOC và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) để xem xét tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch.

Vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika.

Vẫn theo TS Lân, hiện đã có 4 thai phụ có xét nghiệm dương tính với virus Zika, trong đó có một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, đối tượng cần quan tâm tập trung trong giai đoạn này là những phụ nữ mang thai, những người có ý định mang thai, để tránh để lại di chứng đáng tiếc mà virus Zika gây ra.

Cảnh báo về căn bệnh này, TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh do virusZika vốn lành tính hơn sốt xuất huyết, thường tự khỏi sau 4 – 5 ngày điều trị triệu chứng.

Tuy nhiên với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dù vậy, các thai phụ cũng không nên quá lo lắng vì tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.

Còn theo TS Trần Danh Cường- Phó Giám đốc BVPhụ sản Trung ương, dù không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi.

Song việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng. Ông Cường cho biết việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khuyến cáo, những phụ nữ mang thai trong thời kỳ đầu hãy đến bệnh viện xét nghiệm ngay nếu có triệu chứng mắc virusZika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…) và tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ sản khoa, kịp thời theo dõi diễn biến phát triển của thai nhi.

Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, tình hình dịch bệnh do virus zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có sự lo ngại về mối liên quan giữa virus zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

Nỗ lực dập dịch

Tại TPHCM, trong buổi họp khẩn cấp phòng chống dịch chiều 3/11, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu, đã tuyên bố thành lập Ban chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết và Zika.

24 Phó chủ tịch các quận huyện sẽ có trách nhiệm báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương cho Sở Y tế và UBND thành phố vào mỗi buổi chiều hàng ngày. Sở Y tế cũng cho biết sẽ triển khai thêm 16 điểm giám sát tại các bệnh viện tư nhân, ngoài 30 điểm giám sát đã công bố trước đó.

Trước đó, ngày 2/11, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế lập 6 đoàn kiểm tra công tác phòng chống Zika và sốt xuất huyết trên phạm vi 24 quận huyện.

Hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với bệnh do virus Zika. Đồng thời tăng cường biện pháp giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, khai thác tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.

Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như tăng cường hoạt động Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC), hướng dẫn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh công tác truyền thông…; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virusZika và sốt xuất huyết tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe.

Riêng với TPHCM, nơi có số bệnh nhân mắc Zika cao nhất cả nước, PGSTS Phan Trọng Lân cho rằng, để hạn chế lây lan Zika phải kiểm soát được muỗi vằn, phải có một đợt ra quân, thành lập các đội để xác định các điểm nguy cơ có dịch bệnh, vẽ bản đồ của các điểm nguy cơ đấy.

Sau khi xác định xong, các điểm nguy cơ phải được diệt lăng quăng 2 lần. Nếu diệt được lăng quăng tại các điểm nguy cơ đấy, chúng ta sẽ bớt đi số lượng lớn muỗi mang mầm bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi.

Những đường lây truyền là qua muỗi Aedes, qua quan hệ tình dục truyền máu, mẹ truyền sang con. Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đến 46 bệnh viện tại TPHCM và các cơ sở y tế trên cả nước để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí.

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là có phát ban và ít nhất hai trong 4 triệu chứng gồm sốt nhẹ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ.

Lê Vy

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago