Categories: Tin tức y học

Xin đừng ép… ai cũng phải có sáng kiến!!!

Nghị định 56/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2015 về đánh giá, xếp loại khen thưởng – đặc biệt trong hai lĩnh vực giáo dục, y tế: yêu cầu phải có nghiên cứu khoa học, có đề án, đề tài hoặc sáng kiến cải tiến thì mới đạt mức hoàn thành xuất sắc hoặc tốt… vẫn đang là nỗi lo “canh cánh” trong đội ngũ thầy thuốc, bởi làm cách nào để mỗi người đều có thể vượt lên tất cả những khó khăn từ công việc, cuộc sống thực tại để có được sáng kiến cho thành tích thi đua cuối năm, Đặc biệt ngay từ năm 2016.

GS.TS.BS. Trần Đông A

Chúng tôi trao đổi vấn đề này với GS.TS.BS. Trần Đông A -Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động – người được tiếp cận về Khoa học lượng giá và định giá tại Pháp năm 1998. Ông cho biết:

– Khoa học lượng giá và định giá họ đã đưa ra từ 1998 rất bài bản, chuẩn mực và đã được nhiều nước áp dụng. Lượng giá định giá là cách làm khoa học, rất đúng, nhưng ở đây lại được hiểu và đưa ra áp dụng một cách lệch lạc, không thể thực thi!

Trước hết tôi muốn nói rõ một cách khái quát, dễ hiểu về khái niệm này: chúng ta biết rằng, để có thể phát triển đồng bộ và bền vững, ở mọi cấp, mọi nơi, không chỉ cần nhân tài với tri thức và kỹ năng cao, mà phải có “những người bình thường biết hành động một cách phi thường” – tức luôn luôn làm xuất sắc và sáng tạo những công việc tưởng như bình thường”(Pascal). Chính vì vậy tại các tập đoàn sản xuất có tầm vóc quốc tế, từ người lao công cho đến tổng giám đốc đều được đánh giá kết quả, hiệu quả công việc theo một bảng đo lường – được lượng hóa (tính điểm) cụ thể (từng quý, nửa năm, một năm…) một cách nghiêm túc chứ không đánh giá chung chung, cuối cùng cộng lại các điểm để có điểm tốt, xuất sắc, trung bình, hay không đạt.

Nghị định 56 ban hành ngày 9/6/2015 quy định: viên chức được đánh giá, phân loại theo 4 mức độ: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, và không hoàn thành nhiệm vụ. Để được xuất sắc hoặc tốt, phải đạt một số tiêu chí, trong đó “có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.
Có tiêu chí này là vì trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, phải gắn kết với các hoạt động nghiên cứu. Và các hoạt động có tính chất nghiên cứu này phải được “đo lường” thông qua những chỉ tiêu cụ thể là đề án, đề tài…

 

Có nghĩa, ai làm đủ, đúng chuẩn thì được đánh giá là xuất sắc, chứ không phải bắt buộc mỗi công nhân phải có sáng kiến như kỹ sư hay giám đốc.Tôi biết một người Việt ở Mỹ trước đây là công nhân súc chai trong một hãng chế tạo dụng cụ y khoa, nhưng anh rất nỗ lực học lên và trở thành kỹ sư có rất nhiều sáng kiến nên được làm tổ trưởng nhóm nghiên cứu. Sau là thành viên Ban giám đốc điều hành có 5 người, chỉ mỗi anh là da vàng. Đó là nhờ ý chí tuyệt vời và môi trường làm việc tốt. Để giữ chân nhân tài, hãng quy định nếu làm việc trung thành và lâu dài thì cứ 10 năm đương nhiên sẽ có 50.000 USD tiền thưởng chuyển vào tài khoản ngân hàng.

– NĐ 56 yêu cầu – đặc biệt là CBVC ngành y tế, giáo dục phải có đề tài nghiên cứu, sáng kiến mới được xuất sắc cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy sáng tạo?

– Hoạt động của Viện nghiên cứu khác với bệnh viện. Bệnh viện có thể đưa sáng kiến cải tiến vào, nhưng đó không phải nhiệm vụ chính.Tùy bệnh  viện loại nào, thí dụ bệnh viện loại 1 có 3 nhiệm vụ: 1/ chăm sóc bệnh nhân (hàng đầu), 2/ giảng dạy sinh viên thực tập, 3/ nghiên cứu khoa học. Thử hỏi bệnh viện có 2.000 nhân viên mà ai cũng nghiên cứu hết thì lấy ai làm việc? Phi lý. Nghiên cứu phải đúng phương pháp, mẫu nghiên cứu bao nhiêu ca, mỗi ca phải làm hồ sơ theo dõi kỹ bệnh nhân (BN) theo NCKH. Tôi xin lặp lại nhiều lần: đừng nhầm lẫn NCKH như thống kê số vụ tai nạn mỗi ngày của cảnh sát giao thông!

Một công trình nghiên cứu đàng hoàng khi công bố phải được thế giới công nhận, cho điểm theo số người tham khảo, download phải trả phí. Nhưng liệu VN mình có bao nhiêu công trình như vậy? Vừa rồi báo chí đưa tin trong 4 năm (2010 – 2014), có 10.000 bài viết nghiên cứu trong mọi ngành được đăng trên các báo quốc tế, nhưng không có mấy người tham khảo, vì giá trị không cao.

– Vậy theo giáo sư, thế nào gọi là bác sĩ (BS) hoàn thành tốt, xuất sắc?

– BS xuất sắc là người thực hành giỏi trong chăm sóc bệnh nhân. Theo cơ chế mới, BS phải luôn luôn theo dõi sát BN, như vậy mới phát hiện kịp thời những biến cố sắp xảy ra để xử trí. Từ tháng 10/ 2013, tại các nước phát triển người ta đã tiến tới giai đoạn y học cá thể, không có y học chung chung. Y học cá thể là chọn thuốc đúng, với liều lượng đúng, cho từng BN (không ai giống ai liều lượng), uống ở thời điểm đúng cho từng BN (không phải thuốc đó ai cũng uống vào lúc đói (hay no) mà phải uống vào thời điểm phù hợp). Muốn thực hiện được những điều này, người BS phải có nhiều kinh nghiệm và theo dõi rất sát người bệnh.

Như vậy, không bắt buộc người BS phải mỗi năm có mấy sáng kiến mà trình độ phải thật tốt cho chất lượng điều trị. Tiêu chuẩn đánh giá phải là tỉ lệ lành bệnh, tỉ lệ tử vong… tại khu vực anh phụ trách.

– Chúng ta có nhiều nghiên cứu, sáng kiến kiểu đại trà”, nhưng hiệu quả ứng dụng không cao, tốc độ phát triển vẫn tụt hậu so các nước trong khu vực?

– Đúng. Muốn cải thiện tình hình này, bắt buộc chúng ta phải có được bước tiến nhảy vọt về chất lượng tăng trưởng dựa vào công nghiệp hóa hiện đại hóa. Thực tế VN không hề thiếu nhân tài. Rất nhiều các tài năng đã được công nhận ngay cả ở những nước phát triển nhất và trong các kỳ thi quốc tế, học sinh sinh viên VN cũng đạt các thứ hạng hàng đầu. Thế nhưng có bao nhiêu tiềm năng “hé mở” đó đã trở thành những nhà khoa học thì… không có ai. Tại sao họ đã lộ tài năng, mà lại sớm lụi tàn?

Nhiều năm qua, chúng ta đã gửi cán bộ đi học nước ngoài, bồi dưỡng cán bộ quản lý, khoa học công nghệ và kinh doanh… Thế nhưng thực tế cho thấy không những đã ít lại không thể phát huy hết được sự hiểu biết và tài năng, vì rất nhiều nguyên nhân. Trước hết: vì chủ nghĩa bình quân còn tồn tại và phổ biến ở xã hội ta. Người tài, người làm được rất nhiều việc và một người kém tài đều được trả công như nhau.Thứ hai: ngay cả những người được đào tạo bài bản cũng chẳng làm được đúng chuyên môn như đã được đào tạo. BS phải đi làm trình dược viên cho các công ty dược nước ngoài để có lương cao. Thứ ba: tại không ít cơ quan, người tài thậm chí còn bị trù dập vì cái tội “dám giỏi hơn sếp”. Hiện tượng này hiện hữu ngay cả trong những viện nghiên cứu.

Nếu thực sự mong muốn đất nước tiến lên thì phải phải tạo điều kiện cho người tài phát huy, không phải cứ “con ông cháu cha” lại giữ chức cao mà phải tùy vào tài năng.

– Vậy theo giáo sư, NĐ 56 nên chỉnh sửa thế nào để có thể thực thi?

– Tôi hoàn toàn nhất trí phải có lượng giá cho công chức hay bất cứ công việc gì. Các nước đều đã áp dụng, ngay cả xí nghiệp tư người ta cũng đều có cái chuẩn để định giá và tùy công việc từng nơi mà người ta đưa ra chuẩn khác nhau, tùy tính chất công việc. Lượng giá định giá là đúng, nhưng đưa ra cái chuẩn ai cũng NCKH của cả cơ quan là sai.

Tôi ví dụ trong êkíp mổ ghép gan, người hộ lý lấy cái chuẩn là làm sạch sẽ phòng mổ, phòng cho bệnh nhân nằm lúc nào cũng được lau sạch bóng – như vậy là xuất sắc. Người điều dưỡng chăm sóc BN toàn diện từ cái bô đến cho ăn, mặc, cho uống thuốc, là xuất sắc rồi. Bây giờ lại bắt phải NCKH, người ta không lo chăm sóc BN mà lo cầm cái hồ sơ đi nghiên cứu thì BN… chết queo!

Vì vậy, người soạn quy định phải hiểu đúng về khoa học lượng giá định giá.

Nhìn lại, đã gần 20 năm, ngay khi được tiếp cận về Khoa học về lượng giá và định giá tại Pháp, về nước tôi cũng đã từng trình bày rất nhiều lần về quản lý khoa học này, nhưng thật đáng tiếc… Và bây giờ, nhiều thầy thuốc chúng ta lo sốt vó. Tâm lý chung ai cũng muốn hoàn thành xuất sắc công việc, nhiệm vụ của mình, nhưng không thể ép ai cũng phải có công trình nghiên cứu, có sáng kiến được.

– Xin cảm ơn giáo sư!

Kim Sơn

(thực hiện)

Nguồn: SKDS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago