Tự ái trước nhất là thái độ mặc cảm và xấu hổ về bản thân, khi thấy hoặc cảm nhận chủ quan rằng mình kém thua người khác về phương diện này hay phương diện khác. Người tự ái dễ sinh lòng hờn dỗi, ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm, mặc cảm với người khác, đặc biệt là người có phần nổi trội hơn mình.
Người tự ái thường chú trọng cảm xúc, dễ nổi cáu trước những lời thị phi, phê bình, chỉ trích, nhất là các thái độ ác cảm của người khác. Phản ứng thông thường của người tự ái là cảm thấy khó chịu, bị xúc phạm, dễ bị tổn thương, khó chịu, căng thẳng, giận dữ khi bị người khác coi thường, đánh giá quá thấp, nói khích…
Tự ái kìm hãm sự tiến bộ, khóa kín các mối quan hệ xã hội chân chính, làm cho tình thân trở nên lạnh nhạt. Trong tình yêu, người sống tự ái quá nhiều thường dễ tạo ra các va chạm, mâu thuẫn và thậm chí xung đột.
Người tự ái dễ biến chuyện nhỏ thành to, chuyện to thành phức tạp, do vậy khó cảm thông với người khác. Vì quá thương chính mình, người tự ái dễ trở nên bảo thủ, khó lắng nghe góp ý của mọi người xung quanh.
Về tác hại, người tự ái sẽ phải đối diện với mặc cảm, cô lập mình với xã hội. Người có tâm tự ái dễ bị vướng phải các sự cay đắng và chua xót ở đời. Người tự ái sẽ khó có được những phút giây bình thản. Trong các khổ đau, khổ đau do lòng tự ái là thầm lặng và dai dẳng nhất.
Do đó, muốn sống hạnh phúc thì đừng để lòng tự ái dẫn dắt, chi phối cuộc sống của bản thân.
Ảnh minh họa |
Chuyển hóa tự ái thành tự trọng
Người tự trọng biết đánh giá cao các giá trị nhân cách chuẩn mực mà mình có theo những tiêu chí được xã hội chấp nhận. Do biết tự trọng, nhiều người đã khéo giữ được phẩm chất và danh dự bản thân trong các tình huống dễ đánh mất chính mình.
Vì tự ái nặng, nhiều người luôn sống với cảm giác bị bỏ rơi, bị phớt lờ, bị xem thường, bị ghét bỏ rồi từ đó trở thành người khó tính, khó chịu hồi nào không hay. Khi chuyển hóa tính tự ái thành tự trọng, bạn sẽ thấy cuộc sống đáng yêu hơn, quan hệ xã hội trở nên thiết thân hơn, sự độ lượng và bao dung sẽ lớn hơn, dễ thiết lập tình thân thương hơn.
Ranh giới của tự ái và tự trọng đôi lúc rất mong manh. Tự trọng là một hình thức biết thương yêu bản thân theo chiều hướng tích cực, nhờ đó, nhân cách của người tự trọng được trưởng thành theo năm tháng.
Tự ái làm con người trở nên khép kín, cô đơn, buồn bã, chán nản, thất vọng và thậm chí là tuyệt vọng. Người có lòng tự trọng sẽ không gây tổn thương cho ai. Tôn trọng chính mình bằng lối sống văn hóa và đạo đức chuẩn mực sẽ giúp ta trở thành chân nhân, một nhân cách sống có giá trị.
Khi bị ai gây áp lực hoặc buộc phải làm những điều gì đó mang tính xấu xa, tội lỗi, phạm pháp, người có lòng tự trọng biết chối từ, giữ tâm trong sáng, thanh cao.
Người tự ái thường cảm thấy mình kém cỏi hơn người, nên dễ bị thái độ tự ti và mặc cảm chi phối. Từ đó, trong quan hệ xã hội, người tự ái không dám và không thích chơi với người thành đạt hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn mình.
Người tự trọng ngược lại biết thương chính mình, biết gạt bỏ những tâm lý mặc cảm, hòa mình với xã hội đúng chuẩn mực, tôn trọng luật pháp, đạo đức, sống trong khuôn mẫu. Tự trọng vừa phải sẽ trở thành một nhân cách đẹp trong giao tế và ứng xử.
Người có lòng tự trọng sẽ không muốn làm phiền ai, làm tổn thương ai, gây rắc rối và trở ngại cho ai vì họ biết đặt mình trong tình huống của người khác, để khéo ứng xử và giải quyết vấn đề.
Tự trọng quá mức sẽ trở thành tự ái ngầm, theo đó, nỗi khổ đau sẽ có mặt cũng nhiều không kém. Khi cái tôi khoác áo tự trọng, mọi ứng xử của bạn sẽ trở thành các phản ứng tự ái, gây ra sự khó chịu và phiền não đối với tha nhân.
Vượt qua thói tự ái
Vì là người tự ái và thích biện hộ nên khó nhận ra được các sơ suất và lỗi lầm (nếu có) của bản thân. Do vậy, nhận chân được sự yếu kém này, bạn nên kiên nhẫn, dần dà làm quen với lối sống biết đặt mình vào tình huống của người khác, lấy mình làm ví dụ, những gì ta không muốn người khác bảo thủ và biện hộ thì ta cũng không nên ứng xử tương tự đối với tha nhân. Nhận thức này giúp con người sống trong tương quan với tha nhân, không còn lấy mình làm trung tâm và hệ quy chiếu nữa.
Nếu tự ái là thái độ ứng xử lấy mình làm trung tâm, nên người tự ái dễ bị đỏ mặt, tía tai khi bị người khác xúc phạm, dù chỉ là vô tình, huống hồ là có chủ ý, thì tự trọng là thái độ biết đặt mình trong tương quan hai chiều với người khác, có tinh thần tương nhượng và tương thân. Lối sống cho mình là quan trọng, là trung tâm của các quan hệ có thể do lúc nhỏ được cha mẹ và nhiều người cưng chiều.
Đến lúc trưởng thành, không còn được cung phụng, cưng chiều nữa, muốn hạnh phúc, ta phải xóa bỏ tâm lý coi mọi người không ra gì, không tự đánh giá mình quá cao, không kênh kiệu, không tự đại, khó chịu. Do vậy, thay vì tự ái và mặc cảm, ta hãy sống hài hòa với tha nhân.
Cái gì hay thì học; cái gì kém thì sửa chữa; cái gì chưa hoàn thiện thì nỗ lực đạt cho được; không bỏ cuộc nửa chừng; không thể hiện thái độ thờ ơ; không quan trọng hóa vấn đề; không kỳ vọng quá mức vào người nào; không thần tượng hóa ai; không chán nản, thất vọng; không tự ái làm liều; không cầu toàn thái quá; không đòi hỏi toàn hảo; không dễ dãi với mình; không khắt khe với người; tất cả chỉ là sự tương đối.
Nguyễn Cường
Trong cuộc sống, hiện tượng đỏ mặt chỉ xảy ra khi đi nắng, uống rượu…
Trong cuộc sống có những thời điểm không thể tránh khỏi hơi thở có mùi…
Khuôn mặt mỗi người mang những nét đặc trưng riêng phản ánh tính cách và…
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…