Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tật khúc xạ không được hiệu chỉnh là một trong 5 nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Tại Việt Nam, trong 20 triệu học sinh sinh viên có 3 triệu em bị tật khúc xạ cần đeo kính đúng số nhưng chỉ 50% số này được chăm sóc đúng cách. Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi có tỷ lệ trẻ em bị tật khúc xạ cao với 20,4% học sinh cấp 2 bị cận thị.
Ông Phạm Quốc Ánh, Giám đốc Quốc gia của Quỹ chăm sóc mắt The Fred Hollows (FHF) nhận định hiện tượng trên xuất phát từ việc trẻ em Việt học quá nhiều, lại thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử và đặc biệt không nhận thức được sự cần thiết của chăm sóc mắt. Cha mẹ, người xung quanh cũng ít khi quan tâm, nhắc nhở. Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói thêm, nước ta chưa đưa ra tiêu chuẩn nào về chất lượng kính chỉnh tật khúc xạ cũng như cơ sở cung cấp kính. Kính chưa được coi là một loại thuốc, không được bảo hiểm chi trả khiến nhiều gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp cận.
|
Tình nguyện viên hướng dẫn cách chăm sóc mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, ngày 21/1/2016. Ảnh: SC. |
Sáng 22/1, FHF công bố dự án Chăm sóc mắt học đường. Dự án sẽ được triển khai trong 3 năm kể từ ngày 1/1 đến 31/12/2018 với tổng ngân sách gần 1,3 triệu USD nhằm xây dựng, thử nghiệm hiệu quả mô hình chăm sóc mắt tại 3 tỉnh Hải Dương, Đà Nẵng, Tiền Giang cho học sinh độ tuổi 7-15, làm cơ sở cho cấp bộ đưa ra hướng dẫn thực hiện toàn quốc.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết chăm sóc mắt học đường là một trong những nhiệm vụ chiến lược của ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020. Trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các biện pháp bao gồm: cải thiện điều kiện cơ sở vật chất như ánh sáng lớp học, khoảng cách bàn ghế; đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế trong trường học; hỗ trợ chi phí mua kính cho trẻ em khó khăn; tuyên truyền, giáo dục về sự cần thiết và cách thức bảo vệ mắt; tổ chức khám định kỳ mắt kết hợp với các đợt khám sức khỏe định kỳ ở nhà trường và cung cấp những địa chỉ đo, chữa đáng tin cậy.
Việt Nam hiện có khoảng 500.000 người mù cả hai mắt, trong đó 23.000 trường hợp là trẻ em. Hầu hết là những hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện chi trả tiền khám chữa bệnh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mù lòa là đục thủy tinh thể. Mỗi năm, nước ta có thêm 84.000 ca mù mới. |
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…