Bánh Trung thu kém chất lượng đang được bày bán tràn lan.
Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thị trường, các nhà sản xuất bánh trung thu lên kế hoạch gia tăng sản lượng. Đơn cử, công ty Bibica tung ra thị trường 550 tấn sản phẩm với trên 50 chủng loại bánh (tăng 11% sản lượng so với năm ngoái), Công ty Mondelez Kinh Đô đưa ra thị trường 62 loại bánh các loại; thương hiệu bánh Brodard của Pháp tung ra 26 loại bánh để phục vụ thị trường…
Hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM như: đường Hai Bà Trưng (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 5), Cộng Hòa (Tân Bình)…. bày bán bánh trung thu với các thương hiệu uy tín, chất lượng. Về giá cả, đa số doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm này khẳng định, so với năm ngoái, giá bánh trung thu năm nay tăng nhẹ khoảng 3-5%.
Theo đó, giá bánh trung thu dao động từ 35.000 đồng/cái đến 500.000 đồng/cái. Nguyên nhân tăng giá được các nhà sản xuất đưa ra là do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên đẩy giá bán sản phẩm tăng theo.
Song song với không khí nhộn nhịp của thị trường bánh trung thu có nhãn hiệu chất lượng, bánh trung thu nhái cũng đua nhau nở rộ tại các tuyến đường. Không ít người tiêu dùng bị thu hút bởi bảng quảng cáo khủng “giảm giá 50%” hoặc “mua một tặng một”…
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều điểm rao bán khuyến mãi không đúng với hàng chính hãng, đa phần là hàng nhái. Các điểm bán thường áp dụng hình thức “ăn theo” với những tên gọi na ná giống nhau như: Như Ý Đồng Khánh, Sài Gòn Đồng Khánh, Hải Dương Kinh Đô… cùng với sản phẩm được đóng gói hết sức đơn giản. Thông tin sản phẩm nửa vời và mờ nhạt như đánh đố người tiêu dùng.
Thậm chí, nhiều loại bánh ghi rõ hạn sử dụng 30 ngày kể từ ngày sản xuất nhưng khách hàng tìm mãi không thấy thông tin của ngày sản xuất. Trả lời thắc mắc của khác hàng về sản phẩm, nhân viên Nguyễn Hương Lan (điểm bán trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình) khẳng định: “Bánh tặng hoặc bánh giảm giá đều là bánh chất lượng. Có thể không bằng bánh có thương hiệu lớn song khách hàng hoàn toàn yên tâm”.
Nói về bánh trung thu kém chất lượng, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Chánh thanh tra Sở Công thương TP HCM khẳng định: “Hầu hết tuyến đường trên địa bàn đều xuất hiện tình trạng bánh trung thu nhái trà trộn, bày bán chung với các loại bánh trung thu có thương hiệu với giá khả rẻ. Để bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan chức năng xác định những gian hàng, điểm bán đang bày bán trên vỉa hè, đường phố cũng là đối tượng được các cơ quan chứng năng tập trung kiểm tra xử lý trong thời gian tới”.
Mong muốn ngăn chặn làn sóng bánh trung thu “dởm” vào mùa, từ đầu tháng 7, Sở Công thương thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Qua nhiều lần kiểm tra, đoàn đã lập biên bản một số cơ sở vi phạm ở các quận 6, quận 8 với các lỗi như: vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, điều kiện sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Cụ thể, mới đây Chi cục quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 46 cơ sở kinh doanh thực phẩm và bánh trung thu. Kết quả, phát hiện 13 cơ sở vi phạm. Trong đó, Đội quản lý thị trường 12B (quận 12) tiến hành tiêu hủy gần 550 bánh trung thu, 100 kg mứt và các nguyên liệu khác.
Tất cả các sản phẩm trên đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc. “Thanh tra sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Theo kế hoạch, sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, bao bì sử dụng. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết” – Chánh thanh tra Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh.
Ngoài nỗ lực phát hiện và xử lý các cơ sở, điểm bán cung cấp sản phẩm không đúng chất lượng, thanh tra Sở Công thương thành phố còn khuyến cáo, người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các cửa hàng có uy tín, xem kỹ sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Trường hợp thấy nghi ngờ chất lượng sản phẩm thì không nên mua để tránh mất tiền oan.
Ban Chỉ đạo 389/TP thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 8 Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức phối hợp kiểm tra liên ngành, xử lý các vấn đề có tính chất phức tạp, nhạy cảm mà xã hội và nhân dân quan tâm, nhất là lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu tại các làng nghề trên địa bàn thành phố. Kết quả, trong tháng 8 các cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra 3.869 vụ, qua đó xử lý 1.852 vụ, khởi tố 9 vụ với 10 bị can. Trong đó, hàng cấm nhập lậu 203 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ 91 vụ; gian lận thương mại 1.558 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá hàng chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy gần 288 tỷ đồng. Xác định, trong tháng 9, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Đây cũng là dịp Tết Trung thu, do vậy, nguy cơ về an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn. Ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết sẽ tăng cường phối hợp với sở, ban, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo đảm cho nhân dân Thủ đô ăn Tết Trung thu lành mạnh, tiết kiệm. H.Minh |
Thanh Giang
Nguồn: Đại đoàn kết
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…