Chúng tôi được gặp bé Quý tại khoa Miễn dịch- Dị ứng- Khớp khi cả 2 mẹ con em vừa vượt chặng đường gần 900 km từ miền quê Quảng Ngãi ra Hà Nội. Nhìn khuôn mặt kháu khỉnh của Quý, không ai nghĩ số năm bé phải chung sống với căn bệnh hiểm nghèo cũng bằng với số tuổi của mình.
Mẹ của bé Quý là chị Lê Thị Mỹ, hiện là công nhân của Công ty may cổ phần 28 Quảng Ngãi. Ôm đứa con trai 5 tuổi chỉ nặng 12kg , trên thân thể đầy vết tích tổn thương của các đợt chàm cơ địa, chị Mỹ chia sẻ “Chị được ông trời ban cho 3 lần làm mẹ, nhưng chỉ đứa con gái đầu may mắn được bình thường. 2 đứa con sau thì đứa thứ 2 đã mất vì căn bệnh ung thư, còn cháu Quý thì cuộc sống cũng chẳng biết được đến bao giờ”.
Chị Mỹ cho biết, bé Quý sinh ra với cân nặng 3,4 kg, trông khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến khi bé được 7 tháng tuổi, bố mẹ phát hiện con liên tục xuất hiện các triệu chứng lạ: bụng chướng, da vàng, chân phù lên. Tình trạng này kéo dài khoảng 1 tháng, dự cảm thấy có điều chẳng lành, vợ chồng chị Mỹ vượt quãng đường mấy trăm cây số đưa con đi bệnh viện Nhi Đà Nẵng rồi Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau nhiều lần thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bé Quý mắc hội chứng Wiskott-Aldrich.
Căn bệnh lạ mà đến cái tên người mẹ cũng không thể đọc rành rọt, là một hội chứng suy giảm miễn dịch di truyền có nguy cơ gây tử vong. Hội chứng này biểu hiện bằng tình trạng suy giảm chức năng tế bào miễn dịch lympho T mặc dù số lượng của quần thể tế bào này vẫn ở mức bình thường. Theo thời gian, chức năng của tế bào T càng ngày càng suy giảm nặng nề. Trẻ trai mắc chứng này thường bị bệnh chàm rất nặng và xuất huyết dạng mảng dưới da (do khiếm khuyết số lượng và chức năng tiểu cầu). Trẻ thường rất dễ mắc các nhiễm trùng sinh mủ.
Tuy chẩn đoán bệnh đã rõ ràng nhưng các bác sĩ đành bó tay vì chưa có điều kiện điều trị triệt để cho cháu bé. Việc chữa trị chỉ dừng lại ở xử lý các triệu chứng. Từ đó đến nay đã hơn 5 năm, vợ chồng chị Mỹ không nhớ đã đi bao nhiêu quãng đường từ Quãng Ngãi ra Đà Nẵng rồi vào thành phố Hồ Chí Minh, đã bao lần ôm con đến bệnh viện để truyền máu, điều trị viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng ngoài da.
Ghép tủy, con đường sống duy nhất
Theo tài liệu y khoa, các bệnh nhân mắc hội chứng Wiskott-Adlrich thường không sống quá 5 năm. Sau mốc thời gian này, hệ miễn dịch của người bệnh thường suy yếu nhanh chóng, các bé dần suy kiệt và tử vong vì các đợt nhiễm trùng. Con đường duy nhất có thể cứu bé Quý là biện pháp ghép tủy. Đây là liệu pháp điều trị kỹ thuật cao, đưa tế bào gốc tạo máu vào cơ thể thay cho tế bào gốc bị tổn thương hoặc bất thường.
Không đầu hàng số phận, tháng 4/2017, theo sự giới thiệu của người quen, chị Mỹ tìm đến Bệnh viện quốc tế Vinmec Hà Nội, mong được hỗ trợ điều trị triệt để. Theo lời khuyên của các bác sĩ tại đây, người mẹ lại tìm đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trung tâm duy nhất trong nước ứng dụng kỹ thuật ghép tủy (ghép tế bào gốc) điều trị bệnh nhi mắc các bệnh về suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
PGS. TS Lê Thị Minh Hương – PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương, trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp cho biết, ghép tủy (ghép tế bào gốc) đã được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Nhi cho nhiều bệnh nhân bị suy tủy, Thalasemia. Ngày 24/10/2014, Bệnh viện lần đầu áp dụng kỹ thuật này trên bệnh nhi mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể nặng và đã thành công. Bệnh nhi được ghép tủy là một bé trai 3 tháng tuổi, chẩn đoán mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp, loại nặng nhất trong các bệnh suy giảm miễn dịch. Đến nay, bé đã được 3 tuổi, phát triển về thể chất và tinh thần như các trẻ bình thường khác. Nếu không được điều trị ghép tủy, khả năng sống đến 2 tuổi của Đức Anh gần như vô vọng.
Với trường hợp của cháu Phạm Duy Quý, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán xác định và hội chẩn các chuyên khoa liên quan. Bệnh nhi cũng được thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc trước ghép để tìm nguồn hiến tủy phù hợp. May mắn, chị gái của bé Quý có chỉ số hòa hợp cao và được chỉ định là người cho tủy. Máy móc và các thiết bị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng được các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn sàng.
Kinh phí điều trị – yếu tố cuối cùng quyết định sự sống
Theo các bác sĩ, để một ca ghép tủy thành công, bệnh nhi và gia đình cần chuẩn bị tâm lý vượt qua rất nhiều khó khăn. Một trong những trở ngại lớn nhất là kinh phí điều trị. Các thuốc điều trị cho bệnh nhân trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn ghép, sau ghép và chống thải ghép đều có tại Việt Nam nhưng hầu hết không thuộc danh mục Bảo hiểm y tế chi trả.
Chi phí cho thuốc, công đoạn ghép và chăm sóc sau ghép có thể lên tới 300-400 triệu. Đây là số tiền khổng lồ so với khoản thu nhập của gia đình là hộ nghèo của của miền quê Quảng Ngãi. Khó khăn về tài chính không chỉ là gánh nặng với gia đình mà cũng là trăn trở của Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy biết chặng đường phía trước vô cùng gian nan, vợ chồng chị Mỹ vẫn không ngừng nuôi hy vọng được nhìn thấy con trai khôn lớn, trở thành người có ích cho xã hội.
Mọi sự đóng góp xin được gửi về:
Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương
Số 18/879 La Thành – Đống Đa – Hà Nội.
Số điện thoại. 04. 6273. 1052 hoặc 04. 6273 8774
Bệnh viện Nhi TW
Nguồn: Emdep
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…