Gần đây, dư luận đang xôn xao về việc trên thị trường xuất hiện một loại thuốc tăng cân không nhãn mác, nói là hàng xách tay từ nước ngoài về. Khi dùng loại thuốc này, người lớn có thể tăng từ 5-7 kg/tháng. Sau đó, cơ quan chức năng đã thu giữ được loại thuốc đó và xác định hoạt chất cấm trong thuốc. Vậy thực hư tác dụng tăng cân của thuốc như thế nào?
Dùng thuốc tăng cân là một trong những giải pháp giúp người gầy áp dụng với hy vọng sẽ tăng cân nhanh hơn qua ăn uống. Vì vậy, người ta lùng sục trên mạng, nghe theo lời mách bảo, ra hiệu thuốc hỏi để mua thuốc tăng cân mà không biết thành phần của thuốc ra sao, có tác dụng phụ gì? Thực tế cho thấy, người gầy ốm do rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: người vừa điều trị bệnh trọng, mới trải qua phẫu thuật, khả năng tiêu hóa và hấp thu kém, có bệnh lý tiêu hóa, ăn không ngon miệng, stress, cơ thể mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, khó ngủ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể… Hầu hết chế phẩm giúp tăng cân đều chứa các loại vitamin và dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể tăng cường tiêu hóa và cải thiện các nguyên nhân trên. Khi cơ thể được cung cấp đủ chất, sức khỏe được cải thiện, người ta sẽ cảm thấy ăn ngon miệng hơn và sẽ tăng cân. Còn thuốc quảng bá là tăng cân thần tốc đều chứa tân dược kê đơn, thậm chí là độc dược và có nhiều tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe. Vậy hoạt chất có trong “thần dược” tăng cân là gì?
Người gầy yếu cần được thăm khám kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân và phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: TM
Corticoid làm tăng cân nhanh?
Đa số “thần dược” tăng cân nhanh đều có corticoid. Thuốc này sẽ làm cơ thể giữ nước, muối, kích thích ăn nhiều và làm người dùng béo lên nhanh. Thuốc corticoid gồm nhiều loại: dexamethason, prednison, predniso-lon… Về góc độ chữa bệnh, corticoid là thuốc tốt có tác dụng chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận… Thuốc dùng theo chỉ định và có sự theo dõi của thầy thuốc để chữa bệnh chứ không bao giờ được dùng vào mục đích tăng cân. Hơn nữa, corticoid là con dao hai lưỡi mà cả hai lưỡi đều sắc. Thuốc chống chỉ định với nhiều trường hợp, có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng không đúng chỉ định, dùng kéo dài như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sức đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị bệnh lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm)… Một trong những tác dụng phụ của corticoid là có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ ở mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ bị béo phì, mặt tròn như mặt trăng, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng Cushing). Vì vậy, người dùng thuốc sẽ có cảm giác là mình tăng cân, nhưng đây là việc tăng cân giả tạo. Khi uống thuốc có corticoid giúp tăng cân nhưng khi ngừng uống thì sẽ lại giảm cân do tác dụng của corticoid hết ngay khi dừng thuốc và những tác dụng phụ khác thì còn ảnh hưởng lâu dài cho người sử dụng.
Các loại thuốc khác cũng làm tăng cân
Trong số các dược phẩm, có khá nhiều loại gây những tác dụng phụ ngoài ý muốn, làm tăng cân hoặc béo phì cho người sử dụng. Đó là các loại thuốc và nhóm thuốc như:
Các thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần: Tác dụng gây tăng cân có thể gặp ở cả loại chống trầm cảm 3 vòng và loại SSRI. Nguyên nhân gây tăng cân thường do thuốc gắn với thụ thể của hệ histaminergic gây kích thích ăn ngon và cũng có thể là khi tác dụng điều trị đã phát huy thì người bệnh trầm cảm thấy ăn ngon hơn và cân nặng tăng, thể hiện hiệu quả điều trị. Thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng cân gồm: paxil, prozac, lexapro, zoloft, elavil, effexor, parnate và nardil. Thuốc an thần làm cho bệnh nhân ít hoạt động, ngủ nhiều nên tiêu hao ít năng lượng, càng dễ gây tăng cân.
Nhóm thuốc nội tiết: Nội tiết tố nữ thường được sử dụng cho phụ nữ mãn kinh để đề phòng những rối loạn trong thời kỳ này như chứng bốc hỏa, loãng xương, nhưng có nhược điểm là làm tăng cân vì giữ nước trong các mô và làm tăng khối lượng mỡ trong cơ thể, đồng thời kích thích ăn ngon miệng và thèm ăn ngọt.
Thuốc có chứa hoạt chất nandrolon: Nandrolon có hàng chục dẫn xuất với mấy chục tên thương mại, là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosteron, giúp làm mập một cách gián tiếp. Nandrolon có cấu trúc hóa học hơi khác testosteron (testosteron chủ yếu trị thiểu năng sinh dục nam do thiếu hormon). Tác dụng chủ yếu của nandrolon là đồng hóa protein, nghĩa là giúp cơ thể hấp thu, biến dưỡng tốt chất đạm và vận chuyển các acid amin của chất đạm vào bên trong mô cơ, làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức. Thuốc được chỉ định trị chứng gầy ốm, sụt cân, mất sức sau khi bệnh nặng.
Thuốc có chứa thành phần cyproheptadin: Ðây là thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng lại có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn. Thuốc không làm tăng trọng một cách trực tiếp do giữ nước và natri trong cơ thể và gây phù như corticoid mà có tác dụng gián tiếp trị chứng chán ăn, làm cho người dùng thuốc ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, cyproheptadin chỉ kích thích sự thèm ăn tạm thời khi ngưng thuốc sẽ chán ăn trở lại.
Các loại thuốc trên đều là thuốc kê đơn, dùng theo chỉ định của thầy thuốc, có chống chỉ định với nhiều trường hợp và có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Người dùng thuốc cần lưu ý: không có chế phẩm nào giúp tăng cân thần tốc và bền vững. Cách tăng cân tốt nhất là ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập thể lực. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, nghe theo lời mách bảo, sử dụng thuốc trôi nổi không nhãn mác cho mục đích tăng cân.
DS. Hoài Thanh
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…