Vào mùa lạnh, người ta thường bị ảnh hưởng của khí phong hàn (gió và lạnh), gây ra một số bệnh về đường hô hấp như: cảm lạnh, ho; về đường tiêu hóa như: lạnh bụng, tiêu chảy, hoặc đau nhức xương khớp do phong hàn thấp. Trong bài này, chúng tôi xin nêu ra một vài phương pháp chữa trị các loại bệnh vừa nêu trên bằng các loại thuốc Nam dễ tìm, dễ sử dụng.
Chữa cảm lạnh, sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, ho, sổ mũi, người gai gai ớn lạnh. Dùng một trong các bài thuốc sau:
– Gừng tươi 15-20 g, hành trắng (cả dọc hành và lá hành) 15 g. Hai thứ rửa sạch, xắt nhỏ, nấu với 500 ml nước, để sôi khoảng 10 phút. Uống nóng rồi đắp mền cho ra mồ hôi.
– Lá tía tô 20 g, dọc hành tươi 20 g, gừng tươi 12 g, ba thứ rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Múc ra tô trộn chung với tía tô, hành, gừng, thêm gia vị để ăn nóng, đắp mền cho ra mồ hôi.Có thể cho vào cháo nóng 1 lòng đỏ trứng gà để tăng thêm khí lực, bổ sung dinh dưỡng.
– Gừng tươi 1 củ, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, giã nát. Xào nóng với chút rượu trắng, bọc vào túi vải sạch để đánh gió khắp người cho ra mồ hôi.
– Nồi nước xông: lá tía tô, lá sả, lá kinh giới, lá bạc hà, lá ngải cứu, lá chanh, lá bưởi. Dùng 3-5 loại lá vừa nêu nấu nồi nước xông để xông cho ra mồ hôi, sát trùng đường hô hấp. Xông xong, lau khô mình không để bị gió lạnh xâm phạm.
Gừng tươi, hành trắng chữa cảm lạnh, sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, ho, sổ mũi, người gai gai ớn lạnh. |
Chữa đau bụng, đầy bụng, ăn uống không tiêu, đi cầu lỏng, tay chân lạnh, sợ lạnh. Dùng một trong các bài thuốc sau:
– Gừng tươi 50-80 g rửa sạch, xắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với 1 tách nước sôi, uống ấm từng ngụm nhỏ. Có thể hòa với một ít mật ong hoặc đường để uống.
– Gừng khô (gừng tươi hấp chín rồi đem phơi khô, gọi là can khương) 12 g, củ riềng 15-20g. Hai vị đem nấu với 500 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn.
– Củ sả 12 g, lá tía tô 12 g, hoắc hương 12 g, gừng khô 8 g (hoặc gừng tươi 12 g). Nấu với 500 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn.
– Hạt tiêu tán bột 2-4 g, gừng khô tán bột 2-4 g, hai thứ hòa với nước cơm nóng để uống vào lúc đói bụng.
Khi uống thuốc, có thể kết hợp xoa ấm vùng bụng, quanh rốn, hoặc lấy bột lá ngải cứu quấn thành điếu, đốt cháy rồi hơ ấm lỗ rốn và chung quanh 5-10 phút.
Phong thấp thể hàn: đau nhức một khớp hay nhiều khớp. Mức độ đau vừa phải, khớp không sưng, da bình thường không tấy đỏ, không nóng. Có khi bị tê dại ngoài da, tay chân co duỗi, vận động khó khăn. Đặc biệt khi trời lạnh thì đau nhức càng tăng lên. Dùng một trong các bài thuốc sau:
– Gừng khô 10 g, củ nghệ 8 g, lá lốt 12 g, cỏ xước 12 g, cành dâu tằm (tang chi) 12 g, rễ tranh 10 g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần, uống ấm, trước bữa ăn.
– Rễ cây đinh lăng 12 g, ké đầu ngựa 12 g, đậu ván (sao) 12 g, tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) 12 g, kinh giới 8 g, mã đề 8 g, gừng khô 8 g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn.
– Lá lốt 12 g, cỏ xước 12 g, quế chi 8 g, thổ phục linh 12 g, thiên niên kiện 8 g, tang chi 12 g, trần bì (vỏ quít) 8 g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn.
Ngoài uống thuốc có thể kết hợp xoa bóp, bấm huyệt như sau:
– Xoa: xoa ấm hai tay hoặc hơ lửa cho ấm rồi xoa nhẹ nhàng từ bên không đau chuyển dần sang bên đau. Xoa theo thứ tự từ đầu xuống cổ, vai, lưng, tay, chân.
Khi xoa, nên chọn chỗ kín gió, ngồi trên ghế dựa. Có thể dùng dầu xoa bóp, rượu gừng hâm nóng, cao nóng… để tăng cường sức ấm.Mỗi ngày xoa 2-3 lần, mỗi lần 10-15 phút.
Theo Lương y Đinh Công Bảy/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…