Categories: Tin tức

Thiếu nữ 18 tuổi dũng cảm đón nhận cái chết

Biết mình không thể qua khỏi, cô gái trẻ mắc bệnh lupus xin bác sĩ cho xuất viện về chùa để được nghe kinh Phật trước khi đi xa.

Hình ảnh nữ bệnh nhân 18 tuổi trong chiếc áo thun đỏ xinh xắn và quần đen, mái tóc gọn gàng sạch sẽ, nằm trên chiếc giường đẩy được đưa ra khỏi cánh cửa phòng bệnh vừa mở, luôn trong tâm trí chàng sinh viên y khoa năm cuối Nguyễn Thanh Sang, nay là một bác sĩ nội trú. 2 năm đã qua, ánh mắt trìu mến đầy lòng biết ơn của thiếu nữ khi chia tay các y bác sĩ điều trị cho mình để lên xe cứu thương đi về nơi cuối cuộc đời vẫn khiến bác sĩ Sang nhớ mãi. 

Năm 2014, nữ bệnh nhân nhập viện Chợ Rẫy (TP HCM) vì ho và sốt cao. Cô gái không biết rằng đó là khởi đầu chuỗi ngày cuối đời nhiều nỗi đau. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh lupus ban đỏ. Ròng rã 6 tháng, bệnh nhân được bác sĩ khoa Nội khớp, Nội thần kinh, Nội thận… chăm sóc. Bệnh lupus đã biến chứng suy đa cơ quan.

Bệnh nhân được chuyển sang khoa Nội tim mạch vì tràn dịch màng ngoài tim, đè sụp thất trái. Bác sĩ chỉ định rút dịch, vận mạch vì sợ bệnh nhân suy tim cấp. Chiều 11/1/2015, bệnh nhân được đặt nội khí quản vì suy hô hấp, độ bão hòa oxy mao mạch giảm dần. Trong khi bố mẹ xót xa cho con gái đau đớn nên không muốn đặt nội khí quản thì bệnh nhân lại đề nghị bác sĩ hãy tiến hành. 

“Tôi chưa từng thấy bệnh nhân nào khi đặt nội khí quản mà lại mở mắt một cách hoàn toàn tự nhiên nhìn bác sĩ. Ánh mắt chứa đựng sự cảm thông trước sự bất lực của bác sĩ với căn bệnh hiểm ác của em cũng như cái giới hạn của y học”, bác sĩ Sang chia sẻ. Khi đó anh là sinh viên y năm 6 đang kỳ thực tập ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đêm, bệnh nhân bị thiếu nước, thiếu dịch, huyết áp tụt dần nhưng không thể đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm vì cơ thể đã quá phù và cổ nhiều vết tiêm do những lần đặt thất bại trước đó. Đường truyền tĩnh mạch đùi là đường hiếm hoi cuối cùng, được xem là duy nhất đưa thuốc vào cơ thể để giữ sự sống cho em. Các bác sĩ lo lắng bảo nhau: “Nếu bệnh trở nặng thì việc hồi sức sẽ rất gian nan”.

Ảnh minh họa: abcnews

Huyết áp bệnh nhân bắt đầu tụt nhanh. Cậu sinh viên năm cuối cứ chạy ra chạy vào đo huyết áp 5 phút một lần và lần nào anh cũng buộc lòng ghi vào hồ sơ bệnh án của cô gái trẻ 3 chữ “Theo dõi tiếp”. Bên ngoài cửa phòng bệnh, người cha ngoài 50 tuổi của bệnh nhân cứ lặng người trong những cơn nấc từ lồng ngực. Đây không phải lần đầu tiên ông nghe bác sĩ giải thích về tiên lượng xấu của con. 

Cậu sinh viên Sang khi ấy quyết định ngồi ở khoa Nội tim mạch trông chừng cho bệnh nhân. “22h tối, tôi quan sát mọi người trong khoa, cứ mỗi lần nhìn thấy em lòng tôi lại một lần nữa chùng lại”, bác sĩ Sang vẫn không quên cảm giác khi ấy. Huyết áp bệnh nhân giảm sâu, Sang báo cho bác sĩ trực. “Đành chấp nhận thôi. Bây giờ cách duy nhất nâng huyết áp lên là truyền dịch nhưng không có đường truyền, tim thì đang bị chèn ép, còn thuốc vận mạch thì đã dùng hết rồi…”, bác sĩ trực nói.

Cô gái nhìn Sang, rồi viết gì đấy vào một tờ giấy nhờ người mẹ với đôi mắt đỏ hoe đưa bác sĩ. Dòng chữ nguệch ngoạc với tâm nguyện: “Xin bác sĩ cho con về chùa. Con muốn được nghe kinh Phật và mất ở đó”. Lặng người trong giây lát, Sang hỏi nguyện vọng của người thân và họ cũng đồng ý cho con gái về chùa. Bình oxy, điều dưỡng chăm sóc tại nhà được chuẩn bị ngay lập tức. Giấy xuất viện được in liền.

23h đêm ấy, mọi việc chuẩn bị đã hoàn thành. Cô gái được thay đồ để về chùa. 6 tháng trời nằm trong bệnh viện, cô chưa một lần được về nhà. Có lẽ đây là lần xa nhà lâu nhất và cũng là chuyến đi xa cuối cùng của đời em. Việc Sang có thể làm duy nhất là đo lại huyết áp của bệnh nhân. 5 phút trước đó huyết áp đã tụt rất thấp, giờ lại không đo được.

Cánh cửa phòng bệnh mở ra, chiếc giường đẩy xuất hiện với bên trên là cô gái trẻ trong chiếc áo thun đỏ xinh xắn và chiếc quần đen. Bên cạnh cô có bố mẹ, ông bà ngoại, điều dưỡng và Sang. Ánh mắt cô gái nhìn mọi người rất trìu mến. Trước khi được đưa lên xe cấp cứu, cô lại nhìn mọi người với tấm lòng biết ơn. Các bác sĩ không ai giấu được vẻ bất lực và âu lo.

Chiếc xe rời viện đưa cô gái về chùa. Các y bác sĩ lại quần quật trong công việc thường nhật, lao vào cuộc chiến giành sinh mệnh cho những bệnh nhân khác nhưng lòng không tránh khỏi cảm giác nặng trĩu. Một chị điều dưỡng bỗng gợi lại chuyện, rằng đó là con gái duy nhất của hai vợ chồng. “Từ sáng cô bé đã biết là sẽ không qua khỏi nên dặn dò ông bà, bố mẹ nhớ sống tốt và giữ gìn sức khỏe. Bố mẹ hãy đẻ em trai để đừng bị bệnh giống như con gái. Em ấy muốn được nghe kinh ở chùa lần cuối”, nữ điều dưỡng tâm sự.

Chiếc tượng Phật nhỏ màu vàng luôn mang theo trong những ngày điều trị bệnh, cô gái để lại viện. 5h sáng hôm sau, người nhà báo tin em ấy qua đời, nhẹ nhàng ra đi trong sự thanh bình, ấm áp và chở che của Đức Phật. Phút cuối em không khóc, chỉ xin lỗi vì chưa phụng dưỡng được bố mẹ mà đã ra đi.

Với cậu sinh viên y khoa khi ấy, chuyện về nữ bệnh nhân trẻ này là bài học của sự mạnh mẽ và chấp nhận đương đầu với số phận. “Mỗi khi mệt mỏi, tôi vẫn nhớ lại câu chuyện ngày cũ để bước tiếp. Câu chuyện vẫn khiến tôi đau nhói mỗi khi đọc lại và hình ảnh cô bé 18 tuổi vẫn hiển hiện rất rõ”, Sang hiện là bác sĩ nội trú chia sẻ.

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago