Mùa hè là thời điểm nhiều người thích bơi lội được đắm mình trong làn nước mát nhất là vào các buổi chiều nóng nực. Ở bể bơi không chỉ có nam giới còn có cả nữ giới. Tuy nhiên, ngoài việc lưu ý tránh tình trạng chuột rút, đuối nước thì chị em cũng phải chú ý để đảm bảo giữ âm đạo không bị nhiễm nấm, bệnh khi đi bơi về.
Chị Thương (Hà Nội) là người thường xuyên đi bơi. Do chỗ chị ở ngay cạnh bể bơi nên chị thường mua vé tháng trong 3 tháng hè để bơi cho thoải mái. Không chỉ bơi lúc chiều tà mà có khi đi làm về muộn 8-9h tối chị vẫn đi bơi như một thói quen. Trước đây chị Thương được chẩn đoán bị viêm âm đạo. Dù đã được chữa trị khỏi nhưng chị Thương vẫn thận trọng khi đi bơi. Mỗi khi đi bơi về, chị thường thay quần áo cẩn thận, vệ sinh vùng kín mới ăn cơm tối. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi đi bơi về chị xuất hiện triệu chứng ngứa ở âm đạo.
“Tôi nghĩ do nước không đảm bảo. Hoặc tôi đi bơi muộn nên chất lượng nước không còn được như khi mới thay. Tôi đang dự tính sẽ điều trị khỏi hẳn rồi mới đi bơi lại hoặc không sẽ chọn những bể bơi có chất lượng tốt hơn dù giá có thể cao”, chị Thương cho biết.
Đang mắc bệnh nấm phụ khoa nhưng chị T. (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đi bơi. Bác sĩ đã cảnh báo phải điều trị dứt điểm hoàn toàn mới nên đi bơi. Tuy nhiên, chỉ khi bắt đầu thấy đỡ, chị T. đã đi bơi với bạn bè. Sau khi đi bơi mọi thứ vẫn ổn nhưng 1 tuần sau đó những cơn ngứa và đau rát bắt đầu xuất hiện trở lại khiến chị T. phải tìm đến bác sĩ.
Chị T. cho hay: “Một phần do tôi chủ quan không vệ sinh sạch sẽ. Cứ nghĩ chỉ cần tắm tráng qua là được chứ không phải dùng dung dịch để vệ sinh vùng kín nên mới ra nông nỗi này”.
Phụ nữ nên lưu ý điều này
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ sản khoa Lê Linh cho biết, đi bơi là nhu cầu tất yếu của ngày hè nhất là khi đời sống đã được nâng cao. Bơi không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn là cách để giải tỏa stress đáng kể cho những ai căng thẳng trong làm việc.
Nhưng việc đi bơi ngày hè cũng đặt ra nhiều nỗi lo. Bởi vì, số lượng người đến bể bơi đông, trong khi có người mắc bệnh ngoài da, các bệnh vùng kín, bệnh hô hấp, khi tiếp xúc với nước, các virus và vi khuẩn có thể tồn tại trong nước và lây truyền cho người khác.
“Nếu nước bể bơi không được thay hay khử trùng sạch sẽ, đúng quy trình thì những vi khuẩn, virus tồn tại trong nước sẽ gây bệnh cho người khác. Nỗi lo là có những người bị viêm âm đạo, nấm âm đạo, viêm vùng kín vẫn đi bơi không nghĩ đến sự ảnh hưởng với người khác”, bác sĩ nói.
Với phụ nữ đang bị bệnh phụ khoa tuyệt đối không đi bơi. Bởi khi khu vực này đang viêm nhiễm, sẽ có các vết trầy xước, khi đi bơi dù mặc quần bơi nhưng nước vẫn ngấm vào và các vi khuẩn, virus có thể làm cho tình trạng viêm nặng hơn.
“Khi đi bơi chẳng ai bơi trong 15-20 phút mà có người còn ngâm mình cả tiếng, điều này càng khiến cho khu vực vùng kín tiếp xúc với chất bẩn nên tình trạng này càng nặng hơn”, bác sĩ cảnh báo.
Với phụ nữ có âm đạo bình thường, sau khi đi bơi về phải vệ sinh sạch sẽ ngay, không thụt rửa mạnh nhưng nên dùng các dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH cân bằng nhằm tiêu diệt các vi khuẩn, virus tồn tại trong nước đi vào âm đạo.
“Dù đã tắm ở phòng tắm tráng sau khi bơi vẫn cần tắm lại sạch sẽ tại nhà. Tốt nhất nên thay quần lót khô ngay tại bể bơi, về nhà nếu cẩn thận hơn cần tắm lại và thay quần lót mới nhằm đảm bảo vệ sinh”, bác sĩ nhấn mạnh.
Ngoài việc vệ sinh “vùng kín”, nếu cẩn thận bạn cần tắm, gội sạch sẽ đặc biệt ở bẹn, nách là khu vực có thể tồn tại các vi khuẩn ẩn nấp. Đặc biệt nên vệ sinh mũi, họng và tai để đưa các vi khuẩn đi vào qua nước ở bể bơi ra ngoài.
Phương Hà
Nguồn: Emdep
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…