Nàng công chúa Hồi Cương xinh đẹp, người luôn ngát hương thơm, đi đến đâu là có cả đàn bướm bay theo tới đó từng khiến vua Càn Long ngất ngây trong phim Hoàn Châu Cách Cách liệu có phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, hay Hàm Hương là một nàng phi có thực trong lịch sử?
Nếu từng là người hâm mộ của bộ phim Hoàn Châu Cách Cách, chắc chẳng ai không nhớ Hàm Hương, nàng công chúa xứ Hồi Cương xinh đẹp, có tài ca hát, đặc biệt trên người tỏa ra mùi hương thu hút, khiến vua Càn Long say đắm. Vì sự khác thường này mà thân thế thật sự của nàng Hương Phi luôn thu hút sự tò mò của công chúng và trở thành chủ đề gây tranh cãi suốt một thời gian dài.
Hàm Hương nổi tiếng bởi khả năng thu hút loài bướm và thân thể tỏa ngát mùi hương.
Cuộc đời của nàng công chúa Hồi Cương trong phim
Trong phim Hoàn Châu Cách Cách, công chúa Hàm Hương xứ Hồi Cương yêu tha thiết dũng sĩ Mông Đan nhưng không được vua cha chấp nhận. Để được sống bên nhau, đôi tình nhân đã 7 lần chạy trốn nhưng lần nào cũng bị bắt lại vì bị chính mùi hương kỳ lạ tỏa ra từ cơ thể nàng “tố cáo”.
Sau khi chia uyên rẽ thúy, vua xứ Hồi Cương đã dâng con gái cho Hoàng đế Càn Long để tăng mối giao hảo. Bị ép trở thành phi tần nhà Thanh, Hàm Hương dù được vua Càn Long sủng ái nhưng lúc nào cũng u sầu vì không thể quên mối tình với Mông Đan.
Cảm động trước câu chuyện tình sóng gió của Hàm Hương, Tiểu Yến Tử và Hạ Tử Vy đã mạo hiểm dựng lên cái chết “hóa thành bướm” để giúp nàng đoàn tụ với dũng sĩ Mông Đan.
Trong phim Hoàn Châu Cách Cách, nàng từng có mối tình đẹp với Mông Đan.
Phi tần của thủ lĩnh người Hồi ở Tân Cương, chết oan uổng nơi đất khách
Nhiều sử sách và truyện dân gian ghi chép, Hương Phi không phải con gái xứ Hồi Cương mà là phi tử của thủ lĩnh người Hồi Đại Hòa Trắc Mộc. Chuyện kể rằng, năm 1759, Càn Long cử đại quân đi chinh phục bộ tộc Hồi ở Tân Cương, nghe nói thủ lĩnh người Hồi có một phi tử là Hương Phi xinh đẹp, tài giỏi nên đã sai phó tướng Triệu Huệ phải đem nàng về kinh cho bằng được.
Sau khi chinh phục được người Hồi, Triệu Huệ đưa được nàng Hương Phi về kinh. Ở trong cung cấm, nhận được nhiều sự sủng ái của vua Càn Long, có kẻ hầu người hạ, mọi hình thức sinh hoạt đều theo kiểu người Hồi, song Hương Phi vẫn một mực cự tuyệt, dù có phải chết vẫn thủ tiết với chồng.
Tài năng và sắc đẹp của nàng khiến cho vua Càn Long say mê.
Chuyện đến tai Thái hậu, bà lo lắng cho hoàng đế khi thấy Hương Phi vẫn một mực cự tuyệt như vậy. Thái hậu cho rằng, không thể để Hương Phi hiện diện trong cung mà không tuân phục nữa nên đã khuyên vua cho nàng về quê hoặc ban cho cái chết như ý. Nhân một lần nhà vua đi vi hành, bà sai người ban dải lụa cho Hương Phi.
Khi trở về, Càn Long đau đớn khi thấy Hương Phi đã thành người thiên cổ. Từ đó đến cuối cuộc đời, tuy sủng ái nhiều phi tần khác nhưng ngài vẫn luôn đau đáu trong lòng mối tình này. Tương truyền, ở ngoại thành Bắc Kinh hiện nay vẫn còn ngôi mộ được cho là của Hương Phi, trên bia khắc một bài thơ đau buồn thảm thiết.
Bí ẩn thân thế nàng Dung Phi
Theo một giả thuyết khác của các nhà khảo cổ Trung Quốc, hình tượng Hàm Hương được lấy nguyên mẫu từ Dung Phi, một trong những sủng phi của vua càn Long. Đây là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Sử sách chép rằng, vua Càn Long có hơn 40 phi tần, trong đó có một người dân tộc Hồi chính là Dung Phi.
Nàng Dung Phi được cho là sinh ra trong gia tộc quý tộc Hòa Trác, thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương nên còn gọi là Hòa Trác Thị. Theo truyền thuyết kể lại, ngay từ khi sinh ra thân thể nàng đã tỏa ngát hương thơm giống như một bông hoa vậy. Thế nên, nàng mới được gọi là Yiparhan, nghĩa là hương thơm.
Cho tới giờ, câu hỏi về thân thế thật sự của nàng vẫn chưa được khẳng định chắc chắn.
Năm 1760, sau khi dẹp loạn ở Hồi Bộ, Đồ Nhĩ Đô, thủ lĩnh thứ 29 của Hồi Bộ đồng thời cũng là anh trai nàng cùng các trợ thủ tới Bắc Kinh và được vua Càn Long tiếp đón nồng hậu. Đồ Nhĩ Đô được Càn Long ưu ái phong làm Nhất đẳng đại cát còn em gái chàng là Hàm Hương, khi đó 27 tuổi cũng được vời vào cung với tước vị Hòa quý nhân. Hâm mộ vẻ đẹp và tài năng của Hòa quý nhân, sau khi thống nhất Tân Cương, Càn Long lập tức lấy cớ liên hôn vì mục đích chính trị để có được nàng.
Cũng có tài liệu ghi chép rằng, Hàm Hương được nhập cung năm 1756.
Nàng phi được sủng ái đến mức ra “yêu sách” với hoàng đế
Theo lời người xưa, trước khi nhận lời làm phi tần của vua Càn Long, Hàm Hương có ra ba điều kiện với sứ giả nhà Thanh. Một là, nàng phải được sống, ăn mặc theo phong tục của người Hồi Cương. Hai là, anh trai sẽ cùng nàng về kinh. Ba là, nếu chết, nàng phải được an táng tại cố hương. Cả 3 yêu cầu trên đều được vua Càn Long dễ dàng chấp thuận.
Tương truyền khi Hàm Hương nhập cung, cây vải phương Nam trồng trong cung năm đó bỗng dưng sai hơn 200 quả. Đây được coi là điềm lành nên nàng vốn đã được vua Càn Long sủng ái nay lại càng được xem trọng. Năm 1762, nàng được đích thân hoàng thái hậu sắc phong làm Dung phi và tặng nàng rất nhiều quần áo và trang sức Mãn Châu.
Bí ẩn về người vợ tỏa hương thơm ngát của Càn Long vẫn khiến người thời nay tò mò, đi tìm câu trả lời.
Với sắc đẹp, tài năng và mùi hương thu hút tỏa ra từ thân thể, Dung phi khiến cho vua Càn Long không thể rời mắt. Khi Hoàng hậu qua đời, nàng là người có địa vị cao nhất trong cung và được vua hết sức coi trọng và sủng ái. Năm 1788, Hàm Hương qua đời, hưởng thọ 55 tuổi.
Sau khi nàng từ trần, vua Càn Long giữ lời hứa khi xưa, phái 120 binh sĩ mang nàng về an táng tại quê nhà và chôn cất trong lăng mộ chung của gia đình – lăng Apak Khoja (Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Mộ của Hàm Hương được cho là nằm tách biệt ở phía Đông của khu lăng mộ, bên ngoài có khắc tên nàng bằng cả tiếng Hồi Cương và tiếng Trung.
Được biết, trong mộ có lưu một bức tượng kèm lời chú giải: “Hàm Hương là người Hồi Bộ (tức Tân Cương ngày nay). Nàng có nhan sắc xuất chúng, dù không dùng hương liệu nhưng khắp người tỏa ra hương thơm dễ chịu nên được gọi là Hàm Hương“.
Cho đến bây giờ, sự thật về cuộc đời của nàng phi tần Hàm Hương được vua Càn Long hết mực sủng ái vẫn luôn là điều bí ẩn của lịch sử. Không ai có thể chắc chắn rằng, nàng có thân thể tỏa mùi hương hay không, nàng là ai trước khi nhập cung và những ngôi mộ được cho là nơi chôn cất nàng ở đâu đó quanh đất Trung Hoa là thật hay chỉ do người sau dựng lên cho phù hợp với truyền thuyết…
Video: Tam Tự Kinh tập 14 (Câu chuyện Càn Long và Kỷ Hiểu Lam)
Theo thời đại
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…