Categories: Tin tức

Tăng cường xây dựng hệ thống y tế trường học, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh

“Cán bộ y tế trường học không chỉ đơn thuần thực hiện các nhiệm vụ sơ cứu chấn thương hay khám, điều trị một số bệnh thông thường… Cán bộ y tế trường học phải gánh vác công việc như: chăm lo sức khỏe cho học sinh, giáo viên; tầm soát bệnh tật; theo dõi tình trạng dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực này như thu thập số liệu, theo dõi hồ sơ, sổ sách… Đặc biệt, vào lúc cao điểm dịch bệnh thì công việc của cán bộ y tế trường học là vô cùng vất vả.” – BS.CK II. Nguyễn Tài Dũng, Phó trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên – Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh

Quang cảnh Hội nghị “Đánh giá thực trạng y tế trường học và đề xuất giải pháp”

Hệ thống y tế trường học góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Mặc dù, trường học là nơi tập trung đông người, dễ lây mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác phòng chống dịch được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả tại các trường học, nên một số vụ dịch như: cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, sởi, rubella… xảy ra tại trường học không nhiều. Trường có học sinh mắc bệnh cũng được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây trên diện rộng. Vấn đề dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích, HIV/AIDS, thuốc lá được triển khai thường xuyên. Theo TS. Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, đội ngũ nhân viên y tế trường học đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trên 19 triệu trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Hàng năm, các em được khám sức khỏe định kỳ, qua đó phân loại sức khỏe, thông báo và tư vấn cho gia đình có biện pháp can thiệp kịp thời. Cũng nhờ có y tế học đường, cảnh quan trong trường học đã xanh, sạch và an toàn hơn. Số trường học có đủ nước uống hợp vệ sinh tăng lên 77,6% và 81,9% trường học có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Khó khăn thách thức của hệ thống y tế trường học

BS.CK II. Nguyễn Tài Dũng cho biết, hiện nay, tổng số học sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 1,3 triệu học sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này không hề đơn giản, chỉ tính riêng vấn đề dinh dưỡng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho trên 560 nghìn lượt học sinh ăn bán trú mỗi ngày ở các trường trên địa bàn đỏi hỏi nỗ lực rất lớn của hơn 1700 cán bộ y tế trường học. Năm 2015, ngành Y tế Thành phố đã tổ chức khám sức khỏe tại 100% số trường, với 98% học sinh được khám sức khỏe, lập hồ sơ y bạ; triển khai công tác nha học đường, khám và điều trị sớm bệnh răng miệng cho học sinh.

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ bệnh tật lứa tuổi học đường hiện nay khá cao: cận thị (từ 20% đến 35%); cong vẹo cột sống (từ 15% đến 30%). Bên cạnh đó, những bệnh mới nổi do gánh nặng học tập, điều kiện kinh tế, xã hội đang gia tăng như: tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì chiếm từ 15% đến 40%; bệnh răng miệng từ 60% đến 95%; rối loạn tâm thần học sinh từ 7% đến 25%. Đáng lưu ý, là sự nổi lên của vấn nạn bạo lực học đường, số học sinh có ý định tự tử tăng cao (16,9%). Trong khi đó, tỷ lệ học sinh ít vận động thể chất là 42%; hút thuốc (4,7%); uống rượu dẫn đến say (22,5%), đây là yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần… Điều kiện vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe học sinh tại một số nơi còn nhiều hạn chế.

Khối lượng công việc cần làm lớn, cũng như còn tồn tại nhiều vần đề ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, tuy nhiên, lực lượng cán bộ y tế trường học hiện còn thiếu và yếu. Đến nay, mới có 58,2% số trường có Ban chăm sóc sức khỏe học sinh. Số cán bộ y tế chuyên trách về y tế trường học biết đủ 5 lĩnh vực chuyên môn mới dừng lại ở mức 47,1%. Cả nước vẫn còn hơn 7.000 trường học chưa có nhân viên y tế, các vị trí này được giao cho giáo viên và nhân viên khác kiêm nhiệm. Với trường có cán bộ y tế, trình độ không đồng đều. Có nơi phải tuyển y tá, nữ hộ sinh vào làm việc. Ngoài ra, thực trạng nhiều phòng y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị, thuốc. Chế độ cho nhân viên y tế học đường eo hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí từ bảo hiểm y tế trích lại nên khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng.

Đề xuất phương án giải quyết khó khăn cho y tế trường học

Trong Hội nghị liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về “Đánh giá thực trạng y tế trường học và đề xuất giải pháp” được tổ chức ngày 29/12/2015 vừa qua, hai bộ đã nhất trí tăng cường phối hợp với nhau và với các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ xung, kiện toàn hệ thống văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác y tế trường học, khám sức khỏe định kỳ, đề xuất thêm danh mục cần chi trả bảo hiểm y tế cho việc khám, điều trị bệnh, đặc biệt là một số bệnh mạn tính cho học sinh; tăng cường chỉ đạo các cơ sở kiện toàn và hoàn thiện Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học; đảm bảo chế độ đãi ngộ, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực sẵn có; chỉ đạo các trường thu hút, huy động nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất cho y tế trường học. Đánh giá về công tác y tế trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cần phải có quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ các tổ chức cũng như trình độ nhân viên y tế trường học để hoạt động này hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, trong những năm gần đây, công tác y tế trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận nhưng cũng cần khắc phục điểm yếu về số lượng bác sĩ chuyên trách ở các đơn vị. Nhà trường cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tuyển dụng cán bộ y tế cho công tác này, đẩy mạnh tuyên truyền để 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế, từ đó có nguồn kinh phí bổ sung cho y tế trường học.

Bài, ảnh: Như Hiển

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago