Cẩn trọng, chu đáo từ khâu chuẩn bị
TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Hà Nội cho biết, đối tượng tiêm chủng lần này là những em 16 đến 17 tuổi sống trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, những em đã tiêm vắc xin Sởi/Sởi-Rubella/Sở-Quai bị-Rubella hoặc thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch; nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai không nằm trong diện tiêm đợt này. Hà Nội sẽ tổ chức tiêm theo 02 đợt: đợt 1 cho các đối tượng là học sinh trung học cơ sở thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố ngay ở các điểm tiêm tại trường; đợt 2 sẽ tiêm vét cho các đối tượng không được tiêm trong đợt 1 (những đối tượng nghỉ học trong khoảng thời gian diễn ra đợt tiêm chủng thứ nhất) hoặc các đối tượng ngoài cộng đồng tại các trạm y tế.
Cẩn trọng, chu đáo từ khâu ngay từ khâu chuẩn bị, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch, dự trù vắc xin, vật tư báo cáo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc men, vật tư trong suốt quá trình triển khai chiến dịch. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo, Trạm y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với các trường trên địa bàn lập danh sách các đối tượng thuộc diện đủ điều kiện tiêm chủng, hạn chế thấp nhất việc bỏ sót đối tượng; điều tra tình trạng sức khỏe, lịch sử tiêm phòng trước đây để quản lý, giảm thiểu những biến chứng có thể xảy ra. Để chuẩn bị tốt việc triển khai tiêm vắc xin Sởi – Rubella đảm bảo an toàn, chất lượng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn triển khai tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh và cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Tăng cường truyền thông để người dân hiểu và hưởng ứng
TS. Nguyễn Nhật Cảm cho biết, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và vi rút rubella gây nên. Bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể xảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) và nhiễm rubella bẩm sinh ở đối tượng trẻ em. Hội chứng Rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh…Việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng 16 đến 17 tuổi năm 2016 nối tiếp chiến dịch tiêm Sởi – Rubella cho hơn 20 triệu trẻ 1 đến 14 tuổi năm 2014-2015 sẽ giúp ngành Y tế chủ động khống chế bền vững bệnh Sởi – Rubella thông qua việc cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số mắc và tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng. Để người dân hiểu được những ích lợi này, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Truyền thông GDSK, Trạm y tế xã, phường, thị xã tăng cường tuyên truyền lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêm chủng, đồng thời, phố biến kiến thức an toàn tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp khi tiêm chủng và cách xử trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay các buổi gặp mặt thông qua các hình thức truyền thông vận động trực tiếp. Bên cạnh đó, ngành Y tế Hà Nội cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo trí trên địa bàn nhằm cung cấp kiến thức, thông tin chính xác, kịp thời về chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella đợt này.
Đảm bảo an toàn là trên hết
Đây là khẳng định của TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Nhằm đảm bảo an toàn công tác tiêm chủng, bên cạnh việc tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách về tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc an toàn tiêm chủng theo Thông tư số 12/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. TS. Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đối với điểm tiêm chủng tại Trạm y tế, tổi thiểu phải có 06 người gồm ít nhất 3 cán bộ y tế có Chứng nhận còn thời gian sử dụng đã tham gia tập huấn thực hành tiêm chủng an toàn. Với điểm tiêm chủng tại trường học, ngoài số cán bộ y tế theo quy định, nhân lực huy động tại điểm tiêm cần tối thiểu 4 người bao gồm ban giám hiệu, cán bộ y tế trường học và giáo viên. Điểm tiêm chủng phải đảm bảo một chiều, có bàn đón tiếp, bàn khám phân loại, khu vực chờ, khu vực theo dõi 30 phút sau tiêm chủng. Đối với những em không được tiêm nhưng có trong danh sách tiêm chủng phải gửi giấy báo để gia đình các em nắm được thông tin và đưa trẻ đến Trạm y tế nơi cư trú để tiêm. Sở cũng chỉ đạo các bệnh viện của Thành phố, các tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng xử trí, cấp cứu nếu có các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Để trong quá trình thực hiện tiêm không xảy ra trường hợp sợ hãi lan truyền, khu vực phòng chờ tiêm sẽ được bố trí tách biệt, tránh không để các em trực tiếp nhìn thấy việc tiêm, tạo môi trường thân thiện để làm giảm tâm lý căng thẳng, lo sợ khi tiêm. TS. Nguyễn Nhật Cảm cũng lưu ý các thầy cô tư vấn, động viên để học sinh yên tâm, tránh sợ hãi quá mức. Các bậc phụ huynh nên phối hợp với nhà trường giải thích, tuyên truyền, vận động con em mình tham gia tiêm chủng đúng lịch; tránh gây tâm lý sợ hãi, căng thẳng cho các em. Đối với các em trong diện tiêm chủng cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khoẻ của mình trước khi tiêm chủng. Các em cần ăn no trước khi tiêm; tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế về theo dõi phản ứng sau tiêm tại điểm tiêm chủng 30 phút và về nhà theo dõi trong 24 giờ tiếp theo. Các em cần đến ngay các cơ sở y tế khám và theo dõi nếu có các dấu hiệu: Sốt cao, phát ban, dị ứng hay bất cứ dấu hiệu bất thường khác. Đặc biệt, các em nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai không nên tiêm vắc xin sởi – rubella đợt này.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…
Sắc mặt và âm lượng giọng nói phản ánh sức khoẻ của mỗi người. Người…
Ngứa là hiện tượng tự nhiên khi da bị kích ứng gây ảnh hưởng đến…
Cây hoa quỳnh được sử dụng như một bài thuốc trong đông y có tác…
Cây hoa quỳnh không chỉ là loại hoa quý mà còn được dùng làm vị…