Trước thông tin người dân Hà Nội cho rằng hóa chất phun diệt muỗi trong đợt dịch sốt xuất huyết năm nay không hiệu quả, chỉ 1-2 tiếng sau phun, muỗi lại tái xuất hiện, chiều 25/8, tại cuộc họp giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Hà Nội, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Thanh Dương khẳng định hoàn toàn không có chuyện này.
Ông Dương cho biết hóa chất phun hiện nay là Delta Metrin, loại thuốc sách đầu bảng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng trong việc phòng chống các bệnh do muỗi, trong đó bao gồm sốt xuất huyết.
Khi về Việt Nam, loại thuốc này đã được Bộ Y tế, hội đồng các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất nghiêm ngặt về tính hiệu lực và tính an toàn mới được đưa vào sử dụng.
Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét ký sinh trùng đều có đánh giá thực tế và đề xuất Bộ Y tế đưa vào sử dụng. Do đó, kể từ ngày 27/4/2016, loại thuốc này đã được Bộ Y tế chính thức đưa vào sử dụng trong việc phòng chống, tiêu diệt muỗi.
Ông Dương cũng cho biết thêm từ ngày 20/6-1/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành bắt muỗi và thử nghiệm thực nghiệm tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Hà (quận Ba Đình). Kết quả cho thấy tỷ lệ muỗi chết là 97,8%. Theo đánh giá của WHO, chỉ số này cho thấy thuốc đạt hiệu lực tốt.
“Hiện Hà Nội áp dụng hình thức phun sương (phun trong không gian), chứ không thể phun tường (phun tồn lưu). Phun sương mới tiếp cận được các giá thể muỗi hay đậu vào quần áo, chăn màn, góc, cạnh… Phun sương là cách phun cả thế giới áp dụng, không chỉ có Việt Nam và phù hợp với dịch tễ của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Việc phun tường thuốc sẽ tồn tại lâu dài nhưng chỉ áp dụng cho muỗi sốt rét”, TS Dương cho hay.
Lý giải về việc xuất hiện muỗi sau phun, tiến sĩ Dương cho biết nguyên nhân là muỗi mới nở từ bọ gậy còn tồn tại trong các hộ gia đình từ trước đó. Cụ thể, qua đánh giá, từ 14-21/8, 3 đội cán bộ của viện phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun. Mỗi quận chọn một phường.
Theo đó, trước khi phun mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn, nhưng sau phun 24 giờ, mật độ muỗi trưởng thành bằng 0.
Tuy nhiên, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm, nhưng không triệt để (Thịnh Liệt: tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 26, sau phun là 12; Khương Thượng: tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 20, sau phun là 7; Thanh Lương: tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 40, sau phun là 30).
“Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nền sau phun những con bọ gậy chỉ cần vài ngày, thậm chí vài giờ lại nở thành muỗi. Chúng tiếp tục bay ra, chứ không phải là những con muỗi đã được phun trước đó. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt, hiệu quả, lâu dài là phải là tiêu diệt bọ gậy”, TS Dương nhấn mạnh.
Phun sương là cần thiết để diệt muỗi trưởng thành có nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Quỳnh Trang.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho hay số ca mắc sốt xuất huyết mắc trên địa bàn Hà Nội tăng từ tháng 5, tăng nhanh vào tháng 7 và tiếp tục vào tháng 8. Hiện tại, sốt xuất huyết đang trong đỉnh cao của dịch, dự báo sẽ kéo dài cho tới tháng 11.
“85% số ca mắc sốt xuất huyết từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung cao ở học sinh sinh viên và người lao động ngoại tỉnh chiếm tới 40% ca mắc bệnh. Số người mắc sốt xuất huyết 90% tập trung ở nội thành và ven đô”, TS Cảm nói.
Sắp tới, Hà Nội sẽ áp dụng phun hóa chất ở trường học trước khi đón sinh viên vào nhập trường, tránh trường hợp sinh viên nhập trường bị mắc sốt xuất huyết hàng loạt.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho hay tính từ đầu năm đã ghi nhận100.417 ca mắc (tăng 47,9%), 84.026 người nhập viện và 26 ca tử vong (tăng 9 người), tăng so với cùng kỳ năm trước tăng 47%, bắt đầu từ tuần 20, tăng sớm hơn so với năm 2016.
Ở miền Bắc, số ca mắc bệnh tập trung ở Hà Nội và một vài tỉnh đồng bằng có người lao động sinh sống làm ăn ở Hà Nội đi về quê mang virus bệnh lây cho cộng đồng. Đối tượng mắc sốt xuất huyết ở miền Bắc chủ yếu là học sinh sinh viên, nhân viên văn phòng và người lao động tự do… Số ca bệnh mắc có xu hướng giảm ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu giấy, nhưng lại tăng ngoại thành như Hà Đông, Thanh Trì, Nam Tư Liêm, Thanh Oai… Tình hình thời tiết như hiện nay vẫn cần đề phòng, không chủ quan.
PGS.TS Phu khẳng định: “Tập trung phòng chống dịch trong dịp đầu năm học mới để không xảy ra tình trạng học sinh mới nhập học mắc sốt xuất huyết. Cần phải tuyên truyền về các trường học tăng cường diệt bọ gậy”.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp dù các ban ngành đã làm quyết liệt. Tại Hà Nội không chỉ quan tâm phòng chống dịch ở nội thành mà phải ở cả các quận ngoại thành.
“Sắp tới mùa tựu trường, cần phải kiểm soát dịch tốt hơn, nếu không sẽ trở thành một ổ dịch lớn”, thứ trưởng nói.
Bên cạnh sốt xuất huyết, thứ trưởng cũng lưu ý tới bệnh tay chân miệng đang có các ca bệnh mắc đang tăng đặc biệt vào dịch tựu trường.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…