Chuyên khoa

Tác dụng tuyệt với của việc đi bộ

Đi bộ không chỉ tốt cho người cao tuổi mà còn tốt cho trẻ em, thanh niên, trung niên. Riêng với người cao tuổi, đi bộ có nhiều lợi ích to lớn.

Để có sức khỏe tốt, người cao tuổi (NCT) cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý và vận động cơ thể thường xuyên, trong đó đi bộ đóng một vai trò đáng kể.

Những lợi ích

Về cơ bản, mọi hình thức vận động đều làm tăng sự lưu thông khí huyết, trong đó đi bộ là hình thức thông dụng, dễ thực hiện và không tốn kém tiền bạc đối với mọi người. Đi bộ là một hình thức vận động thích hợp với hầu hết các lứa tuổi từ trẻ em đến người cao tuổi và ngay cả những người có bệnh mạn tính, đi bộ cũng giúp cho họ nhiều điều bổ ích.

Thông thường, đi bộ là một dạng làm cho khí huyết lưu thông làm tăng tuần hoàn máu, tăng dẻo dai thành mạch, điều hòa huyết áp. Vì vậy, người bị huyết áp thấp hoặc huyết áp cao đều được hưởng lợi mỗi khi đi bộ đều đặn, đúng phương pháp. Với người cao tuổi thỉnh thoảng bị rối loạn tiêu hóa (ăn không tiêu, đầy bụng, chán ăn, không muốn ăn, không thèm ăn, táo bón…), đi bộ giúp cải thiện một cách đáng kể. Đi bộ giúp cho người cao tuổi tăng mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương, hạn chế thoái hóa xương khớp và làm tăng tính dẻo dai của dây chằng, bao khớp, cơ bắp.

Người cao tuổi thường gặp phải chứng bệnh rối loạn mỡ máu (mỡ máu cao), đặc biệt thường thấy tăng cholessterol toàn phần và cholesterol xấu. Đây là các yếu tố có khả năng làm xơ xữa động mạch, đáng lo ngại nhất là động mạch vành và động mạch não. Đi bộ giúp cho cơ thể điều hòa chuyển hóa mỡ máu làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt làm hạn chế xơ vữa động mạch, giảm tỉ lệ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

Với những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp II, béo phì, đi bộ giúp tăng chuyển hóa đường ở các cơ bắp làm hạn chế tăng đường huyết và giảm béo phì. Ngoài ra, đi bộ giúp cho người cao tuổi giảm các tác nhân ảnh hưởng đến não bộ (stress), có khả năng hạn chế trầm cảm với một số người. Đi bộ đều đặn, đúng phương pháp làm cho máu lưu thông nhịp nhàng, máu lên não ổn định góp phần hạn chế lão hóa, teo não, suy giảm trí nhớ, lãng quên ở người cao tuổi. Thực tế cho thấy rằng, hầu hết người cao tuổi tập cho mình thói quen đi bộ đều đặn sẽ cảm thấy ăn ngon, ngủ ngon giấc, tinh thần sảng khoái hơn, một số bệnh tật mạn tính giảm dần hoặc không thấy xuất hiện và họ thấy ngày càng có ích hơn cho bản thân gia đình và xã hội.

Người tuổi cao sức khỏe yếu có bệnh mạn tính nên đi bộ chậm, có gậy hoặc người nhà giúp đỡ.

Đi bộ thế nào?

Trước hết nên xác định rằng đi bộ là một phương pháp vận động cơ thể đơn giản và dễ thực hiện nhất. Vì vậy, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng người mà hãy chọn cho mình một hình thức đi bộ hợp lý nhất. Với người cao tuổi nhưng còn khỏe có thể đi bộ kết hợp với hít thở, tay vung ngang ngực và bước đi nhịp nhàng. Với người cao tuổi, sức khỏe yếu có bệnh mạn tính (tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp, đái tháo đường, bệnh hô hấp…) nên đi bộ chậm, có công cụ hỗ trợ (gậy hoặc người nhà giúp đỡ) và nên đi trong sân, trong vườn, trong nhà hoặc trong ngõ.

Không phải bất kỳ người cao tuổi nào cũng đi bộ. Một số không nên đi bộ. Đó là những người đang trong tình trạng mắc bệnh cấp tính (bệnh nhiễm trùng, viêm khớp cấp, đang chóng mặt, buồn nôn, huyết áp đang tăng cao, đau tức ngực, đang lên cơn hen suyễn, mệt mỏi nhiều…). Một số người cao tuổi bị suy giãn tĩnh mạch chân, phù chân, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm hoặc thoái hóa, gai gót chân, bàn chân cũng không nên đi bộ. Trong thực tế, người viết bài này gặp khá nhiều bệnh nhân cao tuổi bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp gối với tư vấn ai đó không có chuyên môn về y học nên cứ đi bộ, do vậy, bệnh ngày một nặng thêm. Trong các trường hợp người cao tuổi đang bị chóng mặt, buồn nôn, nôn, khó thở, rối loạn tuần hoàn não khi bệnh đang xuất hiện không nên đi bộ, nhưng sau đó bệnh ổn định (do tự ổn định hoặc do dùng thuốc) có thể đi bộ chậm trong nhà, trong sân, trong vườn, với thời gian ngắn và không nên đi xa.

Không nên đi bộ vào lúc trời đang mưa, lạnh, nắng gắt. Không nên đi bộ ở nơi bụi bặm, xe cộ qua lại nhiều. Không nên đi bộ kéo dài cả tiềng đồng hồ và không nên đi bộ khi mặt trời chưa mọc hoặc khi mặt trời đã lặn. Để được tắm nắng mặt trời nên đi bộ vào khoảng 7 – 9 giờ sáng và 16 – 18 giờ chiều khi còn ánh nắng mặt trời. Nói chung, mỗi ngày trung bình đi bộ khoảng 60 phút chia làm 2 lần là vừa phải. Khi đi bộ nên mặc quần áo mỏng (mùa hè), quần áo ấm nhưng không chật, bó sát người (mùa lạnh), đầu nên đội mũ rộng vành, đi dày vải đế bằng, không nên dắt tay nhau cùng đi bộ và không nên nói chuyện mà tập trung vào hơi thở và bước đi, nhìn về phía trước, quan sát xung quanh (khi ra ngoài đường). Những người đã bị tai biến có di chứng liệt hoặc kèm theo suy giảm trí nhớ không nên đi bộ ra đường mà nên đi bộ trong nhà, trong sân, trong vườn hoặc trong ngõ và nên có người giám sát giúp đỡ.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Lý do nên chọn đi bộ để luyện tập và cách tính nhịp tim sao cho phù hợp

+ Chạy bộ và đi bộ: Môn nào tốt hơn?

+ Làm sao để việc đi bộ trở nên thú vị

adminyhoc

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago