Trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm và hệ miễn dịch yếu. Vì vậy, tắm đúng cách cho trẻ là mối quan tâm hàng đầu của các cha mẹ để bảo vệ sức khỏe cho bé.
Khi vừa chào đời, làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh nên dễ bị hăm do nhiễm khuẩn, giữ vệ sinh kém. Vùng bị hăm trên da của bé thường xuất hiện ở hậu môn, háng, cổ, ngấn tay và chân. Hăm ở trẻ không phải là vấn đề quá nguy hiểm, nhưng đòi hỏi cha mẹ phải biết chăm sóc để giúp da không bị sưng tấy, trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
Các vị trí có thể bị hăm da ở trẻ gồm:
Hăm ở mông, hậu môn do tã (bỉm)
Hăm tã là vấn đề thường gặp nhất, nó khiến cho bé bị phát ban, sưng đỏ ở vùng hậu môn hoặc gần bộ phận sinh dục. Nguyên nhân là dị ứng với tã, tã cọ xát vào da, mặc tã quá lâu và bẩn mà không được thay thường xuyên, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm men.
Cổ là một trong những vùng dễ bị hăm ở trẻ. Ảnh: Wholistic.
Hăm ở cổ
Hăm ở cổ có biểu hiện với những nốt và phát ban đỏ tại các nếp gấp ở cổ. Nguyên nhân có thể là ban nhiệt vào mùa hè gây kích ứng làn da mỏng manh của bé, các nếp gấp ở vùng da cọ xát với nhau trong khi mồ hôi gây ẩm ở vùng này khiến da bé bị đỏ nhưng không được vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, vùng da ở cổ bị nhiễm nấm men cũng có thể dẫn đến hăm.
Hăm ở ngấn chân, ngấn tay
Ngấn chân và tay là nơi có nếp gấp khiến da bị cọ xát dễ dẫn tới hăm. Nếu việc vệ sinh kém kèm mồ hôi ẩm ướt ở phần ngấn này có thể khiến bé bị hăm, gây khó chịu.
Cách trị hăm cho trẻ
Nhiều cha mẹ vẫn truyền tai nhau dùng phấn rôm để chữa hăm, tuy nhiên đây là thói quen sai lầm. Phấn rôm có thể bám vào các nếp gấp trên da và giữ ẩm khiến vùng da bị hăm lâu khỏi hơn. Ngoài ra, nếu phụ huynh bất cẩn có thể khiến cho bé hít phấn rôm vào phổi ảnh hưởng hệ hô hấp.
Một số người cho rằng dùng bột bắp hoặc các loại bột có thể chữa hăm. Tuy nhiên, phụ huynh không nên làm theo, do một số loại vi khuẩn sẽ được bột bắp nuôi dưỡng khiến cho hăm nghiêm trọng hơn, hoặc dẫn đến nhiễm trùng.
Vùng da bị hăm có thể khỏi sau vài ba ngày. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần lưu ý những điều sau để đảm bảo cho trẻ không khó chịu, ngứa ngáy, nhiễm trùng.
Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ
Khi trẻ bị hăm, cha mẹ cần cho trẻ mặc quần áo được may từ chất vải thoáng mát. Nếu mặc quần áo chật chội và vải thô cứng có thể khiến vùng hăm bị cọ xát dẫn đến nhiễm trùng. Quần áo làm bằng chất liệu cotton là giải pháp hàng đầu khi trẻ bị hăm, nếu hăm ở cổ tránh vùng cổ bị cọ xát. Nếu bị hăm tã, cha mẹ lưu ý thay tã 2-3 tiếng/lần.
Ngoài ra, khi giặt quần áo, cha mẹ nên chọn loại bột giặt hoặc chất tẩy nhẹ nhàng, không có hóa chất độc hại hoặc gây dị ứng cho da trẻ. Người lớn cho trẻ nằm, chơi ở nơi thoáng khí, tránh nơi nóng nực gây mồ hôi.
Tắm rửa sạch sẽ, giữ vệ sinh
Khi trẻ bị hăm trên da, cha mẹ cần lưu ý đến việc giữ gìn vệ sinh. Trước khi tắm, thay quần áo, bế trẻ, người lớn phải rửa tay sạch sẽ. Sau khi tắm, trẻ cần được lau khô bằng khăn sạch, mềm, không dùng các loại giấy ướt có chứa hóa chất. Đặc biệt, khi bị hăm tã, phụ huynh cần tránh để nước tiểu, phân tiếp xúc với vùng da sưng đỏ.
Sử dụng nước đun sôi để nguội khi tắm
Khi da bị hăm, có nghĩa vùng da đó có thể bị nhiễm khuẩn, đau rát và đỏ tấy. Vì vậy, nước tắm cho trẻ phải được đun sôi để nguội nhằm diệt khuẩn. Phụ huynh không dùng nước quá nóng để tắm cho trẻ. Bởi, nước quá nóng gây khô da làm cho chỗ hăm ngày càng nặng hơn. Sau khi tắm, bạn nhớ lau khô cơ thể bé một cách nhẹ nhàng đặc biệt phần da bị hăm rồi mới mặc quần áo.
Dùng dầu dừa
Với trẻ bị hăm da, cha mẹ có thể thoa dầu dừa lên vùng hăm, sau đó massage cho bé và lau sạch bằng khăn một cách nhẹ nhàng. Dầu dừa không chỉ giúp da sạch sẽ, mềm mại, mà còn có tính chất kháng khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu và bác sĩ nhi khoa để xem cơ địa của bé có phù hợp hay không.
Dùng kem dưỡng da, kem chống hăm dành cho em bé
Bạn nhớ phải tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để sử dụng kem dưỡng cho bé. Tuy nhiên, phụ huynh phải chọn loại kem an toàn, phù hợp, không chứa các chất độc hại hoặc gây dị ứng da. Nếu tự tiện sử dụng, bạn có thể khiến cho bé bị dị ứng với thành phần trong kem dưỡng dẫn đến hăm nghiêm trọng hơn.
Dùng baking soda
Bạn có thể thêm 2 thìa cà phê baking soda vào nước và thoa lên vùng da bị hăm nhằm xoa dịu, giảm bớt khó chịu và đau rát. Sau đó, cha mẹ lau nhẹ nhàng để vùng da bị hăm được khô, thoáng. Tuy nhiên, việc dùng baking soda vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tuy nhiên, nếu sau 2-3 ngày, vùng da bị hăm sưng tấy, đỏ, có dấu hiệu mưng mủ, rỉ nước, trẻ bị sốt và khóc nhiều, cần đưa đi khám bác sĩ nhi để có cách điều trị hợp lý.
Quang Minh
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…