Categories: Tin tức

Quan niệm sai lầm về chu kỳ kinh nguyệt trong lịch sử loài người

Thiếu kiến thức về sinh học, người thời xưa coi kinh nguyệt của phụ nữ là hiện tượng chảy máu xảy ra theo chu kỳ mặt trời, mang ý nghĩa linh thiêng thần bí hoặc xui xẻo, cần tránh xa.

Suốt hàng nghìn năm, các ghi chép về kỳ “đèn đỏ” vô cùng hạn chế, khiến các nhà nghiên cứu không ngừng băn khoăn. Dưới đây là một số tiết lộ về cách phái đẹp trước kia đối phó với kinh nguyệt, theo Medical Daily.

Thời cổ đại

Phái nữ hành kinh từ trước khi con người hoàn toàn tiến hóa thành một loài nhưng có rất ít tài liệu về kinh nguyệt thời cổ đại, nhiều khả năng do người ghi chép lịch sử hầu hết là nam giới. Các nhà khoa học nhận định phụ nữ thời xưa ít kinh nguyệt hơn ngày nay vì suy dinh dưỡng. Thời kỳ mãn kinh cũng đến khá sớm, thường vào tuổi 40.

Tại nhiều nơi, kinh nguyệt bị cho là gắn liền với ma thuật, phép phù thủy. Pliny Già, nhà triết học La Mã, viết rằng phụ nữ hành kinh ở trần có thể ngăn mưa đá và sấm sét, thậm chí đuổi côn trùng khỏi cây trồng. Trong thần thoại người Maya, kinh nguyệt lại bị xem là hình phạt dành cho Nữ thần Mặt trăng đại diện cho phái đẹp, sinh sản và tình dục sau khi bà ngủ với Thần Mặt trời bất chấp luật lệ. Máu của Nữ thần được trữ trong 13 chiếc lọ, sau biến thành rắn, côn trùng, thuốc độc và bệnh tật. Ngoài ra, người Maya tin kinh nguyệt sinh ra cây thuốc.

Hình vẽ Nữ thần Mặt trăng của người Maya. Ảnh: Wikimedia.

Kinh nguyệt mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo nền văn hóa, hay được dùng làm “bùa” thanh tẩy, bảo vệ, trù ếm. Tài liệu y tế Ai Cập Ebers Papyrus (1550 TCN) ghi chép kinh nguyệt là thành phần trong một số bài thuốc. Khi Kinh thánh ra đời, người Do Thái quy định phụ nữ hành kinh phải sống ẩn dật, tránh xa cộng đồng 7 ngày để “làm sạch”.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu phụ nữ cổ đại có sử dụng băng vệ sinh hay không. Họ giả định phái đẹp dùng những miếng vải rách; cói, cây gỗ nhỏ bọc trong vải xơ hoặc đóng khố.

Thời trung cổ

Tương tự thời cổ đại, các nhà khoa học không tìm được nhiều tài liệu ghi chép cách xử lý kinh nguyệt của phái đẹp trung cổ. Tiến sĩ Sara Read, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về phụ nữ châu Âu thời Trung cổ và cận hiện đại nhận định ngoài vải vụn cùng các vật liệu thấm hút khác, chị em lục địa già ngày đó để mặc cho máu chảy vào quần áo.

Không ngạc nhiên, kinh nguyệt bị cho là niềm xấu hổ tôn giáo, đặc biệt đối với đạo Kitô. Phụ nữ phải che giấu kỳ “đèn đỏ”, mang vòng được kết từ thảo mộc thơm trên cổ, eo để làm dịu mùi máu và thoa các loại thuốc như bột cóc nhằm ngăn máu chảy nhiều. Nhiều người còn nghĩ rằng cơn đau khi hành kinh là hình phạt của Chúa nhằm nhắc lại tội lỗi của Eva.

Thời hiện đại

1879

Cuối thế kỷ 19, con người bắt đầu quan tâm đến nguy cơ sức khỏe, vệ sinh nếu để máu chảy vào quần áo. Một bác sĩ người Đức viết: “Thật ghê tởm khi áo bị dây máu. Nếu mặc chiếc áo đó liên tục 4-8 ngày, bạn sẽ bị nhiễm trùng”. Tạp chí Y học Anh giới thiệu một thiết bị giống tampon nhưng không giải thích nó có được sử dụng cho kỳ “đèn đỏ” hay không.

Từ cuối những năm 1800 đến khoảng 1920, phụ nữ có thể mua chiếc đai vệ sinh Hoosier được làm từ một miếng đệm gắn liền với vành đai kim loại quanh eo.

Đai Hoosier. Ảnh: Hoosier belt.

1888

Sản phẩm băng vệ sinh lần đầu tiên xuất hiện với cái tên Khăn Lister. Cùng lúc đó, các y tá trong bệnh viện học cách lấy băng gạc để xử lý kinh nguyệt. Chất liệu này có khả năng thẩm thấu tốt nên về sau được sử dụng cho những miếng băng đầu tiên.

1929

Sản phẩm tampon do tiến sĩ Earle Haas sáng chế. Haas lấy ý tưởng sáng tạo tampon sau khi thấy một người bạn đặt bọt biển trong âm đạo để ngăn máu chảy ra ngoài. Tuy nhiên, cộng đồng thời đó vẫn chưa cởi mở về kinh nguyệt nên chị em muốn mua “sản phẩm phụ nữ” phải đặt tiền vào một chiếc hộp bí mật chứ không được đứng trước mặt người bán.

1980

Đến giai đoạn này, những loại đai vệ sinh như đai Hoosier đã gần như biến mất. Băng vệ sinh được cải tiến, có thể dán trong đồ lót và ngày càng thấm tốt hơn, không bị rò rỉ.

Thành viên Hội Phụ nữ tự Kinh doanh (SEWA) làm băng vệ sinh giá rẻ tại Ahmedabad, Ấn Độ cho phụ nữ, trẻ em gái vùng nông thôn. Ảnh: Sam Panthaky.

Từ đầu thế kỷ 20, kiến thức y học về kinh nguyệt được cải thiện rõ rệt. Hầu hết phụ nữ ở các quốc gia phát triển được sử dụng các sản phẩm sạch sẽ, an toàn. Giới khoa học còn phát triển loại quần lót đặc biệt dành riêng cho ngày “đèn đỏ” với tên gọi Thinx. Tuy nhiên, còn nhiều nơi trên thế giới quan niệm kinh nguyệt là điều cầm kỵ khiến hàng nghìn chị em không được chăm sóc vệ sinh. Ví dụ, ở một số vùng thuộc Ấn Độ, phụ nữ hành kinh bị cho là dơ bẩn, ô uế; gặp hàng loạt vấn đề do dùng vải rách. Chắc chắn, sẽ mất thời gian giáo dục về kinh nguyệt trên khắp thế giới để giúp phái đẹp biết xử lý “đèn đỏ” an toàn, không xấu hổ.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

20 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

20 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago