Là học sinh có lẽ ai cũng háo hức được nghỉ hè, bởi đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để các em được nghỉ ngơi, giải trí sau những tháng ngày miệt mài với sách vở.
Thế nhưng, mùa hè của nhiều học sinh, nhất là những học sinh thành phố lại bị “đánh cắp” bởi nhiều phụ huynh đua nhau tìm lớp cho con đi học thêm hè.
Học hè để không quên kiến thức là cần thiết. Nhưng học hè như thế nào cho phù hợp để các em vẫn có thời gian thư giãn, vui chơi đúng với lứa tuổi của mình?
Nghỉ hè nhưng không nghỉ học
Nghỉ hè được một tuần, chị N.H.T (Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã sốt sắng hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp địa chỉ lớp học thêm để gửi cậu con trai chuẩn bị lên lớp 4 đi học hè.
Nhiều người khuyên chị không nên cho cháu đi học trước, vì cháu còn nhỏ, kiến thức không quá nhiều để phải lo lắng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị: “Mình cho con đi học không lỡ con mải chơi quên kiến thức cũ.
Đi học thêm, cô sẽ củng cố kiến thức, giới thiệu trước chương trình để khi con bước vào năm học mới không bị bỡ ngỡ mà có thể tiếp thu kiến thức hơn hẳn những bạn không đi học.
Đành rằng kiến thức lớp 4 vẫn đơn giản và chưa phải quá nặng, nhưng bố mẹ cũng không thể dạy con học được bởi bây giờ chương trình học đổi mới, không giống như xưa”. Tuân thủ định hướng của mẹ, con trai chị T mỗi tuần được mẹ đưa đón đến nhà cô giáo đều đặn 5 buổi để ôn luyện kiến thức.
Mặc dù đến tháng 9 này cô con gái mới bắt đầu học lớp 1, nhưng chị H.T.H ( xã Định Trung – Vĩnh Yên) đã gửi con gái cho cô bạn thân là giáo viên tiểu học để nhờ cô luyện chữ và học trước tiếng Anh.
Theo chị H thì trường hợp của chị rất may mắn vì có bạn thân là giáo viên giỏi, chỉ nhận kèm vài học sinh nên sẽ thuận lợi cho việc kèm cặp, bảo ban con gái chị.
Do phải đi làm kín tuần nên cô con gái cũng được gửi học ở nhà cô giáo 6 buổi/ tuần, ăn cơm và nghỉ trưa luôn tại nhà cô, chờ mẹ chiều đi làm về đón.
Chị H chia sẻ: “Mới đầu cho con đi học, hai vợ chồng cũng bất đồng quan điểm, chồng tôi cho rằng cháu còn quá nhỏ, cho con đi học sớm sẽ tạo áp lực cho con, hơn nữa kiến thức lớp 1 chưa phải là nhiều nên không cần thiết.
Nhưng phần lớn phụ huynh đều cho con đi học trước, con mình ở nhà cũng không yên tâm bởi khi vào lớp 1, các bạn con biết đọc, biết viết hết mà con mình không theo kịp thì còn đáng lo hơn…”
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các em học sinh, nhất là học sinh ở thành phố sau khi kết thúc năm học thay vì được nghỉ 3 tháng hè như xưa thì chỉ được nghỉ khoảng một tuần rồi lại tiếp tục “học kỳ thứ ba” là học hè.
Khi các em chưa kịp tận hưởng thời gian vui hè thì phụ huynh lại lo tìm lớp học thêm tại các trung tâm giáo dục, trung tâm ngoại ngữ hoặc địa chỉ gia sư để cho con học thêm.
Khi được hỏi, mỗi phụ huynh đều có lý lẽ riêng nhưng phần lớn đều có tâm lý chung là “sợ con quên kiến thức cũ”, “muốn con được học trước, biết trước chương trình đề vào năm học mới khỏi bỡ ngỡ”, hoặc “sợ con ở nhà nghịch ngợm, bố mẹ phải đi làm cả ngày nên không ai quản lý ”…
Nên cân bằng giữa học và chơi
Năm học tới, em D.H.C ( Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) sẽ học lớp 9 và chuẩn bị thi vào THPT. Khác với mọi năm, kết thúc năm học, em được bố mẹ cho về quê chơi với ông bà 1 tháng và được tham gia một số hoạt động thể thao rèn luyện thể chất và kỹ năng sống như đi học bơi, học võ, tham gia chương trình học kỳ quân đội do Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức, thì năm nay em phải đi học thêm ngay từ đầu hè.
Nguyên nhân do kết quả tổng kết năm học lớp 8 của em chỉ đạt học sinh tiên tiến nên em bị bố mẹ mắng nhiều. Bố mẹ rất kỳ vọng và lo con trai không thi được vào Trường THPThuyên Vĩnh Phúc nên ngay từ đầu hè đã tìm lớp cho em học thêm.
C cho biết: “ Mỗi tuần em phải học thêm 7 buổi, với 3 môn là Toán, Văn và tiếng Anh, trong đó tiếng Anh học ở trung tâm có giáo viên người nước ngoài dạy, còn toán thì thuê gia sư học 3 buổi/ tuần.
C cho biết thêm, phần lớn bạn bè trong lớp em cũng cùng chung “hoàn cảnh”, nhiều bạn được gia đình cho nghỉ ngơi khoảng một tuần hoặc đi du lịch cùng bố mẹ vài ngày rồi lại trở lại với sách vở như trong năm học.
Mang tiếng nghỉ hè nhưng lịch học dày đặc khiến em không có thời gian đi chơi nên rất mệt mỏi. Nhiều lúc cầm quyển sách trên tay và nghĩ đến học khiến em rất sợ”. Nói về ước muốn của mình, C chia sẻ thêm:
“Em biết bố mẹ lo cho em nên mới bắt đi học thêm hè. Nhưng học nhiều quá thì cũng không thích. Nghỉ hè, em chỉ muốn được về quê đi thả diều và thả bò với các anh chị em nhà bác, em nghĩ tinh thần thoải mái thì vào năm học sẽ học tốt hơn”
Theo thầy Nguyễn Xuân Tranh – Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Yên Lạc, tâm lý chung là cha mẹ nào cũng mong muốn con cái học hành giỏi giang, tiến bộ, nhưng ép con học nhiều không phải là tốt, thậm chí sẽ tạo áp lực đến tâm lý, thể chất của các em.
Phụ huynh cũng chỉ nên cho con đi học nếu nhà trường tổ chức, dưới sự cho phép của Sở GD&ĐT, học ở mức độ vừa phải chứ không nên bắt con học nhiều ở bên ngoài. Đối với những em học kém thì cần bổ trợ thêm, với những em học khá thì học nâng cao hơn.
Và điều quan trọng là phải “cân bằng giữa học và chơi”, phụ huynh nên dành thời gian quan tâm và hiểu tâm lý các em, sắp xếp để các em được nghỉ ngơi, vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện thể chất và kỹ năng sống, tạo tâm lý thoải mái như vậy sẽ giúp các em bước vào năm học mới tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…