Nguyên tắc phục hồi chức năng đau dây thần kinh V
Dây thần kinh V thực hiện cả hai chức năng vừa cảm giác vừa vận động. Tuy vậy, chức năng chính là cảm giác và mỗi dây V sẽ tiếp nhận cảm giác cho một bên mặt. Dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 – V2 – V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt (do đó dây V còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba). Đây là thần kinh sọ lớn nhất. Đau dây thần kinh V là cảm giác đau một nửa mặt tại vùng chi phối của dây V.
Đau dây thần kinh số V là một tình trạng bệnh lý gây đau những vùng do dây thần kinh V chi phối. Đau thần kinh V là tình trạng bệnh lý hay gặp gây đau đớn khó chịu cho người bệnh. Người bệnh đau không thể ăn ngủ được luôn lo lắng, chất lượng cuộc sống giảm
Đau dây thần kinh số V là một loại đau rất đặc thù, trong cơn đau thường rất nặng, xảy ra đột ngột, thường kéo dài vài giây đến vài phút. Đau này thường là tự phát hoặc xuất phát từ một điểm đau.
Đau dây thần kinh số V thường xuất hiện một bên, hiếm khi xuất hiện đau dây V cả hai bên (chỉ chiếm 3-6% trường hợp). Những trường hợp đau cả hai bên không xuất hiện cùng một lúc mà đau một bên trong một thời gian dài rồi sau đó mới xuất hiện phía đối bên. Đau thần kinh V là một triệu chứng đặc thù không phải là một bệnh mà thường được liên kết với nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh khác nhau. Đa số bệnh nhân đau dây thần kinh V khi khám lâm sàng là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đau nửa mặt liên quan đến một số bệnh lý vùng góc cầu – tiểu não như xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), u màng não (meningiomas), u dây thần kinh V (schwannomas), u nang thượng bì (epidermoid cyst) …
Chẩn đoán đau dây thần kinh V
Hỏi bệnh:
Hoàn cảnh xuất hiện đau, vị trí đau, đau nửa đầu hay đau cả hai bên, thời gian kéo dài bao lâu. Có ba kiểu đau chính cần phân biệt:
– Đau dây V vô căn hay còn gọi là cơn đau đặc hiệu của dây V
– Đau dây V triệu chứng
– Đau mặt nhưng không điển hình của đau dây V
Khám và lượng giá chức năng:
Khám thần kinh số V rất cẩn thận để xác định đau dây V hay đau triệu chứng do các tổn thương khác.
Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm tế bào máu, sinh hóa máu, XQuang sọ vùng hàm mặt và CT Scan sọ có thể đánh giá bước đầu về sự bất thường có liên quan đến đau của bệnh nhân, kết quả thường là bình thường, từ đó đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.
Chẩn đoán xác định đau dây thần kinh V
Dựa trên bệnh sử của đau, đau theo vùng chi phối của dây V. Chẩn đoán xác định sau khi loại trừ đau do các nguyên nhân khác.
Chẩn đoán phân biệt đau dây thần kinh V
Phân biệt với triệu chứng đau khác ở mặt như đau dây IX, đau dây thần kinh sau Herpes, hội chứng Reader, hội chứng Sluder, đau thần kinh thể gối, đau khớp thái dương hàm, đau đầu Cluster, đau thần kinh sau chấn thương, đau do bệnh về răng, hốc mắt hoặc xương.
– Phân biệt với u góc cầu – tiểu não, u màng não, u nang thượng bì, u dây thần kinh VIII…
Chẩn đoán nguyên nhân đau dây thần kinh V
– Có thể di nhiễm trùng virus tại hạch Gasser hoặc các nhánh của dây V ngoại biên.
– Các tổn thương ngoài vùng răng miệng như: u góc cầu – tiểu não, u màng não, u nang thượng bì, u dây thần kinh VIII.
Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị đau dây thần kinh V
– Phát hiện sớm và can thiệp sớm đau dây thần kinh số V
– Áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với các thuốc giảm đau và y học cổ truyền.
Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng đau dây thần kinh V
Sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu:
– Nhiệt nóng trị liệu: tia hồng ngoại liều ấm, chườm nóng
– Siêu âm trị liệu
– Điện xung, dòng giao thoa, điện kích thích cơ thần kinh qua da (TENS).
Thuốc điều trị đau dây thần kinh V:
Sử dụng các thuốc chống co giật như Phenytoin (Dilantin, Di-hydan) và Carbamazepine (Tegretol). Carbamazepine là thuốc hàng đầu dùng điều trị để kiểm soát đau dây V. Liều bắt đầu thấp sau đó tăng dần cho đến 1200mg/ngày.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa:
Chỉ định khi điều trị nội khoa kéo dài bằng 2 loại thuốc trên với liều cao mà không còn hiệu quả. Các phương pháp điều trị ngoại khoa bao gồm;
Nhóm phương pháp làm tổn thương dây V
– Phương pháp tiêm cồn dọc theo đường đi của dây thần kinh V như dây thần kinh trên hốc mắt, dây thần kinh dưới hốc mắt, nhánh V2 hoặc nhánh V3. Tuy nhiên bất lợi của phương pháp này là làm mất cảm giác tạm thời hoặc gây dị cảm.
– Cắt dây thần kinh V ngoại biên
– Cắt dây thần kinh số V sau hạch Gasser qua đường vào cực thái dương.
– Cắt dây thần kinh gần cầu não
– Phương pháp mở thông dây V
– Nhiệt đông dây V tại hạch qua da bằng sóng radio
Nhóm phương pháp không làm tổn thương dây V
– Phương pháp giải áp vi mạch (Microvascular decompression): đây là một phương pháp áp dụng phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh trên thế giới và là phương pháp đưa lại hiệu quả nhất.
Theo dõi và tái khám phục hồi chức năng đau dây thần kinh V
– Theo dõi sự tiến triển của bệnh tại các cơ sở y tế khu vực
– Theo giỏi kết quả vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và tái khám tại các khoa Phục hồi chức năng hoặc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh
Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn phục hồi chức năng đau dây thần kinh V của Bộ Y tế)
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…