Dự án Hướng đến loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã thu thập và lưu trữ 23.682 mẫu muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) cái tự nhiên ở thành phố Nha Trang, trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2016. Sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm Zika trên người vào tháng 4, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này.
Kết quả cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể dương tính với virus Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với virus Chikungunya.
Như vậy, virus Zika có mặt với tỷ lệ rất thấp trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang. Việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương cũng cho thấy virus này đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên. Việt Nam đến nay đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika tại TP HCM (4 ca), Bình Dương (1), Khánh Hòa (1) và Phú Yên (1). Người bệnh không có tiền sử đi du lịch nước ngoài hay tiếp xúc với người bệnh, người đi nước ngoài về. Vì vậy Bộ Y tế nhận định, nguyên nhân gây bệnh là do virus Zika lưu hành trong quần thể muỗi tự nhiên.
Bộ Y tế khuyến nghị người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai, thực hiện tốt phòng chống dịch để tránh lây truyền bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Virus Zika được truyền từ người nhiễm sang người lành qua trung gian là muỗi Aedes aegypti (còn được gọi là muỗi vằn). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Zika có ở vùng nhiệt đới nơi các quần thể muỗi lớn, lưu hành ở châu Phi, châu Mỹ, Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Virus Zika được phát hiện vào năm 1947, trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, các ca bệnh và bùng phát dịch của căn bệnh này được báo cáo từ Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Môi trường nơi muỗi có thể sống và sinh sôi ngày càng mở rộng, tác động của đô thị hóa và toàn cầu hóa, những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika ở đô thị có khả năng xảy ra trên toàn cầu.
Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam là nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hoà. Mục tiêu dài hạn là phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn tự nhiên Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền bệnh sốt xuất huyết dengue trong cộng đồng. Trong các năm 2013-2014, dự án đã thả muỗi thí điểm ở đảo Trí Nguyên (thuộc phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Kể từ năm 2014 đến nay, trên đảo Trí Nguyên không xảy ra dịch sốt xuất huyết dengue trong khi ở TP Nha Trang (đất liền) và toàn tỉnh Khánh Hoà đã xảy ra dịch lớn vào các tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. |
Phương Trang
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…