Thấy con bị tiêu chảy, dù chưa biết nguyên nhân chị Yến chạy ngay ra hiệu thuốc mua vài gói oresol về pha cho con uống. Kiến thức này chị nghe trên đài, ti vi nhiều rồi. Chị nhớ như in nguyên tắc đầu tiên là phải bù nước và điện giải. Vì thế, nên khi mua thuốc về, chị pha nửa gói vào cái bát tô to rồi ép cho con uống. Hai mẹ con đánh vật với nhau đến là vất vả. Con chị vừa uống, vừa phun ra, rồi có lúc còn đạp đổ cả bát dung dịch chị vừa pha. Thế nhưng chị vẫn kiên trì vì chỉ sợ con bị mất nước.
|
Mỗi lúc uống thuốc là thằng bé lại nhăn nhó khóc mếu, không chịu uống. Chị Nhàn hàng xóm thấy vậy chạy sang giúp một tay. Nếm dung dịch chị Nhàn thấy mặn chát:
– Chị pha oserol có đúng tỷ lệ không mà em thấy mặn quá.
– Chị đổ nửa gói vào cái bát này rồi cho đầy nước vào đây.
– Trời ơi, chị pha như vậy là không đúng cách rồi. Dạo trước thằng cu nhà em đi bệnh viện, em cũng pha đại khái như chị và được bác sĩ giải thích cặn kẽ. Từ bữa đó em cứ nhớ như in cách pha loại dung dịch này.
– Bác sĩ giải thích sao hả em?
– Bác sĩ bảo một gói oserol này cần phải pha với đúng 1 lít nước đun sôi để nguội, không được pha oresol trong nước khoáng mặn hay nước khoáng ngọt. Sau khi cho nước vào phải quấy đều. Với tỷ lệ này ta sẽ có được dung dịch đẳng trương dùng cho người mất muối và nước nhẹ độ I (nghĩa là có mất muối, nước nhưng da không nhăn nheo, chưa có rối loạn nặng cân bằng muối – nước, người bệnh còn tỉnh táo, uống được). Dung dịch đã được dùng từ nhiều năm nay vậy mà vẫn có nhiều người pha chưa đúng kỹ thuật đấy chị ạ.
– Quan trọng thế sao hả em. Chị nghĩ cứ pha ra nước là được mà?
– Nếu pha không đủ 1 lít nước cho 1 gói bột oresol ta sẽ có dung dịch oresol đậm đặc hơn yêu cầu giống như ăn canh mặn, nước trong tế bào phải thoát ra ngoài để cân bằng và tế bào sẽ bị mất nước sẽ gây hại cho cơ thể. Với tiêu chảy nhẹ (tương ứng với mất nước và muối nhẹ), cần cho trẻ uống từng ít một, tùy theo tình trạng mất nước muối, tuổi, cân nặng mà cho uống bù vừa đủ, tránh bù thừa sẽ lại gây rối loạn cân bằng điện giải. Oresol đã pha ra phải dùng hết trong ngày. Nếu trẻ quá nhỏ không dùng hết phần dung dịch còn thừa phải bỏ đi không được dùng để uống sang ngày hôm sau vì dung dịch để qua đêm có thể bị chua, nhiễm khuẩn…
Nghe lời chị Nhàn, chị Yến đã đi pha lại oserol theo đúng tỷ lệ.
Hà Nguyên Cường
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…