Ông Đinh La Thăng cho rằng trước khi ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank đã trao đổi với thành viên Hội đồng quản trị PVN, đến thời điểm góp vốn đã có ý kiến của Thủ tướng.
Ông Đinh La Thăng – Ảnh: T.T.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vừa ký ban hành bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng – nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng các đồng phạm.
Theo đó, ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái liên quan quá trình góp vốn của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương – OceanBank khiến PVN mất trắng 800 tỉ đồng.
Với kết luận của cơ quan điều tra về những sai phạm của mình, trong lời khai về chủ trương góp vốn vào Oceanbank và thỏa thuận tham gia góp vốn giữa PVN và Oceanbank, ông Thăng cho rằng mình đã họp và lấy ý kiến nhiều người. Đồng thời đã xin ý kiến Thủ tướng nên không sai.
Đã có thỏa thuận với các thành viên Hội đồng quản trị?
Theo các tài liệu xác minh tại PVN, ngày 18-9-2008, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản gửi HĐQT báo cáo kết quả đàm phán với Oceanbank và kèm theo báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của ngân hàng này, trong đó có nêu thực trạng là ngân hàng có quy mô hoạt động nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính thấp…
Tuy nhiên khi nhận được báo cáo trên, ông Đinh La Thăng, chủ tịch HĐQT đã không tổ chức họp HĐQT để có chỉ đạo đánh giá lại tình hình hoạt động, năng lực của Oceanbank, phương án góp vốn, tính hiệu quả khả thi của việc góp vốn… mà cùng ngày ông Thăng và Hà Văn Thắm kỷ thỏa thuận số 6934 về việc tham gia góp vốn, cam kết PVN góp 20% vốn điều lệ tại Oceanbank.
Đến ngày 22-9-2008 ông Thăng mới bút phê chỉ đạo “xin ý kiến các thành viên HĐQT” trên văn bản số 140B ngày 18-9-2008, tức là sau khi ông Thăng đã ký thỏa thuận hợp tác với Thắm.
Ông Thăng khai trước khi ký thỏa thuận với Thắm đã nhiều lần trao đổi với các ông bà trong HĐQT việc PVN tham gia góp vốn vào Occeanbank được thể hiện trên giấy xác nhận ngày 28-3-2017 được ông Thăng cung cấp để giải trình với CQĐT.
Tuy nhiên sau khi bị khởi tố điều tra, ông Thăng xin khai lại, khi Ủy ban kiểm tra Trung ương vào làm việc tại PVN để có tài liệu xác nhận việc đã trao đổi thống nhất ý kiến trong HĐQT trước khi thỏa thuận tham gia góp vốn, lúc này ông Thăng đang là bí thư Thành ủy TP.HCM đã điện thoại nhờ ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo và bà Phan Thị Hòa nguyên thành viên HĐQT năm 2008 xác nhận việc ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương góp vốn vào Oceanbank.
Sau đó ông Thăng nhờ bà Bùi Thị Nguyệt, trước đây là Ban kiểm soát nay là trưởng ban tổ chức nhân sự PVN đến trực tiếp xin chữ ký xác nhận vào giấy xác nhận.
Kết quả xác minh tại PVN và Văn phòng chính phủ cho thấy: tại phương án tăng vốn lần 2 khi chưa được thủ tướng phê duyệt thì ông Thăng đã đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận bổ sung tăng vốn 300 tỉ đồng.
Trước khi ra nghị quyết không có bất cứ tài liệu nào thể hiện việc ông Thăng chỉ đạo khảo sát, đánh giá lại tình trạng hoạt động của Oceanbank, mục đích tăng vốn điều lệ, hiệu quả đầu tư lần góp vốn lần đầu…
Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra – Theo Kết luận điều tra
Đã xin ý kiến Thủ tướng
Ông Thăng cũng khai việc ký nghị quyết trước khi có ý kiến của chính phủ là để thống nhất trong HĐQT để ban hành chủ trương; sau khi báo cáo thủ tướng và được đồng ý bằng văn bản thì mới chuyển tiền mua cổ phần.
Đến thời điểm thực hiện chuyển tiền góp vốn ngày 25-10-2008 thì đã có ý kiến của Thủ tướng nên không vi phạm.
Như vậy tại 2 lần góp vốn, ông Thăng tiếp tục có vi phạm quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ – PVN ban hành cũng như nghị định của chính phủ về việc phải báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và đầu tư ra ngoài PVN.
Về lần góp vốn thứ 3, bổ sung 100 tỉ đồng, nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỉ đồng, duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, ông Thăng nhận thấy việc góp vốn này là trái quy định.
Tuy nhiên do bận đi tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa nên ông Thăng ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16-5-2011 đến 18-5-2011 cho ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV, do vậy ông Thăng cho rằng không liên quan đến việc ban hành nghị quyết về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của Oceanbank.
Một kỷ lục về điều tra nhanh
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố điều tra và bắt tạm giam ngày 8-12-2017. Sau 11 ngày bị khởi tố, ngày 19-12 cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra và chuyển hồ sơ đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm theo các tội danh đã khởi tố.
Theo ông Vũ Phi Long, nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, đối với tội danh bị khởi tố là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người, nhiều tài liệu mà thời gian kết thúc điều tra nhanh để có được bản kết luận điều tra sớm là rất tốt.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng khẳng định việc một vụ án hình sự được dư luận hết sức quan tâm mà hoàn tất điều tra sớm là một điều rất đáng hoan nghênh: “Đây là một kỷ lục về điều tra”.
Video: Cơ trưởng người Việt – 20 năm để tìm thấy chuyến đi lớn nhất cuộc đời
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…