Nguyễn Thu Hương (29 tuổi), sinh sống, làm việc tại Hà Nội chia sẻ cùng Zing.vn về những sai lầm trong cách nuôi con mà nhiều bà mẹ dễ mắc phải.
Tôi luôn hiểu, với con sữa mẹ là tốt nhất vì rất giàu kháng thể. Thời gian đầu mới sinh, ít sữa, tôi đã cho con ăn sữa công thức (SCT) và ti bình.
Những ngày đầu, tôi vắt sữa bằng tay, rồi dùng máy. Ban đầu, chỉ vắt được tráng bình, cố gắng mỗi ngày vắt 10 lần, mỗi lần 40 – 50 phút mà chỉ được 30 ml cả hai ngực.
Vì vậy, tôi vẫn không đủ sữa cho con ăn. Con phải ăn thêm SCT. Tôi cảm thấy tủi thân khi ai đó hỏi có đủ sữa cho con ăn không.
Sau đó, tôi nhận ra mình đã sai khi biết rằng hai hormone quan trọng nhất kích thích tiết sữa là prolactin và oxytocin thì tôi không dùng cách nào để tăng hai hormone này.
Con mất phản xạ bú mẹ vì ti bình khi mới sinh
Việc tập cho con ti mẹ của tôi rất khó khăn vì bé ti bình ngay khi mới sinh. Sau khi sử dụng núm vú giả, bé mất phản xạ bú mút bản năng.
Ti bình làm cho miệng bé lười, quên đi việc lưỡi phải kích thích massage núm vú mẹ và vắt sữa. Vì vậy, khi bú mẹ, sữa không chảy nhiều và nhanh như bú bình khiến bé cáu gắt.
Mỗi lần hai mẹ con tập ti như tra tấn. Cả tiếng đồng hồ con khóc lóc vật vã, còn mẹ mệt nhoài và căng thẳng. Đặc biệt, tôi sai vì đã ép con tập ti, khiến con sợ hãi.
Tôi khẳng định tập cho con bú mẹ và kích sữa chỉ dành cho các mẹ đã làm sai từ đầu như tôi. Đó là:
– Cho con bú bình ngay sau sinh hoặc trước 6 tuần tuổi.
– Cho con tráng ruột SCT, cho con ăn SCT hoặc ăn kết hợp SCTvà sữa mẹ.
Nếu bạn làm đúng từ đầu thì việc tập cho con bú mẹ và kích sữa không cần thiết. Trong thời kỳ mang thai bạn nên tìm hiểu kỹ những kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ.
Thu Hương và con trai 9 tháng tuổi. Ảnh: NVCC |
Phương pháp tập cho con bú mẹ tự nhiên
– Không cưỡng ép khiến con hoảng sợ. Hãy để con chủ động tìm núm vú của mẹ để bú mút.
– Dừng cho con ti bằng bình, chuyển sang đút bằng thìa.
– Không nên tập ti lúc con đói. Khi con đói, sữa mẹ không chảy ra nhanh và ngay như ti bình, bé không thấy có sữa sẽ cáu gắt và nhất định từ chối ti mẹ.
– Hãy tập cho con ti lúc con không quá đói và không quá no. Thời điểm thích hợp lúc là lúc con ngủ gật, lơ mơ, ngủ dậy chưa kịp tỉnh. Lúc này cho con ti trong tiềm thức, con sẽ tự tìm đến vú mẹ.
Bé nhà tôi đến ngày thứ 20 mới chịu bú mẹ và nhất quyết chỉ chịu ăn tầm 6h30 – 7h. Khi đó, dù cả đêm thức trắng mệt mỏi đến đâu, chỉ cần con ọ ọe, tôi liền bật dậy để cho con bú.
Ngày thứ 25, bé bú cữ đầu tiên chỉ 2 phút. Tôi mừng rơi nước mắt, hạnh phúc khôn tả.
Một tháng, bé bú mẹ được khoảng 4-5 cữ/ ngày và 3-4 cữ ăn SCT.
Tập cho con bỏ sữa công thức
Mắc quá nhiều sai lầm và ngộ nhận, tôi rơi vào vòng luẩn quẩn do mình tự tạo ra. Con không bú mẹ, mẹ vắt không đủ sữa cho con ăn.
Khi đọc nhiều bài viết của các mẹ về tác hại của SCT đối với trẻ nhỏ. Tôi không tin. Tôi cho rằng trẻ con bây giờ ăn rất nhiều vẫn bụ bẫm, khỏe mạnh và thông minh. Người không có sữa hoặc không đủ sữa mới phải cho con ăn SCT.
Tôi khi đó với tư cách là một người mẹ đang cho con ăn SCT cũng cảm thấy bị tổn thương.
Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh suy xét lại, tôi tìm hiểu những tài liệu gốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Tôi đọc rất kỹ và nhận ra mình đã sai khi nghĩ SCT hoàn toàn vô hại. Những suy nghĩ trước kia của tôi chỉ là ngụy biện của bản thân.
Hơn hết là tình yêu dành cho con đã giúp tôi vượt qua và quyết tâm bỏ hẳn SCT cho con ngay trong ngày hôm sau.
Khi cho con bỏ hẳn SCT, tôi phải đối diện với khá nhiều khó khăn.
Từ phía gia đình, chồng tôi vốn là người luôn ủng hộ việc nuôi con của tôi cũng phản đối gay gắt việc bỏ hẳn SCT, để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Anh cho rằng tôi mơ mộng viển vông, tôi không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ như người ta. Anh còn bảo, tất cả chỉ là lý thuyết vớ vẩn, thiếu sữa mà không cho con ăn thêm SCT, để con đói.
Từ phía con, bị cắt hẳn SCT, con quấy khóc rất nhiều. Tôi hầu như cả ngày chỉ ngủ được 1- 2 h, thời gian còn lại phải bế con ròng rã trên tay. Nhưng bằng tình yêu dành cho con, tôi kiên trì đến lì lợm, vượt qua tất cả những khó khăn đó. Tôi bỏ ngoài tai mọi lời nói của gia đình. Tôi ôm ấp da tiếp da, bế con và dỗ dành con cả ngày lẫn đêm đến kiệt sức.
Bản thân tôi luôn phải tự trấn an như niệm thần chú trong đầu: “Cố lên, cố lên, mình đủ sữa để nuôi con. Hãy tin vào bản năng làm mẹ”.
Ban đầu, con chỉ bú mẹ ban ngày, ban đêm nhất định không chịu bú. Rồi dần dần bé chịu bú mẹ buổi tối và cả đêm.
Sự kiên trì, lì lợm của tôi đã đem lại thành công chỉ sau một tuần. Khi con được 1 tháng 15 ngày, bé đã bú mẹ trực tiếp hoàn toàn cả ngày.
Lời khuyên
– Tôi không khuyên các bạn từ bỏ hẳn SCT cho con ngay sau đó. Bạn có thể cắt SCT cho con dần dần.
– Phải nắm vững kiến thức, kiên trì và bỏ qua những lời nói, tác động tiêu cực từ mọi người xung quanh.
– Da tiếp da với con càng nhiều càng tốt, ôm ấp vỗ về con để gia tăng tình cảm và sợi dây liên kết giữa hai mẹ con.
– Bản thân phải tự tin vào việc mình đủ sữa để nuôi con. Luôn cho rằng cơ thể không đủ sữa sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sữa do nhận thức.
(còn tiếp)
Nguồn: zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…