Categories: Tin tức y học

Nội soi tán sỏi qua da, những điều còn băn khoăn

Cùng với xu hướng can thiệp ngoại khoa tối thiểu, phẫu thuật nội soi một lỗ đã được đưa vào điều trị sỏi thận. Trên thế giới, phương pháp này đã trở thành thường quy. Ở Việt Nam, nội soi một lỗ vẫn còn mới mẻ.

Cùng với xu hướng can thiệp ngoại khoa tối thiểu, phẫu thuật nội soi một lỗ đã được đưa vào điều trị sỏi thận. Trên thế giới, phương pháp này đã trở thành thường quy. Ở Việt Nam, nội soi một lỗ vẫn còn mới mẻ. Trong lĩnh vực điều trị sỏi thận, phương pháp cũ – mổ mở vẫn được áp dụng nhiều. Lý do chưa được triển khai rộng phương pháp này? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với BS. Lê Sĩ Trung – Ủy viên BCH Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam, một trong hai tác giả có công trình nghiên cứu đầu tiên về phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da ở nước ta.

BS. Lê Sĩ Trung.

PV: Thưa BS, được biết, thời gian gần đây, cùng với xu hướng can thiệp ngoại khoa tối thiểu, phẫu thuật nội soi 1 lỗ đã được đưa vào điều trị sỏi thận. Phương pháp này so với các phương pháp phẫu thuật cổ điển trước đó có ưu điểm gì, thưa BS?

BS. Lê Sĩ Trung: Trong lịch sử ngoại khoa, phẫu thuật mổ mở kinh điển đã đạt tới những thành tựu vĩ đại, tuy nhiên vẫn còn vài yếu điểm do vết mổ lớn gây sang chấn, rất đau, mất máu nhiều và thời gian nằm viện kéo dài. Đặc biệt với sỏi thận, mổ mở với đường rạch bổ đôi thận lấy sỏi san hô có thể làm mất đi vĩnh viễn tới 30% chức năng thận.

Phẫu thuật nội soi thay thế mổ mở thực sự là cuộc cách mạng góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng sống cho người bệnh theo xu hướng can thiệp ít xâm hại với mục đích giảm thiểu sang chấn, giảm đau, giảm mất máu, sẹo mổ nhỏ, tăng tính thẩm mỹ và loại bỏ những biến chứng liên quan đến vết mổ lớn, rút ngắn thời gian nằm viện.

Phẫu thuật nội soi thông thường phải sử dụng ít nhất 3 vết mổ trong đó 1 vết lớn (15mm) để đưa ống soi giúp chiếu sáng và quan sát. 2 lỗ còn lại là dụng cụ phẫu thuật (7mm). Với phẫu thuật phức tạp, số lỗ đưa dụng cụ vào sẽ phải tăng thêm đồng nghĩa với nhiều sẹo mổ.

Và những tiến bộ của phẫu thuật nội soi không dừng lại ở đấy. Phẫu thuật nội soi 1 lỗ  ra đời là đỉnh cao của phẫu thuật nội soi nhằm nâng cao chất lượng sống với đòi hỏi thẩm mỹ cao, ít sang chấn, ít đau nhất nhờ việc giảm chỉ còn 1 lỗ vào. Tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi 1 lỗ đã được áp dụng thành công với đủ thời gian dài kiểm nghiệm cho các phẫu thuật cắt ruột thừa, u buồng trứng, u tuyến thượng thận, sỏi túi mật và nhất là sỏi thận. Trong điều trị sỏi thận, chúng ta đã ứng dụng một kỹ thuật nội soi là nội soi tán sỏi qua da.

Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da (NSTSTQD) phức tạp và nguy cơ chảy máu cao hơn phẫu thuật nội soi khác do phải chọc dò và tạo đường hầm không chỉ qua thành bụng mà còn phải qua nhu mô thận, tiếp xúc với sỏi ở vị trí an toàn nhất.

Về hiệu quả, phẫu thuật NSTSTQD không đơn thuần là thẩm mỹ mà quan trọng hơn cả là giảm thiểu chảy máu và tổn hại chức năng thận. Sẹo mổ nhỏ hơn 1cm (mổ mở là 20cm), ít đau, giảm chảy máu, ảnh hưởng tới chức năng thận do phẫu thuật nhỏ hơn 1% (mổ mở 7-30%), thời gian nằm viện 3-5 ngày.

Phẫu thuật nội soi siêu nhỏ: là tinh hoa của phẫu thuật nội soi nhằm chuyển từ can thiệp ít xâm hại trở thành can thiệp vi xâm hại và là phẫu thuật hầu như không có sẹo mổ. Với những dụng cụ rất nhỏ chỉ hơn 1 chiếc kim chọc dò đưa vào cơ thể qua vết chích 2-3 mm, phẫu thuật nội soi siêu nhỏ không gây sang chấn đáng kể, ít đau và vết mổ chỉ như một vết chích: thực sự là phẫu thuật không sẹo.

Nội soi tán sỏi qua da chuẩn thức là một kỹ thuật cao, hiện đại nhất trong phẫu thuật nội soi.

PV: Thưa BS, vậy phẫu thuật NSTSTQD ở Việt Nam hiện nay đã được áp dụng và triển khai ra sao?

BS. Lê Sĩ Trung: Đối với các nước phát triển, do việc áp dụng thường quy các phương pháp kỹ thuật cao ít xâm hại trong điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu, phương pháp mổ mở đã gần như bị loại bỏ chỉ còn khoảng 2%. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, điều trị sỏi thận bằng phương pháp mổ mở vẫn chiếm tỷ lệ lớn từ 30 – 60% phẫu thuật sỏi tiết niệu, đặc biệt đối với trường hợp sỏi có kích thước lớn.

Trong số các phẫu thuật nội soi 1 lỗ, phẫu thuật NSTSTQD được áp dụng vào Việt Nam sớm nhất. Cho đến nay, phẫu thuật NSTSTQD đã được áp dụng thường quy ở hầu hết các bệnh viện lớn trong cả nước.

Từ phẫu thuật NSTQD chuẩn thức có kích thước đường hầm vào thận lớn được cải tiến thành phẫu thuật NSTQD tối thiểu và cuối cùng là phẫu thuật NSTSTQD siêu nhỏ cũng đã được áp dụng tại Việt Nam.

Phẫu thuật nội soi tán sỏi qua da tối thiểu.

PV: Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da có nhiều ưu điểm như vậy, vì sao vẫn chưa được thay thế hoàn toàn phương pháp mổ mở? Những loại sỏi nào thì phù hợp áp dụng phương pháp này thưa BS?

BS. Lê Sĩ Trung: Phẫu thuật NSTSTQD chuẩn thức là 1 ứng dụng kỹ thuật cao hiện đại nhất trong phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ hoàn hảo của phẫu thuật viên cũng như trang thiết bị đồng bộ. Nội soi thận qua da chuẩn thức cho phép thay thế hoàn toàn phương pháp mổ mở với các sỏi tiết niệu lớn hơn 25mm, đặc biệt là sỏi “san hô” và sỏi tái phát sau mổ mở.

Phương pháp NSTSTQD tối thiểu là sự hoàn thiện tinh tế phẫu thuật bằng việc cải tiến những  dụng cụ sẵn có ở Việt Nam, dựa trên nguyên l‎ý thu nhỏ tối đa đường hầm vào thận, sử dụng ống nội soi niệu quản có kích thước nhỏ hơn 3 lần so với ống nội soi thận (8,5Fr/26Fr) và năng lượng laser để tán sỏi. Phương pháp này áp dụng tốt nhất cho sỏi kích thước 15-25mm, đặc biệt là những sỏi đã tán ngoài cơ thể nhưng thất bại.

Hiện nay, phương pháp này đã được phổ biến ở nhiều bệnh viện với những dụng cụ chuyên dụng hoàn thiện. Còn về phẫu thuật NSTSTQD siêu nhỏ, tại Việt Nam, chúng tôi đã áp dụng phương pháp này từ năm 2013.

Phẫu thuật này sử dụng ống nội soi thận siêu nhỏ kích thước 4,85 Fr, như 1 chiếc kim chọc dò nhưng cho phép quan sát, tán sỏi bằng laser và hút các mảnh sỏi ra. Sẹo mổ nhỏ hầu như không thấy, ít đau, ít chảy máu, nằm viện < 24giờ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho những sỏi nhỏ dưới 15mm.

Đối với các phẫu thuật viên có kinh nghiệm trong nội soi thận qua da, vấn đề kỹ thuật khi tiến hành nội soi thận qua da siêu nhỏ không phải là trở ngại. Tuy nhiên, với giá thành cao, dụng cụ quá mảnh, dễ hỏng và công suất tán sỏi hạn chế lại đặt ra một câu hỏi lớn về hiệu quả kinh tế y tế nếu phát triển kỹ thuật này.

PV: Trân trọng cảm ơn BS!

Lê Minh

((thực hiện))

Nguồn: SKDS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago