Giờ đây, bên cạnh nỗi lo suy dinh dưỡng, nhiều ông bố bà mẹ lại đang bối rối trước tình trạng béo phì của con. Phải làm sao để vừa giảm cân mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho con là mối lo ngại của họ.
Trẻ béo phì do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hình dáng sumo của trẻ. Khi còn nhỏ, bé lười ăn, còi cọc nên cha mẹ không tiếc tiền bổ sung cho bé bằng những đồ ăn chứa nhiều dinh dưỡng với mong muốn bé hấp thu được tý nào hay tý đó.
Hoặc với những trẻ độ tuổi mẫu giáo hay bắt đầu đi học, cha mẹ nghĩ rằng bữa ăn ở trường không đủ dinh dưỡng như ở nhà. Xót con nên họ tăng bữa, tăng khẩu phần ăn cho bé. Trong khi đó, với lượng bài vở ở trường, bé không có thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Để rồi đến khi bé có hình dáng tròn trịa thì lúc đó cả nhà mới phát hoảng không biết làm cách nào để ngừng lại.
Trẻ em chưa hiểu về hình dáng cơ thể của chúng. Những thực phẩm chứa đường như bánh kẹo, nước ngọt và các đồ ăn nhanh chứa nhiều mỡ rất hấp dẫn trẻ. Chúng chỉ hiểu đơn giản rằng món ăn này chúng thích và muốn được ăn cho đến khi nào no thì thôi. Chính vì thế, việc giảm cân cho bé quả là lắm gian nan. Phương pháp phổ biến hiện nay là giảm các thức ăn nhiều mỡ. Thế nhưng, nhiều người làm như thế vẫn không có hiệu quả cao.
Để giảm cân cho trẻ, trước hết cha mẹ nên quan sát các thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt thường ngày của trẻ, nên nói chuyện và giải thích cho bé bằng các hình ảnh cụ thể, bằng những câu chuyện ngắn hài hước giúp trẻ nhận thức được việc nên giảm cân. Khi đã có sự đồng tình của trẻ, việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn.
3 biện pháp giảm cân hiệu quả
Sai lầm của nhiều bậc cha mẹ là cùng một lúc cho trẻ uống thuốc giảm cân, giảm khẩu phần ăn một cách đột ngột, bắt trẻ tập thể dục thật nhiều. Những việc này hoàn toàn không hợp lý và không khoa học sẽ khiến trẻ kiệt sức dẫn tới ốm yếu. Hãy giảm cân cho trẻ bằng cách:
1. Thay đổi chế độ ăn
– Cha mẹ nên xác định lượng calorie mà trẻ cần (căn cứ theo độ tuổi, cân nặng), đọc kĩ chỉ số dinh dưỡng trên nhãn mác các loại thực phẩm trước khi cho trẻ dùng để đảm bảo không cung cấp dư lượng calorie cần thiết. Nên dần dần giảm lượng calorie hàng ngày của trẻ.
– Ngoài ra, phải sắp xếp lại các bữa ăn (không nên ăn nhiều bữa, không nên ăn vặt…) đồng thời định hướng lại cách chọn thức ăn cho trẻ: thay vì chọn một cốc nước uống có ga, hãy hướng trẻ chọn một cốc nước hoa quả tươi hoặc nước lọc. Thay vì tráng miệng bằng kem hay bánh ngọt, hãy khuyên trẻ dùng sữa chua.
– Nên thay đổi chế độ ăn một cách từ từ. Bữa ăn nên nhiều rau tươi, giảm bớt khẩu phần thịt. Không nên mua nước ngọt và nước có ga dự trữ trong tủ lạnh, thay vào đó là sữa không đường hoặc ít béo, các loại trái cây tươi, salat rau… Trẻ ăn xong sẽ cảm thấy dễ chịu, không bị đầy bụng mà cũng không bị nhanh đói, giúp tiêu hao lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Cả nhà nên theo một chế độ ăn lành mạnh cùng với trẻ, để trẻ không cảm thấy bị đơn độc.
– Tuyệt đối không nên vừa ăn vừa xem tivi vì khi không tập trung ăn sẽ khó kiểm soát lượng thức ăn nạp vào (ăn quá no). Không để trẻ quá đói mới cho ăn, vì khi ấy nhu cầu ăn của trẻ sẽ càng cao, khó kiềm chế. Không dùng đồ ngọt vào cuối bữa ăn.
2. Cùng tập thể thao với trẻ
– Nếu nhà gần trường nên để trẻ đi bộ đi học, khuyến khích trẻ hoạt động thể chất ở những giờ nghỉ giải lao, sau khi tan học hoặc tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ cùng nhóm bạn vừa nâng cao tinh thần tập thể vừa vận động cơ thể nhiều hơn. Ngoài ra, nên tạo cho trẻ thời gian nghỉ giữa giờ mỗi khi làm bài tập ở nhà. Để khuyến khích trẻ tập thể thao, cha mẹ nên tham gia và lựa chọn các bài tập phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ như cùng đi bộ, cùng đạp xe, đá bóng, đánh cầu lông. Nếu ở chung cư, không nên đi thang máy đến tầng của nhà mình, cha mẹ nên bớt lại 2 tầng cuối để cùng trẻ đi bộ lên cầu thang.
– Sau khi vận động hoặc chơi thể thao, trẻ thường khát nước và đói. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, ăn bánh quy dành cho người ăn kiêng và trái cây tươi để bù vào phần năng lượng bị mất đi.
– Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình máy tính, tivi hoặc chơi game mà thay vào đó là các hoạt động thể chất. Một ngày trẻ chỉ được ngồi xem tivi và máy tính nhiều nhất là 2 tiếng, cha mẹ nên có “giao kèo” với trẻ để phân chia thời gian cho hợp lý.
3. Cùng trẻ vượt qua trở ngại về tâm lý
Trẻ béo phì thường tự ti và xấu hổ khi bị bạn bè, thậm chí là cả người lớn trêu chọc về thân hình “bụ bẫm” của mình. Giải pháp duy nhất mà đa số trẻ béo phì lựa chọn là xa lánh bạn bè, thường chơi một mình, không hòa đồng và hay cáu giận vô cớ.
Cha mẹ không nên nôn nóng nhanh chóng giảm cân cho trẻ. Ngay cả người lớn giảm cân còn phải thực hiện cả một quá trình và sự kiên trì mới đạt kết quả huống chi là trẻ em khi chúng chưa nhận thức hết việc giảm cân quan trọng thế nào.
Cha mẹ cũng không nên trách mắng nếu trẻ chưa thật quyết tâm. Hãy cùng trao đổi, khuyến khích, động viên trẻ để chúng vui vẻ và phấn khởi tham gia các chương trình giảm cân mà cha mẹ sắp xếp. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên trao đổi với các thành viên khác trong gia đình không nên trêu chọc trẻ hoặc nói những lời khích bác. Đồng thời, cũng nên trao đổi với thầy cô trong việc ổn định tâm lý cho trẻ khi ở trường học.
—
Lượng calo cần cung cấp cho trẻ (từ 2-13 tuổi)
Giới tính | Độ tuổi | Tình trạng hoạt động | ||
| Ít | Bình thường | Tích cực | |
Trẻ | 2-3 | 1,000 calories | 1,000-1,400* calories | 1,000-1,400 calories* |
Nữ | 4-8 | 1,200 calories | 1,400-1,600 calories | 1,400-1,800 calories |
9-13 | 1,600 calories | 1,600-2,000 calories | 1,800-2,200 calories | |
Nam | 4-8 | 1,400 calories | 1,400-1,600 calories | 1,600-2,000 calories |
9-13 | 1,800 calories | 1,800-2,200 calories | 2,000-2,600 calories |
Vân Anh
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…