Mẹ mình hay kể hồi xưa mẹ mang thai và đẻ mấy đứa bay dễ lắm. Thế nên mình mặc nhiên nghĩ trong đầu có thai dễ ẹc, giống như đeo thêm cái ba lô chục ký trước bụng là xong.
Các bác, các cô, các chị của mình cũng chưa ai một lần kể về việc họ đã mang thai hay đẻ con thế nào. Đến khi cô em gái thân nhất với mình mang thai cũng thế, nên mình lại càng tin rằng có thai và đẻ con là chuyện các phụ nữ đương nhiên làm được và chẳng có gì phải to chuyện… cho đến khi chính mình trải qua kinh nghiệm đó.
Khi đó mình mới nhận ra tất cả những kiến thức đã học về chuyện mang thai và sinh đẻ vẫn không thể nào lột tả hết được mức độ rắc rối, khó chịu, và đau đớn mà việc mang thai và sinh con mang lại. Và cũng từ đó mình nhìn mọi phụ nữ đã có con với sự nể phục và cảm thông vô cùng. Trong mắt mình, họ thực sự là “siêu nhân.”
Khi mang thai và sinh nở, do sự thay đổi của nhiều loại hormones lên xuống liên tục, cơ thể của người phụ nữ cũng chịu nhiều thay đổi khốn khổ. Mà ngặt nỗi những thay đổi đó đa phần đều không chữa được và chỉ hết khi người mẹ sinh con xong một thời gian. Trong đó phổ biến nhất và cũng làm khổ các bà mẹ nhất là 1.bị ói mửa/mất vị giác, 2.bị khó ngủ, 3.bị táo bón/trĩ, và 4.bị trầm cảm. Trong đó, mình cho rằng chứng táo bón/trĩ là nỗi đau thầm kín thường xảy ra nhất và cũng gây đau đớn nhất của các mẹ.
1. Trĩ là gì?
Trĩ là khi hậu môn bị sưng, đau, chảy máu, và thậm chí bị lồi ra ngoài do một hoặc nhiều tĩnh mạch ở hậu môn bị sưng tấy. Có hai loại trĩ: trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là khi tĩnh mạch nằm sâu bên trong thành hậu môn bị sưng tấy, thường sẽ vỡ ra khi đi vệ sinh, dẫn đến việc chảy máu ngoài. Trĩ ngoại là khi tĩnh mạch nằm gần cửa hậu môn bị sưng lồi ra ngoài, gây đau đớn ngay cả khi ngồi hay di chuyển.
2. Tại sao các mẹ thường bị trĩ?
Có nhiều lý do tại sao phụ nữ thường bị trĩ khi mang thai và sau khi sinh con.
Thứ nhất: Lý do dẫn đến trĩ lớn nhất là táo bón. Khi mang thai, do sự thay đổi đột ngột của nhiều loại hormone khiến phụ nữ thường bị táo bón. Khi đó, vùng hậu môn sẽ thường xuyên bị áp lực lớn nên dễ dàng dẫn đến trĩ. Sau khi sinh con xong, do ruột các mẹ lúc đó còn yếu, nên chuyển động ruột để đẩy chất thải ra ngoài cũng yếu, khiến táo bón nặng hơn, và do đó, trĩ cũng sẽ nặng hơn.
Thứ hai: Khi mang thai, thai nhi đè lên các tĩnh mạch vùng xương chậu, và một tĩnh mạch lớn chuyên nhận máu từ chân đổ lên bên phía phải của cơ thể. Điều này có thể làm chậm máu từ nửa dưới của cơ thể trở về tim, khiến các tĩnh mạch ở vùng này thường bị sưng, trong đó có tĩnh mạch hậu môn, và do đó, trĩ là đương nhiên.
Thứ ba: Khi người mẹ sinh con sẽ phải rặn đẻ lâu, từ vài tiếng đến có khi hơn cả chục tiếng. Điều này cũng khiến hậu môn bị áp lực lớn và dễ dàng bị sưng tấy dẫn đến trĩ.
Thứ tư: Khi mang thai, việc hormone progesterone bị tăng cao khiến cho các tĩnh mạch dễ dàng bị sưng hơn. Ngoài ra, hormone này cũng khiến chuyển động ruột để đưa chất thải ra ngoài bị chậm lại, dẫn đến táo bón dễ dàng hơn.
3. Làm sao để chữa trị?
Để giảm thiểu đau đớn do táo bón và trĩ gây ra, các bà mẹ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con nên ăn nhiều rau củ quả để tăng cường chất xơ và uống thật nhiều nước. Đặc biệt là sau khi sinh con, các mẹ nên ăn đồ nước lỏng như súp, cháo, sinh tố, nước ép, v…v… để giảm thiểu chứng táo bón. Lần đại tiện đầu tiên sau khi sinh sẽ là khó khăn nhất vì các mẹ sẽ phải rặn nhiều trong nỗi lo sợ những mũi chỉ vừa khâu âm đạo sẽ bung ra. Các mẹ yên tâm nhé, chỉ sẽ không thể bung ra được.
Ngoài ra, việc ngồi ngâm hậu môn trong nước nóng 3-4 lần/ngày trong 15-20 phút cũng rất quan trọng, hiệu quả, ít tốn kém, mà lại rất an toàn cho cả mẹ lẫn em bé trong việc điều trị và giảm đau cho chứng bệnh này!
Nếu nghiêm trọng hơn nữa, bác sĩ sẽ kê đơn cho các mẹ thuốc giảm đau, kèm với thuốc để làm mềm phân, thuốc để đặt trong hậu môn cho đỡ sưng, và glidocaine gel để bôi làm tê vùng hậu môn tạm thời cho bớt đau. Các mẹ nên thử qua từng loại, và nếu loại nào không hợp thì chuyển sang loại khác nhé vì hiệu quả của mỗi cách thì khác nhau đối với các cá nhân khác nhau.
Có thể mất đến một tháng hoặc hơn sau khi sinh để các mẹ hồi phục hoàn toàn khỏi chứng bệnh này và mọi đau đớn, khó chịu do nó gây ra.
Do đó, nếu các bà mẹ có cáu kỉnh, khó tính bất thường thì cũng không có gì khó hiểu, nếu chưa kể đây chỉ là một trong hàng chục biến đổi khác khiến các bà mẹ khó ở khi mang thai và sau sinh. Tình yêu thương và nhất là sự cảm thông, chăm sóc của các đức ông chồng và của bạn bè, gia đình chính là “thuốc giảm đau” lớn nhất của các mẹ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh – MClub
Nguồn: zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…