Categories: Nuôi dạy trẻ

Những ứng xử sai lầm của cha mẹ khi muốn con vâng lời

Ảnh minh họa

Mua chuộc đứa trẻ bằng quà cáp, tỏ vẻ bề trên, thể hiện sự độc đoán… là những cách làm phản tác dụng của người lớn.

Con biết nghe lời, có những hành vi tốt theo mong đợi của bố mẹ là điều phụ huynh nào cũng hướng đến. Nhưng đôi khi, chính cách giáo dục của bố mẹ hoặc quá độc đoán, cứng nhắc, hoặc quá dễ dãi, nuông chiều, lại gây phản tác dụng.

“Tại sao con tôi hư thế, tôi nói mà nó không chịu nghe, cứ phải dùng roi”, “Cho thằng này ăn mệt lắm, có khi phải lên taxi đi tốn 200.000 đồng mới ăn hết bát cháo 20.000 đồng”… là những lời than thở mà các nhà tâm lý trẻ em không ít lần nghe được từ các phụ huynh.

Dưới đây là những cách sử dụng “uy quyền” sai lầm của cha mẹ khi muốn dạy con biết vâng lời, được thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng gia (Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam), chia sẻ trong buổi hội thảo gần đây với phụ huynh ở Hà Nội:

Sự đàn áp

Theo ông Đoàn, bố mẹ nhiều khi không ý thức được mình đang đàn áp con thông qua các hành vi như càu nhàu, la mắng, tỏ thái độ giận dữ, sẵn sàng dùng roi bất cứ khi nào. Hình thức giáo dục đầu tiên mà các bậc cha mẹ đàn áp con nghĩ đến là sử dụng hình phạt.

Từ việc con lỡ tay làm đổ cốc nước hay làm rớt đồ ăn ra nền đến chuyện trẻ không chào hỏi, quên làm bài, làm mất đồ… đều được gán tội “hư” và bị phạt để “lần sau không như thế nữa”.

Nếu câu hỏi đặt ra là “sự dữ tợn đó của cha mẹ có khiến trẻ sợ không” thì câu trả lời thường là “có” nhưng nếu mục đích của bạn là “để giáo dục con, giúp con ngoan hơn” thì tác dụng mang lại có thể không được như ý.

Hậu quả từ sự “đàn áp” của bố mẹ là trẻ luôn sợ hãi, thậm chí muốn xa lánh bố mẹ. Trẻ còn có thể hình thành tính khiếp nhược, hay lo âu. Không những thế, cách này còn vô tình khuyến khích trẻ nói dối (khi gặp tình huống bất lợi, trẻ sẽ không dám thừa nhận vì sợ bị đánh, mắng…).

Nguy hiểm hơn, dần dần, khi lớn lên, lúc có cơ hội, trẻ sẽ lặp lại hành vi “đàn áp” từng phải chịu từ cha mẹ, như một cách trả thù những gì chúng trải qua ở tuổi thơ.

Tạo khoảng cách

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng nên giữ khoảng cách với con cái, cần đặt mình ở tư thế bề trên, ở vai trò chỉ huy thì con cái mới nể sợ và dễ nghe lời. Cũng bởi suy nghĩ này, không ít phụ huynh hiếm khi gần gũi con, thậm chí phó mặc con cho ông bà, người giúp việc.

Hậu quả của việc này là tạo khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con, trẻ thậm chí coi bố mẹ là “khách trong nhà” và khi cần sự trợ giúp, cần được chia sẻ, tâm sự, chúng sẽ tìm tới những người khác. Không những thế, việc cha mẹ không gần gũi con có thể khiến trẻ thu mình lại, ngại tiếp xúc với người khác.

Một số nghiên cứu đã chứng minh, những trẻ sống xa hoặc ít được tiếp xúc với bố mẹ thường dễ có vấn đề tâm lý hơn trẻ được bố mẹ gần gũi, thể hiện tình yêu thương gắn bó.

Tỏ ra tự phụ

Nhiều bậc phụ huynh có thể có địa vị xã hội hoặc do tính cách, thường thích thể hiện “ta là nhất, là rốn của vũ trụ” khi ở nhà… Trẻ thường rất dễ nhiễm hành vi của người lớn. Nếu bố mẹ luôn tỏ ra “hơn người”, trẻ cũng dễ ứng xử tương tự.

Hậu quả là trẻ có thể lên mặt coi thường người khác, hay khoe khoang về bản thân và gia đình mình. Những trẻ này thường khó hòa động với những người xung quanh và khó thích nghi với môi trường sống mới. Đây là một bất lợi cho chính trẻ ngay từ lúc nhỏ.

Luôn độc đoán

Nguyên tắc của các bậc bố mẹ dạy con bằng sự độc đoán là: “Lời nói của bố mẹ là bất khả kháng. Khi bố mẹ ‘ra lệnh’, con miễn trình bày, không được nêu ý kiến”.

Nhiều phụ huynh nói rằng, họ bất đắc dĩ mới phải thực hiện cách này bởi cảm thấy bất lực khi không thể giải thích hoặc giải thích mãi mà con cũng không vâng lời, cố làm trái ý mình. Một số bố mẹ khác lại lo nếu mình không thể hiện quyền lực theo cách này thì con có thể nhầm tưởng là cha mẹ thiếu cương quyết và dễ nhờn.

Nếu bạn áp dụng cách này để mong con vâng lời thì thường ít hiệu quả bởi những lời nói thuyết giảng là điều trẻ vốn ít quan tâm nhất. Hơn nữa, trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, chúng có cuộc sống và những mối quan tâm riêng. Muốn dạy trẻ những kỹ năng mới nên thông qua các trò chơi, tương tác với thế giới đầy màu sắc, trực quan hơn là các lời nói khô cứng.

Ngoài ra, cách này có thể mang tới một số tác dụng không mong muốn như: Vì chỉ nói một chiều, ép con phải làm theo những tiêu chuẩn do mình đặt ra hoặc theo số đông, bố mẹ có thể không hiểu được những hứng thú, sở thích riêng của con, không thấy được những sự thay đổi, phát triển của trẻ.

Những đứa trẻ luôn phải làm theo mệnh lệnh dần dần sẽ trở nên thiếu tính sáng tạo, và lúc lớn lên, chúng có thể cũng sẽ cố gắng ra lệnh cho người khác nếu có cơ hội.

Dễ dãi đáp ứng các yêu cầu con

Nhiều phụ huynh rất sợ trẻ khóc, ăn vạ và để con nghe lời, họ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của trẻ: mua đồ chơi mới, mở phim hoạt hình cho xem, làm trò để con chịu ăn, chịu ngồi yên hay thực hiện một yêu cầu nào đó của mình…

Bố mẹ lầm tưởng như vậy là cách để con vâng lời nhưng thực ra họ đang củng cố có điều kiện cho hành vi không tốt của con.

“Một bà mẹ khổ sở vì hễ con đòi gì không được là đập đầu vào tường. Những lúc ấy, xót con, chị lại ngay lập tức chiều theo ý trẻ. Khi tìm hiểu, tôi được biết, trước đó, một lần khi trẻ đòi đồ chơi của bạn, lăn ra khóc rồi vô tình đập đầu xuống sàn nhà, bố mẹ hoảng hồn, ngay lập tức cuống cuồng dỗ dành rồi bỏ dở việc đang làm để đi mua đồ chơi khác cho con.

Từ lần đó trở đi, hễ muốn gì, trẻ lại dở chiêu ‘đập đầu’ ra. Em bé này mới hơn một tuổi. Thực tế, trẻ rất nhạy trong việc nhận biết thái độ của bố mẹ và chúng có thể biết lợi dụng những điểm yếu của phụ huynh ngay từ lúc rất nhỏ”, ông Đoàn chia sẻ.

Nhà tâm lý cho rằng, nếu luôn uôn dễ dãi đáp ứng mọi yêu cầu của con, bạn sẽ khiến trẻ thấy mình đang được “làm vua” trong nhà và những người khác phải có nghĩa vụ phục vụ bé. Cứ như vậy, mỗi khi có nhu cầu, trẻ không tự lo mà đòi người khác phải làm cho.

Mua chuộc con bằng quà cáp, lời hứa

“Con ăn hết bát cháo này, tí mẹ cho đi siêu thị nhé”, “Nào, con ngoan chào bác đi, hôm nào bố mua máy xúc cho”… là những câu nhiều phụ huynh sử dụng để dụ dỗ con làm theo ý mình.

Cách này có thể gây hại về lâu dài: Nếu không có điều kiện, trẻ sẽ không thực hiện mong muốn của bố mẹ; trẻ chỉ biết đòi hỏi, thiếu động lực trong cuộc sống và khó vượt qua được các thử thách trong đời.

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago