Cách đây mấy hôm, đám trẻ nhà tôi trở về nhà, kể rằng chúng ở trường đã được xem phi hành gia người Anh Tim Peake bay vào vũ trụ. Sự hào hứng và phấn khích của lũ trẻ thoạt đầu khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng rồi, tôi bất chợt nhớ lại những năm tháng ngồi với cha mình, cùng xem Neil Amstrong bước những bước đầu tiên trên mặt trăng, với cùng cảm xúc như đám trẻ nhà tôi bây giờ vậy.
Lịch sử ngành hàng không vũ trụ của chúng ta, không chỉ được viết nên bởi những “người hùng” như Yuri Gagarin hay Neil Amstrong, mà còn bởi cả những loài động vật khác nữa. Chính anh em nhà Montgolfier, vì lo lắng về những ảnh hưởng xấu của độ cao đối với sức khỏe con người, đã buộc một cái giỏ trong đó có chứa một chú cừu, một chú vịt, và một chú gà trống vào chiếc khinh khí cầu để thử nghiệm hồi năm 1783.
Khi cừu bay lên không trung
Tại sao lại là cừu, vịt, và gà trống? Bởi lẽ, cừu đại diện cho phản ứng sinh lý của con người, vịt là loài động vật quen với độ cao, còn gà lại là sinh vật hầu như chỉ ở gần với mặt đất. Và cả ba loài vật này đều “bình an vô sự” sau chuyến bay ngắn ngủi đó, trước mặt vua Louis XVI cùng bà Marie Antoinette. Tiếp bước những loài vật này, chỉ ít lâu sau, con người cũng đã có thể bay trên không trung.
Cũng như anh em nhà Montgofier, thời kỳ đầu của ngành khoa học vũ trụ, những nhà khoa học của chúng ta cũng có chung mối băn khoăn: liệu con người có thể sống sót trong quá trình thám hiểm ngoài vũ trụ hay không? Thế là, vào năm 1947, những chú ruồi giấm trở thành loài động vật đầu tiên bay vào vũ trụ và trở về an toàn, trên tên lửa V-2 của Mỹ.
Vào cuối thập niên 40 và 50 của thế kỷ trước, một loạt những chuyến bay vào vũ trụ được thực hiện, mang theo loài khỉ Rhesus Mỹ. Với việc những chú khỉ này đều an toàn trở về Trái đất, khiến các nhà khoa học tin rằng con người cũng có thể bay vào vũ trụ – ít nhất là trong những nhiệm vụ bay ra ngoài tầng khí quyển rồi lập tức trở về.
Chú chó Veterok sống sót được 22 ngày ngoài quỹ đạo
Các phi hành gia không-phải-người của nước Nga lại là những chú chó hoang. Sở dĩ có sự lựa chọn này, bởi đặc điểm sinh lý của chúng khá gần với con người, hơn nữa, những chú chó hoang lại còn có sẵn lợi thế về sức chịu đựng, do đã quá quen với khí hậu lạnh giá của nước Nga.
Và thế là, vào năm 1957, nàng chó Laika trở thành loài động vật đầu tiên bay vào quỹ đạo. Thế nhưng, đáng tiếc thay, Laika lại không bao giờ có thể trở về Trái đất, do sự cố khiến tên lửa Sputnik 2 trở nên quá nóng. Kết quả, Laika chỉ sống được vài giờ, thay vì khoảng thời gian hơn 1 tuần được các nhà khoa học tính toán trước đó.
Tuy vậy, Laika và nhiều chú chó khác được coi như “những viên gạch cuối cùng” đặt nền móng cho việc Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ vào năm 1961. Và dù rằng chuyến bay của Gagarin đã thành công tốt đẹp, nhưng để chắc chắn hơn, sau đó vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ vũ trụ khác được các loài động vật thực hiện.
Đã sẵn sàng bay vào vũ trụ
Một trong những nhiệm vụ vũ trụ nổi tiếng nhất được loài linh trưởng thực hiện, là chuyến bay của chú tinh tinh Ham vào năm 1961. Ham được huấn luyện đặc biệt, để có thể kéo các cần gạt trên tên lửa – qua đó cho thấy rằng, các phi hành gia có thể điều khiển được tên lửa ngoài vũ trụ, chứ không phải chỉ làm hành khách thông thường.
Việc sử dụng động vật cho các thử nghiệm bay vào không trung, đã trở thành nền tảng vững chắc cho ngành khoa học vũ trụ của con người. Và dần dần, để giải đáp cho những thắc mắc như môi trường trọng lực thấp sẽ ảnh hưởng ra sao tới đường bay của loài bướm, sự hình thành mạng nhện, hay việc sinh sản của tắc kè, hàng loạt các loài động vật khác nhau đều được bay ra khỏi tầng khí quyển của Trái đất.
Phần lớn các thí nghiệm được Tim Peake thực hiện ngoài vũ trụ, cần tới một mô-đun của Trung tâm Vũ trụ Châu Âu có tên EXPOSE. Mô-đun này chứa rất nhiều loài vi khuẩn và nấm, để kiểm tra liệu chúng có thể chịu đựng điều kiện khí hậu cực kì khắc nghiệt ngoài vũ trụ hay không – nơi mà nhiệt độ dao động cực kì lớn, bức xạ, cùng với môi trường chân không. Tất nhiên những loài vi sinh vật mà Trái đất mang lên, cũng đều được tìm thấy tại những nơi khắc nghiệt không kém – như ở gần mạch núi lửa chẳng hạn.
Hiện tại, loài vi sinh vật duy nhất từ Trái đất có thể sống sót trong điều kiện ngoài vũ trụ là loài gấu nước (tardigrades). Và biết đâu, kết quả thu được từ những thí nghiệm này, sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho các nhà khoa học đưa ra dự đoán về sự sống ngoài Trái đất, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho hành trình của con người tới những tinh cầu xa xôi.
Và đương nhiên, những cống hiến của các loại động vật trước đây luôn được chúng ta ghi nhớ. Năm 2008, nước Nga đã xây một bức tượng tưởng niệm Laika, vì đóng góp của nàng chó này cho sự nghiệp thám hiểm vũ trụ của con người.
Tham khảo theconversation
Nguồn: GenK
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…