Làm việc trong môi trường bận rộn nhưng Đặng Minh Thư vẫn dành nhiều tâm huyết cho các dự án cộng đồng. Nữ phóng viên trẻ vừa đạt giải cao trong một cuộc thi của Hội đồng Anh và sẽ là người đại diện Việt Nam sáng dự Trại sáng tạo ở Nhật.
Minh Thư hiện đang giữ nhiều vai trò, vị trí khác nhau nhưng vẫn dành thời gian cho các hoạt động cộng đồng. Thư là Giám đốc Nghệ thuật dự án Kidstallation – Doanh nghiệp xã hội Tòhe, Giáo viên tiếng Anh – Trung tâm English for Life vừa là Phóng viên – Biên tập viên Ban Văn hóa – Thể thao Đài truyền hình ANTV.
Cùng trò chuyện với Minh Thư để hiểu hơn về công tác cộng đồng và tâm huyết của thế hệ trẻ về sân chơi cho trẻ em.
Chào Thư, bạn có thể giới thiệu ngắn gọn về ý tưởng của bạn trong cuộc thi ELEVATE?
– Mình đại diện cho dự án Kidstallation – doanh nghiệp xã hội Tòhe tham dự cuộc thi ELEVATE. Đây là một dự án nghệ thuật sắp đặt giành cho trẻ em với mục đích chơi mà học, học mà chơi.
Kidstallation ra đời trong mong muốn tạo thêm sân chơi sáng tạo cho trẻ em trong cộng đồng, bằng việc cùng các em kiến tạo lại không gian đô thị hiện đại, từ những vật dụng giản đơn thông qua các chủ đề về thiên nhiên, lịch sử, khoa học xã hội. Từ đó, mong muốn mang lại hứng thú cho các em và đưa phương pháp tìm hiểu các vấn đề đó để các em yêu khoa học – cuộc sống.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị với Thu. “Có rất nhiều sân chơi thú vị trên thế giới, mà ở đó, không những trẻ em, mà người lớn cũng biến thành trẻ em khi bước vào những sân chơi sáng tạo ấy”, Thư chia sẻ.
Thư đánh giá như thế nào về sân chơi cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là sân chơi cho trẻ em ở thành phố?
– Rạp chiếu phim, công viên, sân chơi cho trẻ em ở trong nhà, game đã góp phần làm phong phú cho các hoạt động vui chơi của trẻ hiện nay.
Còn nói về các không gian công cộng thì có, nhưng sân chơi ngoài trời cho trẻ thì lại thiếu. Bởi các không gian công cộng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn bị xâm lấn trở thành chỗ để xe, quán ăn hay những mục đích kinh tế khác.
Mối quan hệ của con người đối với thiên nhiên đang dần hẹp lại. Việc của người lớn là có những quy hoạch cần thiết để giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên trong mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên và môi trường sống xung quanh.
Đây là tình hình chung của không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên họ phát triển hơn ta, nên các hoạt động vui chơi khác cho trẻ ở các nước phát triển cũng rất đa dạng và hấp dẫn.
Như ở Nhật, Anh, Pháp, các bảo tàng đã có những chiến dịch và những chương trình rất thu hút trẻ em và gia đình vào dịp cuối tuần, không chỉ tổ chức trong nhà, mà các đơn vị này còn bảo trợ các hoạt động sáng tạo hấp dẫn khác tại các địa điểm công cộng, gần gũi với thiên nhiên.
So với tuổi thơ của bạn thì bạn thấy việc chơi và sân chơi của trẻ em hiện nay như thế nào? Bạn thấy trẻ ngày nay thiệt thòi hơn hay được lợi hơn so với trẻ em thời của bạn?
– Tuổi thơ 20 năm trước là những trò chơi ném lon, trốn tìm, ô ăn quan, chơi chuyền, thả diều. Hồi đó không có Internet, không có laptop, Ipad, smartphone. Thay vào đó, hiện nay, những không gian khác được mở ra rộng lớn hơn, là cả thế giới nằm trong Ipad hay smartphone.
Trẻ hiện nay thiệt thòi vì thiếu khu vực chơi công cộng ngoài trời, nhưng thay vào đó, các em có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nguồn hiểu biết hơn chỉ thông qua 1 cú click chuột.
Theo bạn tổ chức việc chơi như thế nào sẽ đáp ứng được yêu cầu là “sáng tạo”?
– Đưa ra công cụ để trẻ chơi, để cho trẻ tự mày mò khám phá cách chơi và cách sử dụng. Việc tổ chức này phải dựa trên việc không định nghĩa và chấp nhận sự khác biệt.
Bởi khi định nghĩa, là giới hạn thế giới vào trong hiểu biết của mình. Và khi chấp nhận sự khác biệt, là mở ra con đường tới sáng tạo và tưởng tượng.
Khi tổ chức sân chơi cho trẻ, yếu tố nào sẽ được Thư lưu tâm nhất?
– Yếu tố sáng tạo. Từ đó thấy được khả năng tư duy và phát triển độc lập của trẻ, tuy nhiên phải nằm trong mối quan hệ với gia đình, cộng đồng và không gian sống. Làm sao chúng ta ý thức được việc độc lập chứ không cô lập, khác biệt chứ không tách biệt.
Ở thành phố, trẻ em có cơ hội tiếp cận và quen với nhiều trò chơi sử dụng trang thiết bị hiện đại, nhưng mình thấy các nhóm sáng tạo sân chơi cho trẻ em đều hướng về các trò chơi truyền thống đơn giản (sử dụng đồ tái chế). Các bạn ủng hộ trò chơi truyền thống vì nó có lợi cho trẻ hơn là trò chơi hiện đại hay còn lý do gì khác?
– Mỗi nhóm có một mục đích và lý do khác nhau. Đối với Kidstallation, hướng về việc tái sử dụng các vật dụng gần ta nhất, giản tiện nhất, điều đó không liên quan tới truyền thống hay hiện đại, có lợi hay có hại, mà vì dễ kiếm tìm nhất và thân quen hơn cả.
Tôi nghĩ vấn đề không quá quan trọng ở (WHAT) chỗ dùng vật dụng/ công cụ gì, mà là (HOW) tổ chức trò chơi như thế nào để trẻ cảm thấy tự do, tự tin, thoải mái và muốn khám phám, tự tìm hiểu.
Tôi cũng luôn ủng hộ và mơ ước về sân chơi hiện đại, ví dụ như màn hình cảm ứng (với video art) hay các ứng dụng công nghệ cao tương tác với trẻ.
Ngoài ra, việc kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau (công nghệ, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn) vào trong cùng một sân chơi là điều mà tôi luôn hướng đến.
“Tôi làm sân chơi cho trẻ em vì được truyền năng lượng và cảm hứng từ chúng”
Cho trẻ tự sáng tạo việc chơi sẽ thấy được khả năng tư duy và phát triển độc lập của trẻ.
Muốn trẻ em được sáng tạo thoải mái trong việc chơi của chúng thì cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng – cha mẹ là người quyết định cho con chơi gì, chơi bao lâu, chơi như thế nào. Vậy theo Thư, cha mẹ nên làm gì, đặc biệt là với khoảng thời gian tự chơi ở nhà của con để phát huy tính sáng tạo của chúng?
Tôi muốn chia sẻ 3 điều ở góc độ người tổ chức trò chơi:
– Không nói “không” với trẻ trong sân chơi của chúng. Đừng tạo những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và khuất phục.
– Xin đừng nói “Con phải làm thế này”. Mỗi công cụ, mỗi phương tiện được mỗi người sử dụng theo các cách khác nhau. Hãy để trẻ tự khám phá. Đừng nói cho trẻ cách viết các chứng minh, cũng đừng lập luận hộ và rồi rèn luyện trí nhớ của chúng. Chả phải Albert Einstein đã nói “Tưởng tượng hơn kiến thức” đó sao?
– Tạo cho trẻ một môi trường chơi an toàn với các vật dụng an toàn. Trong việc chơi, ngay cả ngã cũng là một “phần thưởng” cho trẻ, từ đó chúng biết tự lượng sức mình, biết quan sát xung quanh nhiều hơn. Chúng sẽ tự phát triển bản tính tốt bằng chính trải nghiệm của chúng, và chính đời sống sẽ giáo dục chúng. Tuy nhiên, đời sống này nên do cha mẹ, người lớn sắp đặt và cách ly những ảnh hưởng xấu. Như vậy, một cách gián tiếp, ta không xuất hiện (hoặc xuất hiện như một đứa trẻ tốt) và làm cho trẻ tin rằng mọi điều xảy ra là tự nhiên. Bằng cách đó, ta nhường đường cho bản tính tự nhiên phát triển một cách tốt nhất, có thể nói đó là cách tự do trong khuôn khổ.
Từ đó tìm hiểu năng lực của bản thân đứa trẻ (như: khả năng tư duy logic, tư duy trừu tượng, sự hiểu biết, tự nhận thức, truyền tin, học, có trí tuệ xúc cảm, trí nhớ, kế hoạch, và giải quyết vấn đề) để cân bằng, tương ứng nó với các nhu cầu khác (mơ ước của cha mẹ, sở thích của trẻ, v.v..).
Minh Thư tốt nghiệp thạc sĩ Quản lý và chính sách văn hóa ở Anh năm 2013.
Được biết, Thư đã đi du lịch đến 15 nước trên thế giới, bạn cảm nhận gì về trẻ em và sân chơi ở những nơi bạn đã đi qua. Tại sao bạn lại chọn làm dự án cho trẻ em mà không phải đối tượng khác?
– Tôi làm sân chơi cho trẻ em vì được truyền năng lượng và cảm hứng từ chúng. Trẻ em là những “Hoàng Tử Bé”, những tiểu hành tinh mới trên trái đất, chúng luôn hồn nhiên, đầy năng lượng cho những điều mới mẻ và luôn có những câu hỏi bất ngờ.
Tôi thích đi du lịch và thực sự, những chuyến đi đã đem lại nhiều ý tưởng và niềm vui. Có rất nhiều sân chơi thú vị trên thế giới, mà ở đó, không những trẻ em, mà người lớn cũng biến thành trẻ em khi bước vào những sân chơi sáng tạo ấy.
Quan trọng hơn, là những sân chơi ở nước ngoài, họ khá quan tâm tới mối quan hệ của trẻ em với cha mẹ, cộng đồng, không gian sống và thiên nhiên.
Ví dụ như Vòng quay gỗ ở Wien (Áo) vào dịp Christmas, khi cha mẹ đạp xe thì nhạc mới ngân lên và sân chơi của con mới hoạt động. Sân chơi này được làm mới lại từ những đồ vật cũ trong gia đình.
Hay những triển lãm kiến trúc, sắp đặt được đưa từ bảo tàng ra những khu vực công cộng ở London, Anh, đặc biệt là những khu dân cư có thu nhập thấp, nhằm cải thiện và thay đổi môi trường sống, không gian sống. Từ đó, người dân có thêm nguồn cảm hứng để tiếp cận với nghệ thuật hay tìm hiểu những nguồn hiểu biết mới mẻ.
Hoặc như National Museum of Emerging Science and Innovation (Miraikan) ở Tokyo, Nhật với căn phòng Teamlab, họ đã thực sự làm được một sân chơi thú vị.
Ở đó trẻ em được tiếp cận với khoa học, công nghệ cao một cách đầy hào hứng bằng những hình ảnh đẹp đẽ đến tuyệt vời, trong khi vẫn đi kèm với các hoạt động thể chất đầy năng lượng.
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…
Sắc mặt và âm lượng giọng nói phản ánh sức khoẻ của mỗi người. Người…
Ngứa là hiện tượng tự nhiên khi da bị kích ứng gây ảnh hưởng đến…
Cây hoa quỳnh được sử dụng như một bài thuốc trong đông y có tác…
Cây hoa quỳnh không chỉ là loại hoa quý mà còn được dùng làm vị…