Không phải ngẫu nhiên mà phòng vệ sinh được gọi là “rest room” hay có thể tạm dịch là phòng nghỉ ngơi. Điều đó cho thấy việc đi vệ sinh là một khoảng thời gian ngắn riêng tư và giúp mọi người cảm thấy được nghỉ ngơi nhiều nhất.
Không ít trường hợp còn đưa cả sách, điện thoại di động vào trong nhà vệ sinh để vừa đi vê sinh vừa giải trí như nghe nhạc, đọc sách hay nhắn tin, gọi điện. Thói quen này tưởng như không nên nhưng lại có rất nhiều bạn trẻ ưa thích.
Anh Việt (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết, bản thân anh đã giữ thói quen này từ khi còn là học sinh cấp 2. Ngày đó, cầm cả quyển truyện tranh vào trong nhà vệ sinh để đọc tranh thủ giờ nghỉ hay khi có di động thì có khi đang cày game dở lại vào nhà vệ sinh để cày tiếp. Đến bây giờ cứ mỗi khi đi vệ sinh, anh Việt lại cầm theo máy nghe nhạc, điện thoại hoặc sách đang đọc dở.
“Tôi chưa thấy có dấu hiệu gì đặc biệt khi mang theo những thứ đó. Nhưng có khi mải đọc, nghe nhạc… nên quên cả đã đi vệ sinh xong. Có khi đã đi vệ sinh xong mà mải làm việc khác nên ngồi thêm 15-20 phút. Bản thân tôi cũng không biết sau này có ảnh hưởng gì không”, anh Việt cho hay.
Còn chị Thoa (Long Biên, Hà Nội) phân trần dù không có gì bất thường nhưng mỗi khi ngồi lâu chị cảm thấy vùng bụng dưới khá đau, mỏi. “Tôi ngồi nhà vệ sinh rất lâu, có khi hát, có khi độc thoại lại có khi đọc sách, hí hoáy nhắn tin trên Facebook với bạn bè. Cho nên ngồi lâu quá cảm thấy mỏi lưng chứ cũng chưa có dấu hiệu gì bất thường khiến bản thân lo lắng”, chị Thoa nói.
Thói quen có hại cần bỏ
Bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, thói quen trên nhiều người vẫn mắc nhất là giới trẻ sống trong cuộc sống bận rộn. Họ tranh thủ đọc sách, nhắn tin, check mail mọi lúc mọi nơi. Nên đưa cả điện thoại, máy nghe nhạc vào trong nhà vệ sinh không mấy khó hiểu.
“Tuy nhiên, một điều rõ ràng là nhà vệ sinh là nơi tập trung nhiều vi khuẩn. Khi đưa cả những đồ vật đó vào trong nhà vệ sinh rất dễ khiến vi khuẩn, vi trùng bám lên sách, điện thoại, máy nghe nhạc. Dù đã rửa tay sạch nhưng chắc chắn không thể rửa những đồ dùng này. Vì vậy, sau khi ra khỏi nhà vệ sinh, bạn lại có nguy cơ bị nhiễm các bệnh từ vi khuẩn này”, bác sĩ Giàu cho hay.
Theo bác sĩ, dù ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu không có dấu hiệu gì bất thường nhưng đây là thói quen khiến tuần hoàn máu của tĩnh mạch khoang chậu bị cản trở. Do máu không lưu thông được khắp cơ thể cung cấp cho các tĩnh mạch nên các dây thần kinh trực tràng mất đi sự nhạy cảm giúp kích thích đại tiện.
“Khi sự nhạy cảm này mất đi, bạn sẽ rất khó để đi đại tiện. Lúc đó sẽ sinh ra táo bón rất nghiêm trọng. Mỗi lần đi đại tiện cảm thấy như cực hình”, bác sĩ Giàu cho hay.
Khi ngồi ở trên bồn cầu lâu, máu chỉ lưu thông được ở phần trên cơ thể. Cho nên sẽ cảm giác tê ở chân, tay và chi dưới. Thậm chí, quá trình này còn khiến cho bạn cảm giác choáng, ngã quỵ. Đặc biệt với người già, người có bệnh huyết áp rất dễ mắc phải.
“Chưa kể là ngồi lâu còn có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Đáng lo ngại là khi bạn tập trung quá lâu vào việc đọc sách hay nhắn tin điện thoại làm ảnh hưởng đến quá trình chỉ huy cũa não đối với bài tiết, gây ức chế ý thức bài tiết”, bác sĩ nhấn mạnh.
Do đó, khi đi vệ sinh nên tập trung và thoải mái nhất. Bạn không mang vào phòng vệ sinh các thiết bị điện tử, sách hay các đồ dùng gây phân tâm tư tưởng.
Đông Phong
Nguồn: Emdep
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…