Categories: Tin tức

Nguy cơ mắc bệnh từ những bể bơi không đảm bảo

Trong những ngày hè đi bơi là niềm vui thú của nhiều người. Với người lớn, bể bơi là một trong những nơi tốt nhất để xua đi cái nóng bức, oi ả của mùa hè cũng như giúp nghỉ ngơi, thư giãn, nạp lại năng lượng sau một ngày lao động vất vả. Với trẻ nhỏ, bể bơi là nơi vui chơi, hòa đồng và san sẻ niềm vui của tuổi thơ. Chẳng thế mà, dạo quanh các bể bơi ở Hà Nội trong những ngày này, chúng tôi đều nhận thấy một sự đông đúc khác thường. Hàng loạt người đứng đợi mua vé vào bơi. Nhu cầu bơi của người dân tăng cao khiến cho nhiều bể bơi quá tải.

Vẫn biết đi bơi có lợi cho sức khỏe, điều này ai cũng có thể nhận thấy được. Nhưng điều đáng bàn là chất lượng nước của các bể bơi hầu như chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên khiến cho người dân lo lắng về một môi trường truyền bệnh từ bể bơi. Hiện nay hầu hết các bể bơi công cộng đều quá đông đúc, trong khi đó công tác vệ sinh, xử lý, lọc nước ở một số bể bơi lại thực hiện chưa tốt; người đi bơi chưa tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân như tắm tráng. Nguồn nước bể bơi còn có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức thải ra. Bên cạnh đó, nhiều bể bơi thường dùng hóa chất làm trắng nước. Điều này thực chất chỉ là sự đánh lừa thị giác của người bơi chứ độ bẩn, độ lây bệnh của nguồn nước cũng chưa thực sự được khử hết.

Có mặt ở bể bơi Linh Đàm vào mấy ngày nắng nóng của Thủ đô vừa qua, chúng tôi ghi nhận không khí ở đây thật nhộn nhịp. Người đi bơi nhiều. Bể bơi đông kín. Thế nhưng đối ngược với sự nhộn nhịp của người đi bơi là sự bề bộn đến quan ngại. Là bể bơi ngoài trời nên không tránh được việc lá cây rụng xuống nước, nổi lềnh phềnh. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hạnh (Khu đô thị Kim Văn- Kim Lũ, Hà Nội) dẫn con đi bơi, lo ngay ngáy. Chị Hạnh cho biết:“Ý thức vệ sinh của nhiều người rất kém. Một số người đến bơi lại không thực hiện đúng nội quy đề ra như trước khi xuống bể phải rửa chân tay nên đã đem theo bụi bẩn vào bể. Chỉ cách đây khoảng một tháng, bể bơi vắng người, nước trong veo nhìn xuống tận đáy. Nhưng mới hôm qua đưa con đi bơi, người thì đông nghịt, nước rất vẩn đục, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là khá lớn”.Cũng nỗi lo như chị Hạnh, anh Trần Ngọc Thanh (Trương Định, Hà Nội) chia sẻ:“Mình cân nhắc nhiều khi chọn bể bơi cho con trong dịp hè cho dù cũng chỉ bằng cảm quan. Thôi chứ không biết được chất lượng nước trong bể như thế nào. Cho con đến bơi mà lo”.

Theo bác sỹ Nguyễn Đức Trung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người thường xuyên đi bơi dễ mắc các bệnh như bệnh đau mắt đỏ, khô mắt, đỏ mắt. Bệnh đau mắt rất dễ lây lan thậm chí có thể bùng phát thành dịch nếu nguồn nước trong bể không được đảm bảo. Hơn nữa, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm luôn là thời kỳ cao điểm của dịch đau mắt đỏ. Khi bơi lội, thân thể dễ va chạm và bị xây xước nhẹ, đây là điều kiện rất tốt để các virus nấm mốc, bệnh ngoài da xâm nhập và tấn công cơ thể. Do nước bẩn ở bể bơi lọt vào mũi, tai sẽ dễ gây các bệnh viêm tai, mũi. Thêm nữa, nước bể bơi có rất nhiều hóa chất và là chốn đông người nên rất dễ trở thành nguồn lây nhiễm các bệnh phụ khoa. Ngâm mình lâu trong nước sẽ khiến các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vùng âm đạo, gây nên các bệnh viêm loét âm đạo, bệnh hen bởi các chất hoá học được sử dụng rất nhiều nhằm giữ cho nước bể bơi trong hơn, bệnh về tóc bởi tóc trở nên khô xơ và cứng bởi các chất hoá học lọc nước như: ôxít đồng, muối nhôm, clo. Ngoài ra, người đi bơi còn dễ bị nấm kẽ chân. Bệnh này do nấm Epidermophytin hoặc Trichophytin gây nên. Đối với nấm kẽ chân do Epidermophytin, da kẽ chân bị bợt trắng, có khi xuất hiện mụn nước ở rìa các ngón chân. Do ngứa nhiều, người bệnh phải gãi liên tục khiến các mụn nước bị vỡ, trợt, loét dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát làm sưng tấy các ngón chân, lan lên bàn chân, hạch bẹn. Bác sỹ Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, thực tế, nhiều người cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu sau khi bơi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên có thể là do nước bể bơi chưa được làm sạch đúng quy chuẩn. Hơn nữa, nhiều người bơi chung trong cùng một bể bơi là môi trường “thuận lợi” để các vi khuẩn gây bệnh nấm da lan truyền từ người này sang người khác. Nguyên nhân thứ hai có thể là bởi khi ở dưới nước lâu, các lỗ chân lông của người bơi sẽ bị dãn ra, nên các vi khuẩn càng dễ dàng xâm nhập vào bên trong.

Để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm có thể lây sang do nguồn nước bơi không đảm bảo, người đi bơi phải có ý thức chấp hành các biện pháp giữ vệ sinh chung của bể bơi như tắm gội sạch sẽ trước khi xuống bể, không khạc nhổ, tiểu tiện ra bể, không nên đi bơi khi đang ốm mệt, đang có các bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm, thời kỳ “đèn đỏ” của chị em. Khi đi bơi nên chọn những bể bơi sạch, đủ tiêu chuẩn vệ sinh, số lượng người bơi vừa đủ và mang đủ các phương tiện phòng hộ như kính, mũ bơi… Các cơ quan quản lý bể bơi cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bể bơi, thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước; cần lấy các mẫu nước bể bơi để xét nghiệm kiểm tra nồng độ hóa chất, nuôi cấy hoặc soi tươi tìm vi khuẩn, nấm… định kỳ thường xuyên để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người đi bơi. Người đi bơi cần thực hiện tốt việc vệ sinh mắt, vệ sinh tai, vệ sinh phụ khoa,vệ sinh miệng, vệ sinh da sau khi bơi…

Bài: Quang Nguyễn

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago