Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư, do di truyền, thói quen xấu như nhậu vô độ, hút thuốc lá, ăn quá nhiều thịt chế biến… Tuy nhiên, một vấn đề khác không phải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư, thậm chí không ảnh hưởng ngay tức khắc nhưng lại là “sát thủ ngầm” đáng sợ, để rồi một ngày bùng phát khiến bạn không kịp trở tay: thực phẩm bẩn.
Trong các nguyên nhân của ung thư, có đến 1/3 loại ung thư là do vấn đề ăn uống.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Hệ quả của bệnh tật bắt nguồn rất lớn từ việc ăn không lành mạnh. Ăn quá nhiều chất béo, đồ uống nhiều năng lượng, thức ăn nhanh, ăn ít rau, lười vận động đều tiềm ẩn nguy hiểm sức khỏe. Ngoài ra, một nguyên nhân khác chính là thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề lớn mà thời điểm này Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa kiểm soát tốt. Hiện nay rất khó nhận biết đâu là thịt có chất tạo nạc, đâu là thịt sạch. Vấn đề quan trọng là người dân phải tự bảo vệ từ nguồn cung, thương hiệu thấy tin tưởng. Các cơ quan quản lý phải có biện pháp giám sát thật kỹ.
Tiến sĩ Hoàng Đình Chân – Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cũng thừa nhận tỷ lệ người mắc ung thư tại nước ta ngày càng tăng là thực tế đáng lo ngại. Dân số tăng lên khiến số người mắc ung thư nhiều hơn. Môi trường, không khí ô nhiễm, thói quen hút thuốc lá là nguyên nhân rất rõ ràng dẫn đến căn bệnh hiểm nghèo này. Bên cạnh đó, hệ lụy từ việc nạp vào cơ thể quá nhiều thực phẩm bẩn rất có thể dẫn đến ung thư sau thời gian dài ủ bệnh.
Khi ăn những thực phẩm còn dư lượng thuốc trừ sâu, chất tạo nạc, hóa chất tăng trưởng… tai biến đầu tiên sẽ là ngộ độc. Trong thời gian dài, cơ thể tiếp tục nạp các chất bẩn này sẽ gây ra các bệnh mạn tính về tiêu hóa. Từ đây, con đường ung thư rất có thể hiện hữu khi người dân không ý thức trong việc cần thay đổi chế độ ăn sạch và đủ dinh dưỡng. Những căn bệnh bắt nguồn từ ăn không đúng cách gồm ung thư dạ dày, vòm họng và đại trực tràng. Trong đó, ung thư dạ dày và đại trực tràng là ung thư phổ biến trên thế giới, gây tử vong cao, chỉ đứng sau ung thư phổi, gan.
Những hộ trồng rau ở khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12 đều đặn mỗi ngày pha thuốc trừ sâu tăng trưởng, thậm chí cả dầu nhớt để tưới rau giúp cho rau lớn nhanh, xanh mướt, lá đẹp. Người dân xung quanh khu vực này thú nhận họ không bao giờ ăn rau trồng ở đây, còn những người trồng rau thì tự trồng riêng một khoảnh để ăn.
Rau thường được trồng từ 25 đến 30 ngày mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, với việc người dân lạm dụng các hóa chất trong sản xuất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các loại bệnh khi ăn phải những loại rau này trong thời gian dài.
PGS.TS Ngô Thị Xuyên – Chuyên gia nông nghiệp – cho biết: “Sử dụng dầu nhớt và nước rửa chén hoàn toàn không có tác dụng cho cây phát triển mạnh, cao hơn. Nó chỉ tạo một lớp màng giúp cho rau muống tươi lâu và gây độc hại. Dầu nhớt, nhất là đã qua sử dụng, chứa rất nhiều chì, kẽm, các kim loại nặng thì bản thân trong rau muống cũng sẽ có những chất đó và sẽ là những chất gây ung thư cho con người.
Heo ăn chất tạo nạc thường nằm, ngủ li bì vì chất này làm xương giòn khiến heo khuỵu chân, thậm chí gãy. Ảnh: Pháp luật TP HCM
Theo Pháp luật TP HCM, ở Đồng Nai có một khu chuyên trộn chất cấm tạo nạc vào heo thương phẩm mà thương lái nào cũng biết. Đó là khu đất mới ở phường Long Bình Tân, thuộc Thành phố Biên Hòa. Chủ một trại chăn nuôi ở đây cho biết, trên thị trường có hơn chục loại chất tạo nạc giá 300.000 – 600.000 đồng/kg, dùng pha trộn cho khoảng 50 con heo. Loại đậm đặc khoảng 1,8 triệu đồng/100 g, pha nuôi được 100 con. Cánh thương lái cho biết, thuốc cấm Salbutamol rất dễ dàng mua ở Đồng Nai, theo các đường dây mua bán thuốc thú y và thức ăn cho heo. Thuốc được trộn vào cám, thức ăn cho heo ăn với liều lượng khoảng 100 gram trộn cho 8 – 10 tấn cám. Đó là liều thuốc rất nặng để vỗ béo heo lên 25 – 30 kg/con trong vòng 4 tuần, gấp nhiều lần so với cách nuôi trộn thuốc vào khi con heo còn nhỏ.
Một loạt doanh nghiệp ở Hải Dương cũng vừa bị phát hiện vi phạm về sử dụng chất tạo nạc và vàng ô trong sản xuất. Những chất này dùng để sơn tường, tạo màu công nghiệp nhưng lại được trộn vào thức ăn chăn nuôi với mục đích tạo ra heo siêu nạc, gà có màu vàng đẹp mắt.
Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí chỉ 15 ngày. Sau khoảng nửa tháng, họ phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh
Salbutamol là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thuộc nhóm Beta-agonist. PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Khi đã bị liệt vào danh sách chất cấm, rõ ràng chúng là chất cực độc. Khi cho gia súc, gia cầm ăn, chắc chắn chúng sẽ để lại dư lượng khi con người ăn vào. Điều này rất nguy hại”. Còn về chất tạo nạc cùng bị phát giác cùng với chất vàng ô được trộn vào cám, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.
Riêng về Salbutamol, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam nhận định, khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi, người ta thường dùng với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với quy định, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Người Việt thậm chí đang trực tiếp ăn chất độc vào người.
Tiến sĩ Hoàng Đình Chân
“Salbutamol và Clenbutarol hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc sử dụng các biện pháp ép chín trái cây theo ý con người là biện pháp từ xa xưa và không phải tất cả đều không an toàn, chỉ một số loại hóa chất được phép sử dụng trong quy trình này.
Mít và chuối là hai loại quả được dùng các biện pháp ép chín nhiều nhất hiện nay trên thị trường. Các hóa chất làm chín trái cây cũng được sử dụng phổ biến ở đu đủ, xoài. Tuy nhiên, người tiêu dùng khó có thể biết chính xác thương lái sử dụng loại nào, có được phép hay không.
Bên cạnh việc xử lý trái cây mau chín, chín đều, người bán còn dùng hóa chất nhằm kéo dài thời gian bảo quản có thể hàng tháng đến hàng năm mà hoa quả không hỏng. Theo PGS Thịnh, cam, táo hay bất cứ loại quả nào đều có thể dùng các hóa chất này, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng vào mùa hè – thời điểm vi sinh vật phát triển mạnh, khiến hoa quả nhanh hỏng.
Dưa hấu để 6 tháng vẫn còn xanh tốt. Ảnh: Người lao động
Trong phiên chất vấn quốc hội đầu tiên hôm 16/11, đại biểu Hải Phòng – ông Trần Ngọc Vinh khiến cả hội trường xôn xao khi nhận định: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ ngắn đến thế”. Ông đã nêu thực trạng lạm dụng sử dụng hóa chất, chất cấm trong nông sản và chăn nuôi hiện nay. Đại biểu này đưa ra chất vấn: “Tại sao Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng tình trạng này vẫn gia tăng? Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành nông nghiệp trước cử tri cả nước như thế nào khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước?”
Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ làm hết sức để chấn chỉnh. Ông đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 155 và Điều 244 (Bộ luật Hình sự) để có cơ sở pháp lý mạnh xử lý những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM.PGS. TS Nguyễn Duy ThịnhTiến sĩ Hoàng Đình ChânNhóm phóng viên
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…