Categories: Tin tức

Người tiêu dùng đang phải ‘ăn’ kháng sinh hàng ngày?

Sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi đã được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của người sử dụng, song còn một thực trạng đáng lo ngại hơn, đó là việc sử dụng kháng sinh cả trong phòng bệnh và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu kháng sinh trong vật nuôi đến ngày giết mổ chưa tan hết thì vô tình người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó sẽ tự nạp vào cơ thể mình một lượng kháng sinh, điều này gây ra hệ lụy khôn lường cho sức khỏe.

Thay vì dùng cám tăng trọng hay các loại thức ăn chăn nuôi khác, anh Tạ Hùng Đậu
(thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) thử nghiệm và ứng dụng thành công việc
sử dụng thảo dược để làm thức ăn cho lợn.

Nguy hại hơn cả chất tạo nạc

Do điều kiện khí hậu của Việt Nam chủ yếu là nóng ẩm, nên rất dễ gây bệnh cho gia súc, gia cầm. Vì vậy, hầu hết bà con nông dân hiện nay đều sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho vật nuôi, nuôi trồng thủy sản. Không chỉ sử dụng kháng sinh để chữa bệnh, nhiều nông dân còn sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Theo một số chủ trang trại chăn nuôi thì “để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm họ đã mua kháng sinh pha vào nước uống hoặc trộn thức ăn”. Như vậy vô tình làm cho kháng sinh chồng kháng sinh (kháng sinh đã có sẵn trong thức ăn và kháng sinh phòng bệnh).

Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, trong khi chỉ có khoảng 10% số heo sử dụng chất tạo nạc thì gần 100% trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đều dùng kháng sinh, trong đó có nhiều loại kháng sinh cấm. Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – ông Nguyễn Văn Việt cho biết, kháng sinh được sử dụng tràn lan trong mọi ngành chăn nuôi từ heo, gà, trâu, bò đến thủy sản, trong khi chỉ một số lượng nhỏ các hộ nông dân nuôi heo sử dụng chất tạo nạc. Bởi vậy, xét về quy mô và tác hại, chất kháng sinh dùng trong chăn nuôi còn nguy hiểm hơn chất tạo nạc nhiều lần.

Hiện Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng trên 40 loại hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, gia cầm, bò thịt… để kích thích tăng trưởng. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, kháng sinh có nhiều loại, dùng để kích thích tăng trưởng, phòng bệnh, nhưng quan trọng nhất là để chữa bệnh. Với khoảng trên 15,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất mỗi năm, sẽ phải dùng đến một lượng kháng sinh rất lớn.

Nói về việc lạm dụng kháng sinh, theo ông Lịch, trong bối cảnh ngành sản xuất cám cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay, những DN nhỏ có thể dùng nhiều kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Điều này cũng dễ lý giải bởi khi cùng sản xuất ra một loại thức ăn, người dân thấy sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp nào phòng được bệnh hơn thì dĩ nhiên họ sẽ chọn sản phẩm đó.

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2015 có 16 DN nhập khẩu hơn 109,4 tấn nguyên liệu Enrofloxacin, khoảng 15 công ty nhập 284,9 tấn nguyên liệu Oxytetracyclin và 5 công ty nhập khẩu hơn 6,8 tấn nguyên liệu kháng sinh Tetracycline, đều được đăng ký nhập khẩu với mục đích sản xuất thuốc thú y. Đây là ba nhóm nguyên liệu kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều người băn khoăn, vậy lượng kháng sinh này đã đi về đâu?

Kháng kháng sinh – hệ lụy khôn lường

Ăn gì để yên tâm, ăn gì để tránh được những nguy cơ bệnh tật đối với sức khỏe? Đó có lẽ là nỗi bức xúc nhất hiện nay của người dân. “Gà thì nhuộm chất vàng ô, thịt lợn chứa chất tạo nạc cấm, thịt trâu thịt bò, rồi đến cả cá tôm tồn dư kháng sinh…” – chị Nghiêm Thanh Hương, ở phố Lê Văn Lương (Hà Nội) bức xúc. Theo chị, giờ đi vào siêu thị mua đồ cũng không yên tâm nói gì đến việc mua thực phẩm ở các chợ cóc, chợ tạm.

Nỗi bức xúc của chị Hương cũng là nỗi bức xúc của nhiều người tiêu dùng, bởi thực tế hiện nay, mỗi miếng thịt, con tôm, con cá… có thể kèm đó là một lượng kháng sinh âm thầm đi vào cơ thể qua đường ăn uống. Chúng vô tình khiến cho các loại kháng sinh thực sự mất tác dụng khi điều trị, buộc người khi mắc bệnh phải chạy đua tới những loại kháng sinh mạnh hơn, điều này dẫn đến hệ lụy xấu cả về sức khỏe và kinh tế.

Các nhà khoa học phân tích: Sử dụng thuốc kháng sinh một cách tràn lan trên vật nuôi gây nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt, khi người tiêu dùng sử dụng thịt tồn dư kháng sinh, chất này đi vào cơ thể người sẽ gây ra nguy cơ kháng kháng sinh, sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. “Ảnh hưởng lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh chính là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cơ thể trở nên nhờn các loại vi khuẩn gây bệnh, nhờn thuốc” – theo bác sĩ Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng quốc gia).

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, lạm dụng kháng sinh sẽ gây nhờn thuốc. Lượng kháng sinh tồn dư trên thực phẩm, khi người ăn vào sẽ tăng sức kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến việc khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn.

Bởi vậy mà “Chống chất kháng sinh” là chủ đề được Tổ chức Người tiêu dùng thế giới chọn cho ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay, trước việc kháng sinh đang bị lạm dụng để tăng năng suất nuôi trồng dẫn đến tồn dư trong thực phẩm.

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) hiện đã có 35 tỉnh/thành phố báo cáo xây dựng được 280 chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn, bày bán tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm, trong đó có 65 cơ sở (chiếm 20%) được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn an toàn được xác nhận và công khai tại nơi bày bán. Thông tin này càng củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng vào mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cuối năm 2016 100% các tỉnh, thành phố đều có các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch.

Phương Hà

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

6 hours ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

1 day ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

2 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

3 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

3 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

3 days ago