Categories: Tin tức

Người sản xuất vắc-xin cho đất nước

Gs. Huỳnh Phương Liên.

Năm 1963, học hết năm thứ ba trường đại học Y khoa Hà Nội, GS. TS, thầy thuốc nhân dân Huỳnh Phương Liên xung phong đi “B”. Hai tháng rưỡi vượt Trường Sơn để đến được trạm tập kết chờ phân công công tác, nữ sinh viên y khoa đã nếm trải tất cả gian khổ của cuộc hành quân. Háo hức nhận công tác tại K15, thuộc Ban Dân y Khu V tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cô không khỏi sửng sốt khi được dẫn đến một ngôi nhà lá tạm bợ, vắng hoe trong rừng sâu mà người giao liên gọi đó là “cơ quan”.

Sau này, cô mới biết, chỗ cũ đã bị máy bay B52 xóa sạch, đây là nơi mới chuyển đến và chuyển cơ quan là chuyện thường trong chiến tranh. Cô tham gia xây dựng cơ sở mới trước khi bắt tay vào chuyên môn, lần đầu trong đời chặt tre, vác nứa, tự thiết kế phòng thí nghiệm, rồi làm cấp dưỡng, mót sắn, tìm rau, bẻ củi… ngoài rừng, việc nào cũng khiến cô gái trẻ bỡ ngỡ. Và hằn sâu trong ký ức cô sinh viên Hà Nội ngày ấy là cái đói triền miên.

Một ngày hè năm 1969, cả cơ quan vừa đi cõng gạo đường xa về, chợt máy bay địch sà thấp, để lại trên rẫy sắn, nhà cửa, khe suối… từng đám khói xám mù mịt, đó là chất độc hóa học của Mỹ. Thủ trưởng đơn vị hét lớn: “Cứu sắn!”. Tất cả chạy ùa ra rẫy, lá sắn đã rũ hết xuống, người xót xa ôm sắn nhổ, người vội chặt củ khỏi cây… giành giật lấy nguồn lương thực hiếm hoi trước khi chúng bị nhiễm chất độc hóa học. Độ mươi hôm sau, khu rừng rụng hết lá, máy bay đến bánh bom tọa độ, cơ quan lại chuyển sang khu rừng mới…

Một phòng thí nghiệm chiến trường khác lại được dựng lên để sản xuất vắc-xin tả, thương hàn và đậu mùa. Tủ cấy vi khuẩn vô trùng, kính hiển vi, lò sấy ướt, cân hóa chất, các dụng cụ phòng thí nghiệm… được vận chuyển từ Miền bắc vào nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề, tủ ấm nuôi cấy vi sinh phải chạy bằng đèn dầu hỏa, điều chỉnh làm sao đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển, nuôi vi khuẩn đựng trong chai rượu mua từ đồng bằng mang về.

Phương Liên được phân công phụ trách chuyên môn của cơ quan. Những em học sinh trình độ văn hóa lớp ba, lớp bốn được đào tạo phụ việc cho phòng thí nghiệm. Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm, vắcxin tả, thương hàn, đậu mùa ra đời, được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng hẳn hoi, đủ cung cấp cho vùng giáp ranh giữa địch và ta ở của khu vực Quảng Ngãi.

Sống nghiêm túc và gương mẫu, Huỳnh Phương Liên được đồng nghiệp và đồng chí tín nhiệm bầu vào chi ủy rồi đảng ủy, bí thư đoàn của Ban Dân y Khu V.

Sau 6 năm đói, sống chung với sốt rét nơi chiến trường, cơ thể da bọc xương, Phương Liên còn 31 kg. Đầu năm 1972, Huỳnh Phương Liên được Khu ủy Khu V cho ra bắc chữa bệnh. 75 ngày vượt Trường Sơn ra bắc, gặp bộ đội trùng trùng lớp lớp tiến vào chiến trường, các em tân binh vừa tạm biệt trường đại học vào Nam chiến đấu, cô lại ước, giá như được trở lại chiến trường. Nhưng nhiệm vụ của cô cũng là một “cuộc chiến” mới.

Sau khi chữa bệnh, Huỳnh Phương Liên được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cử đi học nâng cao kiến thức ở CH Dân chủ Đức để tiếp cận công nghệ mới sản xuất vắc-xin, sau khi học xong sẽ trở về phục vụ đất nước. Đi ra từ chiến tranh, học tập, nghiên cứu để phục vụ chiến tranh nhưng ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, cô vẫn học ở CH Dân chủ Đức…

Cả cuộc đời gắn bó với phòng thí nghiệm, nghiên cứu về vi-rút viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm, nghiên cứu phát triển các vắc-xin nhưng công trình để đời của GS Huỳnh Phương Liên là ứng dụng thành công công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản vào năm 1992. Nhờ đó, Việt Nam đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản, tỷ lệ mắc bệnh hiện chỉ còn 5 đến 10%.

Với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá thành chỉ bằng 20% giá vắc-xin nhập khẩu, GS Huỳnh Phương Liên được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.

Đây cũng là vắc-xin duy nhất của Việt Nam được xuất khẩu. Nhờ thành tích nghiên cứu và giảng dạy, năm 1992 bà Huỳnh Phương Liên được phong hàm phó giáo sư, năm 1996 được phong hàm Giáo sư và danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, năm 2000 được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Viên Chi

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

5 hours ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

1 day ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

2 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

3 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

3 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

3 days ago