Categories: Sức khoẻ

Người lớn lơ là, trẻ em gặp nạn

Sự bất cẩn của người lớn trong những ngày hè này khiến nhiều trẻ đang khỏe mạnh nhưng sau tích tắc đã bị suy hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong

Thời gian qua, các bệnh viện (BV) liên tục tiếp nhận bệnh nhi bị ngộ độc các loại chất tẩy, xăng dầu, hóa chất… được chứa trong chai nước suối, nước ngọt.

Ngộ độc vì “nước ngọt”

Mới đây, Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi bị ngộ độc dầu luyn (dầu nhờn) dẫn đến viêm phổi nặng. Bệnh nhi là bé T.T.U (13 tháng tuổi, ở Tuyên Quang), nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng…

Dù được bác sĩ cấp cứu, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực cao nhưng đến chiều 4/6, U. vẫn trong tình trạng nguy kịch. Theo người nhà bệnh nhi, trước khi vào viện 5 ngày, trong khi chơi một mình, bé U. đã lấy chai nước ngọt chứa dầu luyn để uống. Thấy bé bị sặc, ho, tím tái, khó thở, người nhà lập tức đưa đến BV tỉnh và sau đó chuyển lên BV Nhi Trung ương.

Trước đó, Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận N.N.M – 3 tuổi rưỡi, ở Nam Định – sau khi bé uống một hơi dung dịch axít đựng trong chai để ngay dưới gầm bàn uống nước.

Chỉ khi bé M. nôn mửa liên tục, người lớn mới phát hiện bé uống nhầm chai axít được người bác mua để đổ bình ắc-quy. May mắn, đây là loại axít loãng nên bé trai này không bị loét, thủng thực quản.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhi nào cũng được may mắn cứu sống do ngộ độc hóa chất. Khoa Nhi BV Bạch Mai từng cấp cứu cho 2 chị em ruột là Đ.T.K.N (3 tuổi) và Đ.T.H.H (4 tuổi) ở Bắc Kạn bị ngộ độc thuốc trừ sâu.

Dù được phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do uống quá nhiều thuốc trừ sâu nên 1 trong 2 cháu đã tử vong. Nguyên nhân cũng do sự bất cẩn của người mẹ. Sau khi đi phun thuốc trừ sâu ngoài đồng về, chị đã để chai thuốc dưới gầm sàn gần chỗ 2 bé đang chơi.

Bác sĩ Đào Hữu Nam (Khoa Điều trị tích cực BV Nhi Trung ương) cảnh báo ngộ độc do uống nhầm hóa chất rất dễ xảy ra ở trẻ em.

Các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhi dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Với dầu luyn thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều vì chất này đặc sánh, khi vào phổi đọng lại, tan trong mỡ, ngấm vào các nhánh phế quản và nhu mô phổi khiến việc điều trị càng khó khăn.

“Người dân có thói quen rất nguy hiểm là hay tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, chai nước ngọt, trà xanh, nước suối để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa…

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại trong mùa nóng bức nên khi nhìn thấy, các cháu cứ nghĩ là nước ngọt và thường uống ngay mà không thể phân biệt đó là nước gì” – Bác sĩ Nam lo ngại.

Trẻ hóc thạch: Khó cứu sống


Bệnh nhi này được may mắn cứu sống trong hàng chục trẻ cấp cứu vì hóc thạch

Theo các bác sĩ, ngoài nguy cơ ngộ độc hóa chất thì thạch cũng là món ăn nguy hiểm với trẻ nhỏ. Từng cấp cứu nhiều trường hợp hóc thạch, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai – cho biết dù đã có nhiều cảnh báo nhưng điều đáng buồn là cha mẹ vẫn cho trẻ nhỏ ăn thạch.

“Trong mùa hè nóng nực, thạch là món ăn yêu thích của nhiều trẻ nhỏ nhưng do trơn nhẵn nên các cháu rất dễ bị hóc vì loại thức ăn này khi rơi xuống thanh quản thì bị khít và gây nghẹt thở. Hóc thạch đe dọa nghiêm trọng tính mạng của trẻ.

Thời gian qua, Khoa Nhi đã tiếp nhận hàng chục ca hóc thạch nhưng đến nay, chúng tôi mới cứu sống và không để lại di chứng đối với trường hợp duy nhất là bé 14 tháng tuổi ở Bắc Giang. Trường hợp này do người bác của cháu là bác sĩ nên đã có biện pháp sơ cứu kịp thời” – PGS Dũng cho biết.

Các bác sĩ cho rằng thời gian “vàng” để xử lý trường hợp hóc thạch rất ngắn, nếu được cấp cứu đúng trong 1 – 2 phút đầu thì trẻ mới có cơ may sống sót.

Lý giải về các trường hợp tử vong do hóc thạch, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng và chèn kín đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh, thiếu ôxy lên não. Khi đến BV, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó bởi thạch trơn nhẵn, đầu trụ dễ trượt, dễ nát vụn.

Để phòng tránh tai nạn thường gặp này, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tuổi ăn thạch hoặc trước khi cho con ăn nên dùng thìa dằm nhỏ bỏ vào chén, ly.

Sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật

Với trẻ dưới 1 tuổi chẳng may bị hóc thạch hay dị vật khác có hình dáng tròn như các loại trái vải, nhãn, kẹo… cần sơ cứu ngay bằng cách dốc ngược đầu cháu xuống đất (hoặc nằm vắt ngang đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với trẻ lớn hơn, người nhà đứng phía sau hoặc quỳ tựa gối vào lưng trẻ, vòng 2 tay ngang thắt lưng. Đặt một nắm tay vào bụng ở đầu dưới xương ức, bàn tay chồng lên, đột ngột ấn mạnh theo hướng từ trước ra sau và dưới lên trên đến khi trẻ ho, bật dị vật ra.

Tuyệt đối không được dùng tay cố móc thạch ra khỏi cổ trẻ bởi việc này càng đẩy miếng thạch sâu vào bên trong, bít hết đường thở khiến trẻ tử vong nhanh.

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

2 hours ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago