Làm thế nào để nhanh lấy lại sức khỏe, tinh thần sau tai biến là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm nhất trong hai giờ diễn ra buổi Tư vấn trực tuyến chăm sóc, phục hồi cho người bị tai biến diễn ra trên Báo VnExpress.
Nhìn nhận đây là căn bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, song Tiến sĩ, bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể – Trưởng khoa lão, chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết không nên quá bi quan khi mắc phải căn bệnh này. Trong những người bệnh bị tai biến mạch máu não, khoảng 10% phục hồi không di chứng; 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn, vì vậy, khả năng phục hồi chức năng vận động là khá cao.
Dưới đây là phần tư vấn của Tiến sĩ, bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể.
– Thưa các bác sĩ. Bố tôi năm nay 68 tuổi, huyết áp của ông thỉnh thoảng cao lên không thường xuyên. Theo bác sĩ thì bố tôi nên uống thuốc gì hay có phương pháp gì để đề phòng cho bệnh cao huyết áp này, để hạn chế biến chứng và đột quỵ sau này? Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ. (Thục Nguyên, 45 tuổi)
Chào bạn,
Thứ nhất, bạn phải xác định lại bố bạn bị tăng huyết áp phản ứng (khi có stress, nhiễm trùng mới tăng) hay là thực sự bị bệnh tăng huyết áp (tăng thường xuyên, lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg). Nếu thực sự bố bạn bị bệnh tăng huyết áp, thì đây yếu tố nguy cơ chính gây ra tai biến mạch máu não (đột quỵ). Vì vậy, bố bạn phải chữa bệnh tăng huyết áp và uống thuốc đều đặn hàng ngày chứ không phải lúc uống lúc không như bạn nói.
Điều trị, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp sẽ góp phần phòng ngừa đột quỵ.
Điều trị bệnh tăng huyết áp, có biện pháp dùng hoặc không dùng thuốc. Không dùng thuốc thì bệnh nhân phải ăn nhạt, chế độ ăn giảm các loại mỡ, bỏ hút thuốc lá, vận động thể lực đều đặn hàng ngày (đi bộ, đi xe đạp ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5-7 ngày mỗi tuần). Ăn uống có thể không đủ điều trị nên bố bạn có thể phải dùng thêm thuốc theo đơn bác sĩ.
Hiện tại có rất nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân dựa trên trị số huyết áp, bệnh lý phối hợp và điều kiện tài chính.
|
– Chào bác sĩ! Ba tôi bị tai biến 3 năm trước, ông bị liệt nửa người, sau một thời gian dài chăm sóc, da ông có hiện tượng bị phồng đỏ kéo dài, sau đó bị mọng nước. Mong bác sĩ cho biết hiện tượng như vậy là sao? Có cách nào để cải thiện không? (Pham Thi Quynh Anh, 35 tuổi, Quan 2)
Chào bạn,
Da bị phồng đỏ kéo dài, mọng nước là dấu hiệu của loét tì đè. Có 5 giai đoạn của loét tì đè, gồm:
– Giai đoạn 1: thay đổi tại chỗ của da vùng tì đè.
– Giai đoạn 2: đỏ da và phù nề tại chỗ tăng lên, các bọng nước vỡ, xuất hiện vùng đỏ da xung quanh tổn thương cùng với hiện tuợng viêm da tại chỗ.
– Giai đoạn 3: mất hoàn toàn phần da che phủ, các thành phần phía dưới sẽ bị lộ ra. Quầng đỏ và phù nề lan rộng xung quanh vùng loét.
– Giai đoạn 4: tổn thương lan rộng phía dưới, đến phần cơ xương, tổn thương vùng da không tương ứng với phần tổ chức phía dưới.
– Giai đoạn 5: tổn thương loét mãn tính, chủ yếu là mất da và tổ chức dưới da rộng, nền tổn thương là xương.
Nguyên nhân loét tì đè là do sự đè ép liên tục dẫn đến thiếu máu nuôi, hoại tử mô. Yếu tố thuận lợi gây loét: da ẩm ướt, đại tiểu tiện không tự chủ, đổ mồ hôi nhiều, rỉ dịch vết thương, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, béo phì, giảm vận động, tuổi cao… Vấn đề phòng tránh loét xảy ra quan trọng hơn là để loét rồi mới điều trị.
Để cải thiện tình trạng hiện tại, người bệnh nên giữ da luôn khô thoáng, sạch sẽ nhằm giảm loét, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết loét và nhiễm trùng hô hấp.
Nếu người bệnh nằm liệt giường, tiêu tiểu không tự chủ thì cần dùng miếng lót đệm hay tã lót hoặc tã dán có màng đáy thoáng khí, giúp thoát hơi ẩm ra ngoài, giữ phần da khô thoáng. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng để hạn chế loét tì đè tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.
Người bệnh cần giữ tư thế nằm đầu thấp, không quá 30 độ so với mặt giường, nâng cao đầu gối để giảm trọng lực, giảm lực tì đè, giảm ma sát, từ đó giảm loét. Nên nằm nệm láng, nệm hơi chống loét, giường giảm áp. Ngoài ra, người bệnh cần xoay trở bằng cách thay đổi tư thế mỗi 2 giờ (xen kẽ giữa nằm ngửa, nghiêng phải và nghiêng trái).
– Thưa bác sĩ, người bị tai biến thì nên tập môn thể dục nào giúp bệnh giảm nhẹ và mau hồi phục? (Thanh Hòa, 54 tuổi, Khánh Hòa)
Chào bạn,
Sau tai biến mạch máu não, việc lựa chọn môn thể dục nào sẽ tùy thuộc vào mức độ tàn tật và khả năng hoạt động chức năng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị liệt nửa người và phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc người khác thì việc tập luyện là những bài tập thụ động do người chăm sóc hoặc chuyên viên vật lý trị liệu. Trong trường hợp này nên cho bệnh nhân cử động co duỗi tay chân, tập thở và có thể phối hợp massage, xoa bóp. Mục đích tập là để tránh cứng khớp, co rút cơ, gây mất chức năng vận động của cơ xương khớp. Các bài tập đều phải được xây dựng tùy theo khả năng vận động của từng bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có thể tự ngồi dậy, đi lại được thì bài tập thích hợp là đi bộ. Khoảng cách, vận tốc đi tùy thuộc vào khả năng gắng sức của bệnh nhân.
Người bệnh có thể lựa chọn những môn tập thể dục khác tùy theo sở thích và khả năng của mình như: đạp xe bằng dụng cụ hoặc đi thảm lăn bằng dụng cụ tập trong nhà, đạp xe ra đường, đi bộ trong công viên, bơi lội…
– Mẹ tôi từ khi bị tai biến, bà chỉ có thể đi lại khi có người dìu đỡ, tinh thần bà không còn vui vẻ như trước, bà hay cáu khi con cháu không chăm sóc đúng ý mình, nhất là khi vệ sinh cá nhân cho cụ. Là phận con tôi hiểu và cũng rất quan tâm, chuyện trò thường xuyên để cụ không có cảm giác bị phụ thuộc hay vô dụng, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi giận hờn. Có cách nào để tôi trấn an tinh thần và giúp cụ bớt bệnh tâm lý này không Bác sĩ. Tôi cám ơn! (Thai Chieu Quynh, 39 tuổi, Tay Ninh)
Quỳnh mến!
Sau tai biến mạch máu não, người bệnh có thể bị giảm hoặc mất hoạt động chức năng, trở thành người tàn tật. Một số người bệnh còn rất dễ bị xúc động, thay đổi tâm tính, dễ giận hờn
Người bệnh sau tai biến mạch máu não bị stress rất nặng nề: cảm giác vô dụng, sống phụ thuộc, ăn bám nhất là người trong độ tuổi lao động.
Để giảm bớt tâm lý này, người chăm sóc cần lưu ý:
– Đừng xem họ như người thừa, người bệnh; cần phải động viên, khuyến khích họ hoạt động: “Mẹ làm được mà” thay cho câu “Mẹ để con làm cho, coi chừng té nữa đó”.
– Con cái nên khuyến khích, hỗ trợ bà tự chăm sóc cho bản thân theo khả năng, như tự ăn, tự đi vệ sinh và chỉ giúp đỡ khi thật cần thiết. Như vậy, bà sẽ bớt đi cảm giác phục thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của con cái mà cảm thấy lạc quan, phấn chấn hơn khi có thể tự chủ trong cuộc sống của mình.
– Tạo điều kiện cho người bệnh tham gia sinh hoạt gia đình, cộng đồng: tham gia vào bữa cơm gia đình thay vì chế độ ăn riêng, ngồi riêng mâm… giao lưu với hàng xóm.
– Không nên quan tâm chăm sóc quá mức giống như một đứa trẻ: họ sẽ thấy tủi thân.
– Xin cho biết làm thế nào để chữa hiệu quả được co cứng cơ và trật khớp vai sau tai biến mạch máu não? (Ngọc Bích)
Chào bạn,
Thường thường sau tai biến mạch máu não thì người bệnh không bị trật khớp vai. Nếu có trật khớp vai thì bạn phải tìm nguyên nhân về bệnh lý khớp để chữa trị.
Sau tai biến mạch máu não thường người bệnh có thể bị co cứng cơ do sau giai đoạn liệt mềm chuyển sang liệt cứng người bệnh không được áp dụng liệu pháp vận động và vật lý trị liệu thích hợp ngay từ đầu, người bệnh ở tư thế nằm liệt cứng mà không được hướng dẫn điều chỉnh giữ ở tư thế chức năng. Điều này dẫn đến cứng khớp, co cứng cơ làm mất khả năng vận động.
Do vậy, điều quan trọng là cần phòng tránh cứng khớp và co cứng cơ ngay từ giai đoạn đầu của bệnh tai biến mạch máu não. Những trường hợp bệnh nhân tới trễ thì rất khó chữa trị và hồi phục hiệu quả.
– Có những phương pháp massage, xoa bóp giúp cho người thư giãn, uốn nắn gân cốt để kích thích hoạt động chân tay. Bác sĩ có thể giúp chia sẻ những bài tập, cách thức này để hỗ trợ người bệnh. (Nguyen Thu Ba, 42 tuổi, Nghe An)
Chào Thu Ba,
Trong những người bệnh bị tai biến mạch máu não, khoảng 10% phục hồi không di chứng; 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn, vì vậy, khả năng phục hồi chức năng vận động là khá cao. Nếu không tập luyện vận động, chức năng vận động sẽ dần suy giảm.
Tùy theo giai đoạn bệnh sẽ có những bài tập khác nhau, phù hợp với tình trạng hiện tại của người bệnh: có thể tập thụ động (có người hỗ trợ) trong giai đoạn sớm (với mục đích kích thích thần kinh cơ phòng tránh co rút cơ gây mất chức năng) và tập chủ động trong giai đoạn muộn (với mục đích hỗ trợ phục hồi chức năng).
Bài tập giai đoạn đầu sau tai biến mạch máu não có thể là cử động tay chân, bài tập hô hấp, xoay trở, massage, xoa bóp; sau đó có thể tăng độ khó của các bài tập vận động.
Tập cần phải đúng động tác để đạt hiệu quả và hạn chế tổn thương, vì vậy ban đầu chúng ta cần phải được hướng dẫn từ nhân viên y tế có chuyên môn trong lĩnh vực vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Điều quan trọng là ý thức kiên trì tập luyện đều đặn mỗi ngày, tránh chán nản, bi quan. Những người bệnh có rối loạn tiểu tiện cũng không nên vì lý do trên mà e ngại, không tập luyện. Người bệnh có thể mặc thêm tã quần (thiết kế giống quần lót) nên dễ mặc, không cồng kềnh giúp dễ dàng di chuyển, tập luyện.
Trong ngày hội người cao tuổi tổ chức vào sáng 25/9/2016 tới đây tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM với chủ đề “Sống độc lập – Sống khỏe vui” sẽ có phần giới thiệu tập luyện dưỡng sinh và yoga cho người cao tuổi. Ngày hội cũng hướng dẫn cách chăm sóc, vận động thích hợp cho người cao tuổi tại nhà.
– Mẹ em bị tai biến cách đây hơn một năm, vẫn có thể sử dụng tứ chi bình thường, nhưng hay bị tê, mỏi một phía bên phải. Đôi khi chóng mặt, đau đầu khi nằm hoặc khi chuẩn bị vào giấc ngủ. Mẹ em có theo cách trị đông y là châm cứu để cải thiện phần tay chân nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu. Phần đau đầu, chóng mặt thì phải uống thuốc thêm khi có hiện tượng. Vậy theo bác sĩ, tình hình của mẹ em vậy là có phải điều trị lại hay có phương pháp nào để có thể cải thiện tình trạng hiện giờ không ạ! (Thu Hằng, 25 tuổi, 406/53 Cộng Hòa, Tân Bình , TPHCM)
Chào bạn,
Sau tai biến mạch máu não đôi khi bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng dị cảm nửa bên liệt (ví dụ như tê mỏi hay cảm giác kiến bò…), hay đau đầu, chóng mặt.
Các triệu chứng này, nếu làm bệnh nhân khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng sống thì cần khai bệnh với bác sĩ để có thuốc điều trị phù hợp. Việc lựa chọn thuốc tùy theo cơ địa từng bệnh nhân (tuổi, bệnh phối hợp, dị ứng thuốc, đáp ứng thuốc…), bạn có thể gặp trực tiếp bác sĩ điều trị hay bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được điều trị thích hợp.
|
– Có nhiều người truyền tai nhau về cách bấm huyệt có thể giúp người tai biến co giãn gân cốt và hoạt động lại tứ chi. Điều này có đúng không bác sĩ? Hiện tại tôi chở mẹ đi massage vật lý trị liệu 3 lần trong tuần mà vẫn chưa thấy hiệu quả. Tôi có nên tiếp tục đưa bà đi làm liệu trình này? (Bao Duy, 49 tuổi, Tan Phu)
Chào bạn,
Tai biến mạch máu não giai đoạn cấp cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị (thường là bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh), do bác sĩ điều trị là người biết rõ loại tai biến mạch máu não của người bệnh, mức độ nặng của tổn thương não. Người bệnh và gia đình không tùy tiện đưa người bệnh đi bấm huyệt châm cứu mà bỏ các phương pháp điều trị tây y thiết yếu.
Vai trò của Đông y (xoa bóp masssage, bấm huyệt, châm cứu) chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não.
Người bệnh chủ yếu là tập luyện vật lý trị liệu phục hồi chức năng theo bài tập được nhân viên y tế (có chuyên môn trong lĩnh vực vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não) xây dựng theo bệnh trạng từng người bệnh. Cần chú ý là hiệu quả phục hồi chức năng thường chậm, do vậy người bệnh cần kiên nhẫn, luyện tập kiên trì liên tục mới có hiệu quả rõ rệt.
– Tôi bị tai biến nhẹ cách nay 5 năm bị giật méo miệng, tê hàm bên trái, sau nhiều năm vật lý trị liệu kết hợp đông tây y, bây giờ đã khỏi được 70-80%. Cách nay khoảng một tháng tôi bị đau thắt lưng, đau vòng lên phía trước bụng không đi đứng được, ngất xỉu, sau đó tôi xuống khám ở bệnh viện bác sĩ nói tôi không phải bị thận mà bị ảnh hưởng của dây thần kinh gì đó tôi không rõ, và nói tôi có nguy cơ tái phát tai biến lần 2, nên rất lo. Mong bác sĩ tư vấn. Xin chân thành cảm ơn. (Phạm Văn Bo, 68 tuổi, xã phú phụn-huyện chợ lách-tỉnh bến tre)
Chào anh,
Triệu chứng của anh ít gợi ý tới tai biến mạch máu não tái phát. Với triệu chứng đau thắt lưng làm hạn chế đi đứng của anh có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là thoái hóa cột sống thắt lưng có kèm hay không kèm thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh mà dân gian thường gọi là đau dây thần kinh tọa. Bệnh lý này, anh cần gặp bác sĩ để được chỉ định xét nghiệm thích hợp và điều trị triệu chứng giảm đau giãn cơ cũng như điều trị bệnh lý nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
Đối với những bệnh nhân đã từng bị tai biến mạch máu não thì có nguy cơ bị tái phát lần hai cao hơn những người khác. Do vậy, sau tai biến mạch máu não lần đầu, bệnh nhân cần được điều trị phòng ngừa tái phát thích hợp (như kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, dùng các thuốc phòng ngừa thuyên tắc huyết khối mạch máu não)…
– Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất nhiều trong việc chăm sóc cho người bệnh. Bố tôi thường xuyên bị táo bón, khó đi vệ sinh. Xin bác sĩ chia sẻ chế độ ăn uống để luôn đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh. (Bao Anh, 41 tuổi, Tan Phu)
Chào Bảo Anh,
Táo bón là tình trạng khó đi tiêu dưới 3 lần trong tuần hoặc phân cứng khô hay tiêu không hết lượng phân có trong đường tiêu hóa. Đây là triệu chứng rất thường gặp ở người cao tuổi. Vì vậy, mỗi người cần áp dụng chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng để tránh tình trạng táo bón theo cách sau:
– Nước: tối thiểu 1,5- 2 lít mỗi ngày, nếu nhiều hơn càng tốt. Các loại nước như nước tinh khiết, nước trái cây họ cam chanh, bưởi. Cần hạn chế trà, cà phê, rượu bia.
– Ăn đủ chất xơ: chất xơ có nhiều nước nên cần ăn 20-30g trong ngày (khoai lang, rau lang, mè đen, nha đam, lê, đu đủ, chuối…). Cần hạn chế trái cây vị chát của ổi xanh, mận…
– Tạo thói quen đi cầu như tập đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày.
– Hạn chế tối đa sử dụng thuốc nếu không cần thiết, đặc biệt là các thuốc có tác dụng phụ gây táo bón như: thuốc giảm đau, dạ dày…
– Tăng cường vận động, đi lại, di chuyển.
– Tránh nhịn tiêu thường xuyên.
– Tránh lạm dụng thuốc nhuận trường, tùy tiện sử dụng không có chỉ định của bác sĩ.
– Ba tôi năm nay 73 tuổi, bị tai biến cách đây 17 năm, liệt nửa người bên trái. Ông vẫn chống gậy đi lại được trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên hai tuần gần đây chân ba bị liệt đau và không thể bước đi được, gia đình có thuê người đến châm cứu và vật lý trị liệu nhưng chân vẫn đau và không bước đi được. Xin bác sĩ tư vấn giúp làm sao để ông bớt đau chân và có thể đi lại được. (Hồ Thị Cẩm Huyền, 41 tuổi, 50/30 đường 6, phường Trường Thọ, Quận Thủ Đức)
Chào bạn,
Ở những bệnh nhân từng bị tai biến như ba của bạn nguy cơ tái phát tai biến mạch máu não khá cao. Ba của bạn, sau một thời gian đã đi lại được sau tai biến lần đầu mà nay không đi lại được thì trước tiên cần phải loại trừ tai biến mạch máu não tái phát. Do vậy, bạn cần đưa ba tới khám bác sĩ chuyên khoa lão hoặc chuyên khoa nội thần kinh để xác định nguyên nhân đau và yếu liệt chân mới xuất hiện trở lại lần này. Từ đó mới có hướng điều trị giảm đau và điều trị nguyên nhân thích hợp.
– Mẹ tôi mới bị tai biến 2 tháng, giờ liệt 2 chân. Tôi được biết có những phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi vận động cho các cụ, nhưng mẹ tôi lại bị loãng xương nặng nên rất dễ gãy chân, mà người già thì gãy xương thì rất đau đón và lâu lành. Vậy tôi có nên đưa mẹ đi vật lý trị liệu hay không? Có phương pháp nào khác an toàn hơn không, có phải để lâu quá thì không phục hồi vận động được nữa? (Phuong Anh, 52 tuổi, Can Tho)
Chào bạn,
Tai biến mạch máu não đã được hai tháng là đã qua giai đoạn cấp, do vậy đã có thể tập luyện để phục hồi chức năng vận động. Nhưng người bệnh cần phải tập đúng động tác để đạt hiệu quả và hạn chế tổn thương, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi, loãng xương, nguy cơ té ngã cao như mẹ bạn. Bạn cần tới các trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Cần lưu ý, nếu tập luyện trễ thì khả năng phục hồi chức năng vận động sẽ kém. Do vậy, bạn không nên quá sợ mẹ té ngã mà không đưa mẹ đi tập vật lý trị liệu.
|
– Nhà tôi có bà nội bị tai biến hơn một năm nay, nằm liệt giường. Bà bị rối loạn đại tiểu tiện nên cực nhất là khâu vệ sinh cho bà. Bác sĩ tư vấn giúp tôi làm sao để cải thiện tình trạng này và giúp bà tôi thoải mái hơn trong công tác vệ sinh cá nhân. Cám ơn nhiều! (Nguyen Cong Danh, 54 tuổi, Thu Duc)
Chào Danh,
Rối loạn đại tiểu tiện là triệu chứng và di chứng rất thường gặp sau tai biến mạch máu não. Cơ chế của tình trạng này là do rối loạn cơ vòng, rối loạn thần kinh thực vật điều khiển phản xạ tiêu tiểu.
Một số người bệnh chỉ rối loạn tiêu tiểu trong giai đoạn cấp, sau đó sẽ phục hồi song hành với phục hồi chức năng vận động, thường gặp trong tai biến mạch máu não nhẹ, vùng tổn thương não nhỏ.
Tuy nhiên, một số người bệnh vẫn tồn tại di chứng này kéo dài, thường gặp trong tai biến mạch máu não nặng, vùng tổn thương não rộng, trong trường hợp này rối loạn tiêu tiểu thường khó cải thiện.
Người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để tránh các biến chứng do nằm liệt giường và rối loạn tiểu tiện (loét tì đè, nhiễm trùng da hay đường hô hấp…).
Cách giúp bà nội của bạn thoải mái hơn trong công tác vệ sinh cá nhân là:
– Nếu bà chủ yếu nằm trên giường thì nên sử dụng tã dán người lớn, cần thay thường xuyên ngay sau khi tiêu tiểu để tránh ấm ướt. Nguyên tắc là giữ khô, sạch vùng mông lưng và vùng cùng cụt.
– Có thể lựa chọn sản phẩm có thêm kháng khuẩn – ngăn mùi để giảm bớt mùi chất thải, để bà hay người chăm sóc cũng không cảm thấy khó chịu. Hoặc có thể sử dụng thêm sản phẩm phụ trợ như tấm đệm lót để chất thải không trào ra nệm chiếu nhằm giảm thiểu công sức chăm sóc cho người nhà.
– Làm thế nào để phát hiện bệnh đột quỵ não thưa bác sĩ? (Hiền Phương, 31 tuổi, Gia Lai)
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi mà nhiều người quan tâm.
Các triệu chứng báo hiệu tai biến mạch máu não thường đột ngột và rất đa dạng. Nếu triệu chứng này thoáng qua dưới 24-48 tiếng thì thường được gọi là cơn thoáng thiếu mãu não. Đây được xem là một biểu hiện nhẹ của đột quỵ, báo hiệu nguy cơ bị đột quỵ thật sự cao.
Có thể tóm tắt trong các triệu chứng sau:
– Đột ngột cảm giác tê yếu nửa người kèm hay không kèm méo miệng.
– Đột ngột đi đứng lảo đão, hay té ngã.
– Thay đổi giọng nói, nói khó, nói ngọng, khó diễn đạt sự việc bằng lời nói.
– Đau đầu dữ dội, chóng mặt kéo dài kèm ói hay buồn ói.
– Rối loạn thị giác, nhìn mờ, nhìn một thành hai, lé đột ngột.
– Đột ngột tiêu, tiểu không tự chủ.
– Bất tỉnh, hay ngất xỉu, hôn mê
– Bệnh tai biến có di truyền hay không? (Hiện tại nhà tôi đã có 2 người là ba tôi và cô tôi đều bị). Tôi hiện tại 45 tuổi, sức khỏe bình thường, thỉnh thoảng có nhức nửa đầu bên trái, tôi cần chuẩn bị gì để phòng tránh bệnh này? (Hoàng Vân)
Chào bạn,
Bệnh tai biến mạch máu não không di truyền nhưng các yếu tố nguy cơ của bệnh này có thể di truyền. Ví dụ như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipit máu có tính gia đình. Bạn không nói rõ ba và cô của bạn có bị những bệnh lý vừa kể trên hay không, tuy nhiên, để phòng tránh bệnh này bạn cần đi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm tầm soát các bệnh lý kể trên để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng tránh tai biến mạch máu não, bạn cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh (tránh ăn mặn, hay ăn quá nhiều mỡ; vận động thể lực thường xuyên…)
Triệu chứng nhức nửa đầu bên trái của bạn có thể do nhiều nguyên nhân như: chứng đau nửa đầu, viêm xoang, hay đau đầu do căng cơ. Bạn cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.
– Bố Tôi hiện 70 tuổi, ở TP HCM, có triệu chứng đau đầu khó thở, huyết áp cao, nếu trong trường hợp xấu, bố tôi bị tôi bị tai biến, thì người nhà nên sơ cứu như thế nào và hiện tại bệnh viện nào là tốt nhất để điều trị bệnh này? Xin cảm ơn. (Hoàng Vân)
Chào bạn,
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ và cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. Do vậy, bố bạn cần phải dùng thuốc huyết áp hằng ngày, đủ liều để kiểm soát huyết áp tốt. Khi có cơn cao huyết áp, cần cho bệnh nhân nằm nghỉ và uống thuốc huyết áp theo đơn đang có. Nếu không giảm hoặc trị số huyết áp quá cao (lớn hơn hoặc bằng 170/100mmHg) hoặc có những dấu hiệu gợi ý tai biến mạch máu não cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí thích hợp, tốt nhất nên đưa tới các cơ sở y tế có chuyên khoa nội thần kinh và can thiệp thần kinh cấp cứu.
|
– Tôi được biết người già dễ bị đột quỵ. vậy đột quỵ thường xảy ra vào thời điểm nào trong ngày? Mẹ tôi 69 tuổi rồi, cũng hay kêu đâu đầu vào buổi tối? Tôi cần làm gì để có thể nhận biết và phản ứng một cách nhanh nhất. (Lan Tuong, 26 tuổi, Vung Tau)
Chào bạn,
Đột quỵ có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên các kết quả thống kê cho thấy đột quỵ thường xẩy ra vào thời điểm nửa đêm về sáng. Đây là thời điểm huyết áp có khuynh hướng tăng cao, dễ xẩy ra đột quỵ.
Khi bệnh nhân bị đau đầu mà có tiền sử bị tăng huyết áp hay đang dùng thuốc trị tăng huyết áp thì điều đầu tiên là phải cho bệnh nhân nằm nghỉ, đo huyết áp, kiểm tra xem bệnh nhân có các dấu hiệu hay triệu chứng gợi ý tai biến mạch máu não hay không. Nếu huyết áp cao nhiều, cần xử trí thuốc hạ áp cấp cứu, thuốc này thường được các bác sĩ kê đơn sẵn và dặn dò bệnh nhân trước. Nếu bạn chưa có thuốc này sẵn trong nhà thì cần yêu cầu bác sĩ điều trị kê đơn để sử dụng khi cần.
– Biết là bị tai biến thì di chứng rất nặng, rất khó phục hồi. Ông tôi bị tai biến, sau đó phải ngồi xe lăn, cử động chân khó khăn nhưng tinh thần ông vẫn khá minh mẫn. Việc hồi phục hoàn toàn thì tôi không dám nghĩ tới nhưng có cách nào để trợ giúp ông tôi có thể tập và kích thích hoạt động lại chân không thưa bác sĩ. (Ngoc Hoa, 39 tuổi, Ben Tre)
Chào Hoa,
Câu hỏi của bạn cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm trong việc giúp người thân của mình phục hồi tốt sau tai biến.
Thường, việc phục hồi chức năng vận động tùy thuộc vào mức độ tổn thương não và sự hình thành tái thông tuần hoàn não sau tai biến mạch máu não. Quá trình phục hồi này tạo thuận lợi nếu người bệnh kiên trì luyện tập vận động thể lực thường xuyên và liên tục.
Việc tập đi để phục hồi chức năng là rất quan trọng. Nếu ông bị mất kiểm soát tiểu tiện, khi tập đi, ông nên mặc thêm tã quần (vì thiết kế giống quần lót nên dễ mặc, không bị cồng kềnh) giúp dễ dàng di chuyển và tập luyện.
– Bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh đột quỵ có nguyên nhân giống nhau hay không? Triệu chứng và cách sơ cứu khi người nhà gặp phải những loại bệnh này là gì ạ? (KhANH VAN)
Chào bạn,
Có một số người hiểu nhầm đột quỵ là nhồi máu cơ tim có thể vì cả hai bệnh lý này đều có thể xảy ra đột ngột và gây ngất hay đột tử. Tuy nhiên, đây là hai bệnh khác nhau mặc dù đều là bệnh lý tim mạch và có thể có nguyên nhân giống nhau là xơ vữa và tắc nghẽn động mạch.
Nhồi máu cơ tim thường do tắc nghẽn động mạch vành – là động mạch nuôi cơ tim, thường trên nền động mạch đã bị xơ vữa sẵn. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp thường là đau ngực trái đột ngột, dữ dội, lan ra cánh tay trái, có thể kèm theo ói, buồn ói, những trường hợp nặng có thể gây ngất hay đột tử.
Còn đột quỵ thường do tắc nghẽn động mạch não trong và ngoài sọ cũng thường trên nền động mạch đã xơ vữa sẵn. Đột quỵ còn có thể do vỡ mạch máu não gây xuất huyết trong sọ, thường là do tăng huyết áp hay dị dạng mạch máu não. Triệu chứng của đột quỵ thường là đột ngột yếu liệt nửa người, kèm nói khó, méo miệng… Trường hợp nặng có thể gây ra ngất hay đột tử.
Cả hai bệnh lý này đều cần phải đưa bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt để có thể can thiệp kịp thời, cứu sống cơ tim và vùng máu não bị hoại tử (nhồi máu cơ tim cần nhập viện trong vòng 3 tiếng khi khởi phát đau ngực, còn đột quỵ cần nhập viện trong vòng 4-6 tiếng khi khởi phát triệu chứng).
|
– Thưa chuyên gia,
Em thấy trên mạng hướng dẫn là không nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay mà dùng kim để chích vào đầu ngón tay khi sơ cứu người bị tai biến mạch máu não. Em có nên áp dụng không? Tư vấn giúp em. (Đỗ Hữu Hưng, 35 tuổi, Quảng Trị)
Chào bạn,
Khi nghi ngờ bị tai biến mạch máu não cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, đặc biệt là các cơ sở có chuyên khoa thần kinh và can thiệp thần kinh cấp cứu.
Trong dân gian thường lan truyền kinh nghiệm dùng kim để chích vào đầu ngón tay khi sơ cứu người bị tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, đây là biện pháp không nên thực hiện vì hoàn toàn không có hiệu quả mà còn làm chậm trễ việc nhập viện điều trị đúng chuyên khoa và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da hay xuất huyết.
– Mẹ tôi đã bị loét tì đè, có vẻ là giai đoạn 3 như bác sĩ đã nói. Tôi muốn hỏi, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, cho nằm thoáng mát thì tôi nên làm gì để cải thiện cho mẹ, vì bà đã phải nằm ngiêng một bên và rất đau đớn. (Minh Dung, 47 tuổi, Dong Nai)
Chào bạn,
Đối với loét ở giai đoạn này thì bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ điều trị thích hợp. Nếu không loét có thể tiến triển nặng hơn, đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng vết loét. Bạn có thể cho mẹ dùng một số thuốc giảm đau có sự chỉ định của bác sĩ để mẹ của bạn bớt đau và hợp tác tốt trong việc xoay trở.
Thông thường loét độ 3 cần phải được bác sĩ đánh giá về tình trạng nhiễm trùng; hoại tử da, cơ cũng như có biện pháp chăm sóc tại chỗ tích cực hơn.
– Tôi từng đọc một bài thuốc đó là cho người bị đột quỵ uống trà ớt để làm tan cục máu đông, giúp máu lưu thông. Xin hỏi phương pháp này có hiệu quả không, nên áp dụng vào thời điểm nào uống thường xuyên giúp phòng bệnh, hay có thể sử dụng để cấp cứu (mẹ tôi năm nay 60 tuồi có thể áp dụng phương pháp này không. (Văn Quýnh, Vanquynh@yahoo.com)
Chào bạn,
Hiện chưa có bất kỳ khuyến cáo nào liên quan đến vấn đề này. Vì vậy, việc điều trị tan cục máu đông cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho từng trường hợp bệnh lý cụ thể.
– Con năm nay 19 tuổi, không hiểu sao lại bị đột quỵ vào một buổi sáng. Con bình thường chỉ bị liệt bên trái, giờ cũng đã đi lại và cầm nắm được nhưng vẫn còn khó khăn chút ít. Con xin hỏi con có khả năng phục hồi không và cần làm gì để ngừa tai biến sau này? Con cảm ơn! (Khả Hân)
Chào con,
Bị đột quỵ vào tuổi 19 thường phải có nguyên nhân khác với những nguyên nhân gây đột quỵ ở người cao tuổi. Nguyên nhân thường được nghĩ đến nhiều nhất là dị dạng mạch máu não. Do vậy, con cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não, khi đó mới có biện pháp điều trị thích hợp và phòng ngừa được bệnh tái phát.
Do hiện giờ con đã đi lại và cầm nắm được, tôi nghĩ khả năng phục hồi một phần chức năng vận động là khá cao, tuy nhiên có thể không phục hồi hoàn toàn. Con cần kiên nhẫn tập luyện và điều quan trọng là tìm nguyên nhân bệnh.
– Bố tôi năm ngoái bị tai biến mạch máu não, cụ thể bị méo mồm và nói ngọng, 3 lần đi cấp cứu bệnh viện. Bố tôi đã uống thuốc hạ huyết áp đươc 8 năm. Tuy nhiên từ khi năm ngoái bị méo mồm thì huyết áp nền của bố tôi đã tăng quá cao, ngày khoẻ trung bình khoảng 160-170, ngày yếu khoảng 180, có những hôm cấp cứu là trên 200.
Có cách nào kéo huyết áp nền của bố tôi thấp xuống không, vì càng ngày tôi thấy càng tăng, sức khoẻ của bố tôi đã quá yếu! (Kha Như)
Chào bạn,
Bố bạn bị bệnh tăng huyết áp và có biến chứng tai biến mạch máu não. Đế tránh tai biến mạch máu não tái phát và phải nhập viện nhiều lần vì huyết áp tăng quá cao bạn cần cho bố đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để điều chỉnh đơn thuốc hạ áp. Những trường hợp huyết áp quá cao và khó kiểm soát này cần phải được điều trị phối hợp từ hai thuốc hạ áp trở lên đồng thời cần chú ý tìm các nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp thứ phát như hẹp động mạch thận. Ngoài ra, bạn cần lưu ý chế độ ăn của bệnh nhân, tránh ăn mặn quá mức hoặc tránh quên uống thuốc (rất hay gặp ở người cao tuổi).
– Người bị tai biến dẫn đến đột quỵ hiện nay rất nhiều, gây ra nhiều biến chứng hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có cách nào để nhận biết và phòng tránh không bác sĩ. Hiện nhà tôi có khá nhiều người lớn tuổi và cũng đang suy yếu sức khoẻ nhiều. Điều này khiến tôi khá lo lắng. (Hồng Hạnh, 55 tuổi)
Chào bạn,
Điều mà bạn lo lắng cũng là mối lo chung của khá nhiều người hiện nay.
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết sớm tai biến mạch máu não. Bạn cần lưu ý những dấu hiệu như tê yếu tay chân (thoáng qua hay kéo dài hơn 24h-48h); đi đứng lảo đảo, hay té ngã; thay đổi giọng nói, khó diễn đạt sự việc, nói khó, nói ngọng; đau đầu đột ngột; chóng mặt, kèm hay không kèm buồn ói hay ói. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới các triệu chứng về rối loạn thị giác (mất thị lực thoáng qua, nhìn đôi); đột ngột tiêu tiểu không tự chủ; bất tỉnh, ngất xỉu, hôn mê…
Để phòng tránh tai biến mạch máu não, bạn nên kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây bệnh lý tim mạch nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng, gồm:
Chế độ không dùng thuốc:
1. Dinh dưỡng:
– Tăng cường trái cây rau xanh: dùng 3-5 lần trong ngày, chất xơ 20-30g mỗi ngày (bánh mì đen, ngũ cốc).
– Hạn chế bia rượu.
– Tăng cường chất béo không bão hòa: dầu oliu, cá hồi, cá thu…; hạn chế chất béo bão hòa: dầu cọ, đậu phộng, dừa, mỡ, da gà, vịt, nội tạng…
– Ăn ít nhất một loại protein năng lượng cao trong ngày như: sữa chua, phô mai mềm, socola sẫm màu, lòng trắng trứng.
– Nước: uống ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày: sữa không kem, trà xanh, nước ép trái cây.
2. Hoạt động thể lực:
– Tập luyện 30 phút mỗi ngày suốt 5-7 ngày trong tuần, 2-3 lần trong tuần nếu vận động nặng.
– Không hoạt động gắng sức quá mức nhưng mục tiêu vận động thể lực phải làm tăng được tần số tim lên 60-80% tần số tim tối đa (Cách tính: 220 trừ đi số tuổi).
– Các mức độ vận động thể lực thường được khuyến cáo là làm việc nhà (lau nhà, cửa sổ trong 45 phút); đi bộ 3km trong 30 phút; làm vườn, khiêu vũ trong 30 phút, đạp xe đạp 8km trong 30 phút; leo cầu thang 15 phút.
– Kiểm soát cân nặng lý tưởng: BMI: 18,5- 24,9; vòng eo
– Ngưng hút thuốc lá.
Chế độ dùng thuốc (chỉ định tùy từng bệnh lý cụ thể của người bệnh)
– Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu để giảm thiểu huyết khối mạch máu, phòng tiên phát lẫn thứ phát các bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim).
– Thuốc chống đông: trong bệnh van tim (hẹp van 2 lá), rối loạn nhịp tim (rung nhĩ).
– Điều trị thuốc để kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Đối với tai biến mạch máu não, vấn đề phòng ngừa và nhận biết sớm sẽ tránh được những hậu quả cũng như hệ lụy về sau. Điều này cũng nhằm giảm thiểu gánh nặng cho việc chăm sóc và phục hồi di chứng sau tai biến.
VnExpress
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…