Phó giáo sư Trần Quang Bính, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân quê Đồng Tháp nhập viện ngày 1/6 trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân bị suy hô hấp, sốt cao, rối loạn tri giác, đặc biệt là bị kích động mạnh. Người nhà cho biết cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân làm nghề bán thịt heo ở chợ đột nhiên sốt cao, nôn ói, sau đó vào bệnh viện địa phương và được chuyển ngay lên Chợ Rẫy.
Chẩn đoán ban đầu, nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn nên các bác sĩ cho lấy dịch não tủy kiểm tra. Kết quả xác định người bệnh bị liên cầu khuẩn lợn Streptococcus suis. Bệnh nhân rơi vào hôn mê nên phải thở máy trong 2 ngày kết hợp điều trị kháng sinh mạnh. Hiện bệnh nhân đã may mắn vượt qua cơn nguy kịch, dần hồi phục.
|
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.P |
Theo phó giáo sư Bính, nhiễm liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn thường có trong đường hô hấp của lợn, có thể lây sang người. Các đường lây có thể trực tiếp qua vết trầy xước, vết thương trên da, niêm mạc, quần áo, khăn lau… khi giết mổ, chế biến, mua bán thịt lợn. Cũng có thể mắc bệnh khi ăn phải thức ăn chế biến từ lợn bị bệnh chưa được nấu chín như thịt tái, tiết canh. Người chăn nuôi, nhân viên thú y đi kiểm dịch cũng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.
Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Quá trình này càng ngắn thì chứng tỏ độc lực của vi khuẩn càng mạnh. Có thể khởi phát chỉ là cơn sốt, phát ban, đau họng, nhức đầu, nôn ói. Có khi không đặc hiệu. Nhiễm liên cầu khuẩn lợn dễ gây nhầm với các bệnh khác như viêm màng não với các biểu hiện cứng cổ, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức, ù tai giảm thính lực, bất thường hành vi… Khoảng 60% bệnh nhân là có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh cũng có thể khởi phát với viêm phổi, đau khớp, sau đó diễn tiến suy đa cơ quan, tổn thương đa tạng như tuần hoàn, gan, thận…
Bệnh gặp nhiều nhất ở Trung Quốc, Việt Nam, HongKong, Hà Lan… Những nơi nào chăn nuôi lợn đều có nhiều người nguy cơ mắc bệnh này. Ở Trung Quốc từng ghi nhận hơn 20 người tử vong trong một tháng do nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh nhân nhập viện trễ, sốc, nguy cơ tử vong có thể tới 70-80%. Nhiều trường hợp giữ được mạng sống thì phải đối mặt với các nguy cơ, mất thính lực, liệt nửa người do tổn thương hệ thần kinh…
Phó giáo sư Bính khuyến cáo, người có vết trầy xước thì không nên tiếp xúc gia súc. Không ăn thịt lợn chưa nấu chín như dồi trường, lòng, nội tạng, tiết canh… Khi chế biến thịt lợn sống phải có găng tay bảo vệ. Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với lợn hoặc chế biến thịt. Những trường hợp có tiền sử tiếp xúc, ăn thịt heo chưa nấu chín nếu có các biểu hiện bất thường như sốt cao, đau đầu, nôn ói, kích động… cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…