Dinh dưỡng không đầy đủ
Khi thực hiện phóng sự để trình chiếu trong chương trình ca nhạc Nguồn sữa La La do Sở Y tế phối hợp Hội Y tế thôn, bản và Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức với sự tài trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam để gây quỹ hỗ trợ hoạt động phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông vào tháng tối 12/12/2015, chúng tôi gặp một trẻ 8 tháng tuổi và một dưới 3 tuổi bị SDD. Y Minh, 25 tuổi-người dân tộc Pa Cô ở thôn Kỳ Rỹ, xã A Xing có con trai là Hồ Văn Mạnh 8 tháng tuổi bị SDD kể: “Khi mang thai, mình không có tiền để ăn uống đầy đủ, có lúc thích ăn một cái bánh mì nhưng cũng không mua được. Mang thai nhưng mình vẫn phải cùng chồng làm rẫy, đến ngày sinh vẫn lên rẫy trồng sắn. Mình sinh con ở trạm y tế xã và cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu như bác sĩ dặn. Cho con bú, khi đói bụng thì mình ăn cơm trắng rồi đi kiếm rau, măng ở rừng bên xã Thuận cách nhà hơn 3 kilomet về nấu canh. Sau 6 tháng thì mình xay gạo làm bột cho con ăn, lúc có thể thì hái một gùi măng về đổi cá làm thức ăn cho con, cho cả nhà. Mỗi năm, vợ chồng mình làm được một xe sắn bán được từ 10-12 triệu đồng và không có nhiều đất để làm nhiều hơn. Mỗi khi bán sắn thì chồng giữ tiền, thanh toán các loại chi phí và mua gạo, mua phân bón xong còn dư thì mới đưa vợ giữ một ít. Có lúc chồng đi làm thuê được 100 ngàn đồng hoặc hơn đem về mua gạo, mua cá. Bình thường thì mẹ và con ăn cơm với măng hái trên rừng, mướp hoặc bí đỏ tự trồng và mình không có tiền mua sữa nên con gái 5 tuổi của mình bị thiếu máu, con trai 8 tháng bị SDD”.
Nỗ lực và hiệu quả của ngành y tế
Có thể thấy nguyên nhân của tình trạng SDD là do khẩu phần ăn của người mẹ và trẻ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể, nhất là nhu cầu về các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, người nghèo ở miền núi và các vùng khó khăn rất ít được ăn thịt, cá có giá trị sinh học, giá trị dinh dưỡng cao hơn và cơ thể dễ hấp thu hơn rau, củ, quả vì có giá thành cao hơn. Thực hiện một trong những hoạt động quan trọng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em là bổ sung vi chất dinh dưỡng, ngành y tế tỉnh Quảng Trị tổ chức tốt Ngày Vi chất dinh dưỡng hàng năm. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, trong Chiến dịch Bổ sung vi chất dinh dưỡng được tổ chức trong hai ngày 1 và 2/6/2015 trên phạm vi toàn tỉnh, đã có hơn 55.000 trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi và tất cả phụ nữ sau khi sinh con trong vòng một tháng được bổ sung viên nang vitamin A và gần 35.000 trẻ em từ 24 đến 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun cũng như cân, đo theo dõi tăng trưởng, đạt kế hoạch và chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản trong năm 2015 đã đạt các chỉ tiêu có ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình phòng chống SDD như 98,96% trẻ sinh ra được cân, tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2.500 gr giảm còn 4,80%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD chiều cao/tuổi trong toàn tỉnh tiếp tục giảm, thấp nhất là thị xã Quảng Trị còn 8,29% và huyện Hướng Hóa giảm từ 27,63% năm 2014 xuống còn 24,97%, huyện Đakrông từ 35,26% xuống còn 30,87%. Những thành tố làm nên kết quả này là Trung tâm tổ chức triển khai có hiệu quả Ngày Vi chất dinh dưỡng, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, tập huấn và hỗ trợ thực hành dinh dưỡng, truyền thông về chăm sóc dinh dưỡng với phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ qua hệ thống phòng khám và tư vấn dinh dưỡng tại cộng đồng,… Với tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD cân nặng/tuổi gần tương đương mức chung của toàn quốc là 14,1%, tỉnh Quảng Trị tiếp tục khẳng định những cố gắng không ngừng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của thế hệ tương lai.
Năm 2016, chương trình phòng chống SDD trẻ em của tỉnh Quảng Trị phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD cân nặng/tuổi còn dưới 14%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD chiều cao/tuổi còn dưới 26%. Theo đó, chương trình đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ và dinh dưỡng hợp lý để phòng chống SDD, trong đó ưu tiên can thiệp bằng những giải pháp tích cực hơn nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Căn cứ chỉ tiêu này, các nhóm giải pháp được triển khai là tăng cường ưu tiên đầu tư và lồng ghép với can thiệp chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bao gồm cả bổ sung vi chất dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu,… để góp phần cải thiện tầm vóc thể lực của người Việt Nam.
Bài và ảnh: Nguyễn Bội Nhiên (T4G Quảng Trị)
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…