Mở sách học là hoang mang, sợ hãi
Theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng (Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) thời gian gần đến mùa thi số lượng trẻ đến khám và điều trị rối loạn cảm xúc do áp lực học tập, thi cử ngày càng tăng.
Đang điều trị rối loạn cảm xúc tại Viện sức khỏe tâm thần do mắc phải căn “bệnh lạ” Trương Quang Huy (16 tuổi, ở Trần Phú, Thành phố Bắc Giang) từ một học sinh giỏi có tiếng của tỉnh bỗng dưng sợ hãi học.
Bố mẹ Huy cho biết, Huy rất ham học nên luôn được cha mẹ tạo điều kiện để phấn đấu. Huy học giỏi có tiếng và là niềm tự hào của gia đình và dòng họ. Hai năm trở lại đây Huy bắt đầu có biểu hiện xa lánh mọi người, không thích giao tiếp. Khi ai đó nhắc tới chuyện học, Huy không quan tâm, trái ngược lại với sự hào hứng trước đây.
Huy bắt đầu sợ phải đi học, mỗi khi mở sách đều học đều cảm thấy sợ hãi như có ai đang đè lên đầu. Bố mẹ động viên Huy mở sách học thì khóc lóc, sợ hãi vô cùng. Trong thời gian đó, kết quả học tập của Huy giảm sút. Gia đình thấy Huy ăn kém, ngủ hay có ác mộng, thường xuyên giật mình khi ngủ… nên rất lo lắng.
Bệnh nhân Huy đang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Thời gian đầu, bố mẹ Huy nghĩ đó chỉ là sự thay đổi của tuổi mới lớn. Nhưng khi Huy sợ hãi không muốn tới trường bố mẹ mới tá hỏa đưa đi khám.
Cũng rơi vào tình trạng sợ hãi việc học như bệnh nhân Huy đó là trường hợp của em Lê Ngọc Hoa (20 tuổi, Thanh Hóa). Hoa có mong muốn, sau khi học xong sẽ tu nghiệp ở nước ngoài. Do mong muốn quá lớn trong khi đó bản thân không đáp ứng được nên Hoa đã bị rối loạn lo âu. Hoa sợ hãi việc học, lúc nào cũng cảm thấy lo lắng bồn chồn, ngủ không ngon giấc. Mỗi khi mở sách ra học, Hoa cảm thấy mệt mỏi như kiệt sức, đầu óc không thể tập trung. Khi đi học, Hoa thấy căng thẳng và phải về giữa chừng.
TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng cho hay, trẻ dưới 22 tuổi đều có sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Vì vậy, các em dễ bị tác động về mặt tinh thần, cảm xúc và hành vi bị thay đổi bởi các tác nhân gây nên stress. Việc phải chịu nhiều áp lực từ bố mẹ, từ thầy cô, từ điểm số và thành tích…. dẫn tới nhiều ảnh hưởng khác nhau cho các em học sinh.
Học hành liên tục, không có thời gian để nghỉ ngơi cho bản thân, khiến các em luôn trong trạng thái mệt mỏi. Khi những áp lực vượt quá ngưỡng chịu đựng khiến cho các em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như, ăn kém, ngủ ít, cảm giác kiệt sức, căng thẳng quá mức, đau đầu, đau dạ dày, suy nhược cơ thể…
“Nhiều em học sinh vì không chịu được áp lực học tập nặng nề cộng thêm thiếu sự hỗ trợ từ gia đình đã phản ứng tiêu cực như, bỏ học, bỏ nhà đi, nhiều em biểu hiện rối loạn tâm thần nặng có ý nghĩ tự sát. Ví dụ, cuối năm 2015, nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự sát để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót. Nguyên nhân tự tử là do em này đạt học sinh trung bình”, bác sĩ Dũng nói.
Cách điều trị hiệu quả nhất là gì?
“Rối loạn cảm xúc do áp lực học tập có thể chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm. Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường cần phải đưa trẻ đi khám sớm. Cha mẹ không tự ý mua thuốc điều trị…”, bác sĩ Dùng chia sẻ.
Việc đầu tiên là phải tách các em khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Cha mẹ cần phải chú ý tới giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho con để trẻ vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…