Theo PGS.TS Trần Quốc Bình – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, đậu đen mang tính hàn, vị hơi ngọt, có tác dụng dưỡng âm, bổ thận. Vì vậy, nhiều người thường dùng loại hạt này để chế biến thành các món ăn để giải nhiệt như chè đậu đen, cháo đậu đen… và là thành phần của một số bài thuốc trong Đông y.
Chè đậu đen
Đây là món ăn được nhiều người ưa chuộng giúp giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng, oi bức. Cách làm món chè đậu đen truyền thống cũng rất đơn giản.
Nguyên liệu: Hạt đậu đen, đường trắng, dừa tươi nạo sợi, trân châu, nước cốt dừa.
Lưu ý khi chọn hạt đậu đen: Không cần chọn hạt quá to vì có thể sẽ bị bở, không “đậm”. Nên chọn đậu đen vỏ bóng, đen đều, bên trong có lòng xanh. Loại bỏ các hạt lép, mốc hoặc bị vỡ một nữa vì có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thơm ngon của nồi chè.
Cách làm: Rửa sạch đậu đen và ngâm trong nước sạch (hoặc muối loãng) ít nhất 1 giờ để hạt đậu nhanh được nhừ hơn. Sau đó vớt ra để ráo nước, đem ướp đường và xào nhỏ lửa trên bếp. Đợi các hạt đậu săn lại thì trút nồi nước vừa nấu vào đun tiếp cho đến khi thấy hạt đậu nhừ thì tắt bếp.
Một số người có thể áp dụng theo cách đơn giản hơn là rửa sạch đậu và cho lên bếp đun đến khi nào các hạt đậu nhừ thì tắt bếp và cho đường vào khuấy đều. Cách này tiết kiệm thời gian nhưng hạt đậu sẽ không dẻo và không ngấm đường đều như cách ở trên.
Sau khi tắt bếp, đợi chè nguội, múc ra bát rồi thả trân châu, sợi dừa và một chút nước cốt dừa để tăng mùi thơm. Hiện nay, món chè truyền thống cũng được biến tấu bằng việc cho thêm các loại thạch và hoa quả khác nhau tùy vào sở thích và khẩu vị của từng người.
Cháo đậu đen
Giống như chè đậu đen, cháo đậu đen là món ăn đơn giản giúp thay đổi khẩu vị trong những ngày hè hoặc khi cơ thể mệt mỏi.
Cách nấu cháo đậu đen cũng rất dễ làm, chỉ cần rửa sạch gạo (gạo nếp hoặc gạo tẻ tùy sở thích) và đậu đen, sau đó ngâm trong nước khoảng 1 giờ. Tiếp theo, cho cả gạo và đậu đen vào nồi, đổ ngập nước khoảng 3 lần và đun sôi. Khi cháo sôi thì vặn nhỏ lửa và dùng thìa đảo đều cho cháo sánh mịn. Đun đến khi hạt gạo và hạt đậu nhừ hẳn, quyện vào nhau thì tắt bếp.
Nếu ăn mặn thì cho thêm nước mắm hoặc muối vào và tiếp tục khuấy đều. Với những người ăn ngọt thì múc cháo ra bát rồi cho đường, tùy vào sở thích ăn ngọt hay nhạt để cho lượng đường phù hợp.
Đậu đen hầm gà ác
Đây là món ăn bổ dưỡng giúp bồi bổ khí huyết, rất thích hợp với phụ nữ sau sinh, những người thận yếu, hay đau mỏi lưng gối, tóc rụng nhiều, trí nhớ giảm…
Nguyên liệu và cách làm: Gà ác mua về rửa sạch với muối, để ráo. Đậu đen, nấm hương ngâm vào nước cho mềm. Cho gà ác, đậu đen và nấm hương vào nồi, đổ nước và bắc lên bếp đun đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa. Khi thấy gà, đậu đã mềm thì cho gia vị rồi tắt bếp.
Ngoài các món ăn bổ dưỡng trên, theo Dược sĩ Lê Kim Phụng (Trường ĐH Y Dược TP HCM) một số món ăn khác từ đậu đen còn có tác dụng chữa một số loại bệnh như:
– Canh nước dừa, đậu đen chữa đau nhức các khớp xương hoặc ngộ độc rượu lâu ngày. Cách làm: Lấy một quả dừa nhỏ không già quá, vạt đầu rồi bỏ 20g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại rồi đem chưng cách thủy khoảng 3 – 4 giờ cho đậu nhừ, uống nước và ăn cái. Mỗi tháng chỉ cần ăn 1 – 2 lần.
– Canh đậu đen với tỏi chữa người mệt mỏi, tiểu tiện bí táo. Cách làm: Lấy một củ tỏi rửa sạch, đập dập nhưng không làm nát quá, cho vào nồi chung với 1/2 bát con đậu đen đã rửa sạch, đun nhỏ lửa đến khi đậu mềm rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Ăn lúc sáng sớm.
– Canh đậu đen chữa nhức đầu, hoa mắt, say nắng, người già hay bị chảy nước mắt, quáng gà. Cách làm: Lấy 30g đậu đen, 10g hoa cúc, nấu chung lấy nước uống mỗi ngày. Sau 5-10 ngày uống liên tục sẽ có hiệu quả.
Theo Linh Chi (GĐ&XH)
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…