Vào ngày Tết, nhiều miền quê có thói quen chung nhau mổ lợn để làm giò, lấy thịt ăn Tết và không thể thiếu món tiết canh, lòng lợn.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh việc thói quen ăn tiết canh rất nguy hiểm, trong đó, tiềm ẩn nguy cơ mắc liên cầu lợn.
Theo ông Phu, nhiều người còn chủ quan, thậm chí nhận thức sai lầm về bệnh liên cầu lợn. Họ cho rằng ăn tiết canh, chỉ cần uống rượu sẽ không mắc bệnh vì cồn sẽ diệt được vi khuẩn liên cầu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, bệnh, không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô hại. Đây là những quan niệm sai lầm.
TS.BS Trần Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cũng cho biết mỗi năm có ít nhất 30-100 ca cấp cứu liên quan đến liên cầu lợn trong tình trạng nguy kịch xuất phát từ sở thích ăn tiết canh.
Bác sĩ khẳng định không chỉ lợn bệnh mà ngay cả con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa gen khuẩn liên cầu lợn.
“Khi chọc tiết lợn, không có ai rửa vùng họng nên có thể vấy bẩn lên tiết và đi vào bát tiết canh. Lợn khỏe mạnh cũng có thể mang vi khuẩn. Khi ốm, các vi trùng ấy sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào các vùng khác như thịt, phổi, tiết. Người ăn những bộ phận này chưa được nấu chín cũng có nguy cơ lây nhiễm rất cao”, bác sĩ Cấp cho hay.
Người khỏe mạnh không ăn tiết canh mà bị xây xát chân, tay sau đó tiếp xúc với máu của động vật nhiễm liên cầu lợn cũng có thể nhiễm bệnh.
Bệnh nhân liên bị nhiễm cầu lợn có hai thể thường gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu.
“Với viêm màng não mủ, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, buồn nôn, có thể có hôn mê co giật tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Với thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân bị sốt, sốc mà không xử trí kịp thời sau này suy gan, thận, sốc, tụt huyết áp, rối loạn đông máu”, bác sĩ Cấp nói.
Tiết canh lợn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh: SKĐS.
Bác sĩ Đặng Thị Nga, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, cũng từng gặp rất nhiều trường hợp sán chui lên não xuất phát từ việc ăn tiết canh.
Bất cứ một loài ký sinh trùng nào, kể cả vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào máu đầu tiên, sau đó đi vào các bộ phận khác. Trong khi đó, cấu tạo của bộ não rất lỏng lẽo nên các loại sán, ký sinh trùng sẽ dễ xâm nhập và thích nghi ở đó. Giun, sán ký sinh trong não có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng khuyến cáo người dân cần hiểu rằng không phải lúc nào ấu trùng giun sán đi vào cơ thể đều gây ra phản ứng nguy hiểm ngay lập tức.
Khi bạn ăn tiết canh lợn có chứa ấu trùng sán gạo lợn, chúng sẽ xuyên qua thành ruột lên não và tồn tại hàng chục năm, tạo thành vôi trong não. Một số trường hợp sau 5-7 năm mới gây viêm và tử vong cho người bệnh. Thời gian này tùy thuộc vào cơ địa, hệ miễn dịch của từng người. Do đó, mọi người tuyệt đối không được chủ quan khi mình chưa mắc bệnh.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…