Categories: Tin tức

Mẹ từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối để sinh con

Ngày 13/7, các bác sĩ BV Phụ sản Trung ương đã sang BV K thực hiện ca mổ đẻ cho một sản phụ đang bị ung thư giai đoạn cuối. Ngay sau đó, cháu bé được tách ra khỏi mẹ, đưa sang Trung tâm sơ sinh (BV Phụ sản Trung ương) chăm sóc trong lồng ấp, còn người mẹ tiếp tục được điều trị tại BV K.

Con của sản phụ Huyền Trâm đang được chăm sóc trong lồng ấp (Ảnh: Trần Ngọc Kha).

Giám đốc Trung tâm sơ sinh (BV Phụ sản Trung ương) Nguyễn Ngọc Lợi cho hay, đến ngày 14/7, sức khỏe cháu bé vẫn còn hết sức lo ngại. Do trẻ được sinh rất non tháng (29 tuần, 3 ngày) và cực kỳ thấp cân (1,2kg), lại bội nhiễm từ cơ thể nhiễm trùng nặng của người mẹ nên bé thở rất khó khăn. Không những vậy, phải chống nhiễm khuẩn cho cháu bằng kháng sinh đắt tiền và những loại thuốc phòng chống bệnh màng trong cho trẻ.

Ths Lê Minh Trác – Phó giám đốc Trung tâm này cho biết: Bé còn có nguy cơ viêm ruột hoại tử nên các bác sĩ ở đây phải nuôi bé hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch. Phải 15 ngày sau bé mới có thể tự ăn được. “Vây” quanh bên cháu hiện tại có tới 5 chiếc máy đủ các loại được cho là hiện đại vào bậc nhất thế giới, ngày đêm hoạt động liên tục để duy trì điều kiện sống lý tưởng cũng như thông báo các chỉ số hoạt động sống của cơ thể cho bé.

“Chi phí ngay trong ngày đầu tiên (13/7) cho ca bệnh này đã hết 50 triệu đồng. Sang ngày 14/7, số này được cộng thêm 45 triệu đồng nữa” – ông Lợi cho hay. Tổng chi phí cho bé cho đến khi bé tự thở, ăn uống và các sinh hoạt khác đều do bên BHYT chi trả.

Bên BV K Trung ương, người mẹ trẻ là chị Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi, đến từ phường Thành Quý, TPHà Tĩnh, sau ca mổ đẻ đang lấy lại sức. Chị chỉ có thể trả lời chúng tôi vài câu hỏi với giọng yếu ớt qua ống chụp máy thở, dáng người vẫn phải trong tư thế ngồi trong sự giúp đỡ của người chồng trên giường bệnh.

Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức (BV K)- Ths.Bs Trần Đức Thọ cho biết: “Từ khi mổ đến giờ, tình trạng bệnh nhân Trâm có khá hơn, đã có thể ăn uống được đôi chút, các thông số tim mạch, huyết áp, sinh tồn đã được cải thiện rõ rệt. Chúng tôi đang cho dùng thuốc giải độc cơ thể về gan, thận tích tụ trong cơ thể trong thời gian mang thai kéo dài.

Việc gây mê tuỷ sống lấy thai bấy lâu nay là chuyện bình thường ở đây nhưng trong trường hợp này, do khối hạch ở trung thất và ở cổ chèn khí quản, khiến bệnh nhân khó thở, kèm theo triệu chứng tràn dịch, đã được đặt dẫn lưu dịch qua màng phổi nên bắt buộc các bác sĩ phải lựa chọn phương pháp mổ ngồi cho bệnh nhân. Vừa mổ chúng tôi vừa phải có người đỡ lưng và thành bụng bệnh nhân giữ ruột khỏi xô xuống dưới”. Và tư thế này cho đến nay vẫn buộc phải duy trì đối với sản phụ sau mổ.

Ths.Bs. Lê Thị Yến, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Huyền Trâm ngay từ đầu nhập BV K Trung ương cho hay, bệnh nhân Trâm là người rất kiên cường khi chống chọi lại với bệnh tật. Vì muốn quyết tâm giữ lại đứa con nên mặc dù biết mình đang bị ung thư rất nặng nhưng chị đã từ chối điều trị để khỏi ảnh hướng đến tính mạng đứa con.

“Chẳng thấy chị khóc bao giờ mặc dù tôi biết, chị đang rất đau đớn…” – BS Yến cho biết. Và, lần đầu tiên trong đời, kíp phẫu thuật của 2 BV K Trung ương và Phụ sản Trung ương đã phải chứng kiến và thực hiện ca mổ lấy thai “bất đắc dĩ”: Bệnh nhân không thể nằm, không thể gây mê mà phải mổ trong tư thế ngồi, gây tê tuỷ sống trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ.

“Con em sao rồi? Nó có khóc không các bác sĩ?…” là những câu hỏi liên tục được phát ra từ miệng người mẹ rất đáng cảm phục này đối với các bác sĩ trong ca mổ kéo dài hơn 30 phút kể từ lúc 20h, ngày 13/7. Hơn 20 bác sĩ, y tá, điều dưỡng của cả hai BV đã phải dằn lòng khi mổ, để cả hai mẹ con người sản phụ này được mẹ tròn con vuông.

Bên hành lang BV, bà Lê Thị Lan, 60 tuổi, mẹ của Huyền Trâm nhớ lại: “Sức khoẻ của Trâm bình thường rất tốt. Nhưng khi cháu mang thai được 11 tuần, sờ thấy có hạch ở cổ. Tôi đã đưa cháu đi khám ở phòng khám tư nhưng không phát hiện được bệnh. Đến tuần thứ 14-15, cháu có đi khám lần nữa nhưng các bác sĩ mới chỉ chẩn đoán nghi ngờ u tuyến giáp.

Sau đó, khi các dấu hiệu nặng dần lên ở tuần thai thứ 19, đi khám tại BV K cháu được chẩn đoán xác định là ung thư phổi giai đoạn 4, di căn sang gan. Lúc này cháu đã có những biểu hiện ho ra máu mức độ nhẹ, khó thở khi gắng sức. Để việc điều trị đạt hiệu quả, mặc dù các bác sĩ tư vấn gia đình nên cân nhắc việc đình chỉ thai, tuy nhiên, với tình mẫu tử thiêng liêng của Trâm, nó quyết hy sinh để bản thân bệnh tật chứ không bỏ con…”.

Các bác sĩ ở đây kể lại: Đến tuần thai thứ 27, Trâm mới chấp nhận điều trị khi cơ thể đã có nhiều biểu hiện trầm trọng lên. Bệnh nhân cũng từ chối thực hiện nhiều xét nghiệm và chỉ chấp nhận làm những xét nghiệm cơ bản để không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Việc điều trị cho bệnh nhân khi đó cũng chỉ điều trị triệu chứng viêm nhiễm bằng kháng sinh, hỗ trợ thở oxy, cho uống thuốc cầm máu, chọc dịch hàng ngày để giúp bệnh nhân dễ thở, hỗ trợ dinh dưỡng bằng tiêm truyền và ăn nhẹ. Đến khi thai nhi được 29 tuần 3 ngày, sức chịu đựng của người mẹ đã đến lúc quá tải, cơ thể mệt mỏi đau đớn, suy hô hấp nặng, các bác sĩ 2 BV buộc phải lập tức triển khai ca mổ lấy thai cấp.

Trần Ngọc Kha

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago