Mình sẽ kể về câu chuyện “ở nhà một mình” của Nam, hy vọng sẽ có tác dụng trong một vài trường hợp, ngay cả khi các mẹ không cho con ở nhà một mình.
Khi Nam hơn 5 tuổi, đi học trường mẫu giáo ở Việt Nam khoảng chừng hơn 2 tháng thì mình quyết định cho Nam ở nhà. Lý do thì có nhiều nhưng có lẽ lý do lớn nhất là mình muốn thử khả năng “tự học, tự điều chỉnh” của Nam.
Trước khi đi đến quyết định đó, mình đã có những bước chuẩn bị sau:
– Nói chuyện với Nam về những thay đổi: Việc này quan trọng nhất, mình trao đổi với Nam xem việc ở nhà một mình có làm con buồn, con sợ không. Con có sẵn sàng “chơi” thử với mẹ không? Tất nhiên là Nam rất hào hứng và mình cũng rất sẵn sàng cho sự thay đổi này.
– Chuẩn bị không gian ở nhà: Điều cực kì cần thiết khi cho con ở nhà là phải biến cho không gian ở nhà trở nên an toàn. Mình thống nhất với Nam, khi con ở nhà, con chỉ ở trong “địa phận” tầng 2 thôi nhé. Tầng 2 là phòng học chung của cả nhà, chỉ có sách vở, một cái ti vi, một số đồ đạc lặt vặt không có bếp ở gần… nói tóm lại là toàn những đồ vô hại với trẻ em.
– Dạy Nam những tình huống phòng vệ: Khi con trẻ ở nhà, các con phải được trang bị về những yêu cầu phòng vệ. Điều này cũng cần thiết trong mọi lúc. Mình dạy Nam phải làm gì, nói gì khi có người gọi cửa, gọi điện thoại, xử lý ra sao khi lỡ có cháy,… Tất cả những điều đó, hai mẹ con phải tập với nhau nhiều lần. Nguyên tắc mà Nam luôn nhớ là: Phải giữ được an toàn cho bản thân mình đầu tiên.
– Chuẩn bị chương trình học ở nhà cho Nam: Mình tham khảo nhiều sách về dạy trẻ cả trong nước và nước ngoài để có thể lên cho Nam một chương trình học mà con thấy hứng thú, say mê mà vẫn chuẩn bị được những kĩ năng tiền học đường . Bởi nếu để con ở nhà mà không có kế hoạch cụ thể về điều này, vô hình chung sẽ làm con bỏ lỡ một giai đoạn phát triển tư duy quan trọng.
Sau khi đã chuẩn bị kĩ càng, mình tiến hành thử nghiệm.
Mình lên một thời gian biểu và hướng dẫn Nam cách thực hiện. Vì Nam chưa biết xem đồng hồ nên mình làm một cái vòng tròn có đánh số, mình khoanh vào từ số mấy đến số mấy theo đồng hồ chạy là con làm việc gì. Cứ làm xong một việc, con lại đánh dấu vào ô đó. Nam rất thích trò này. Con cứ nhìn theo đồng hồ để canh giờ và đánh dấu.
– Thông thường, công việc một buổi sáng của Nam như sau:
+ Đầu tiên là xem băng: Hồi đó Nam mới học tiếng Anh, bố Nam tìm mua những băng tốt nhất về tiếng Anh cho trẻ em và mỗi hôm Nam xem một đoạn. Mỗi hôm mình đều đố Nam nhớ vài từ trong đó hoặc diễn tả những điều mình đã xem được cho bố mẹ nghe. Vì thế, Nam không thấy nhàm chán. Có những băng Nam xem xong diễn tả lại như kịch câm mà vẫn thấy vui.
+ Tiếp đó là đếu “tiết học”vẽ: Nam sẽ vẽ hoặc tô theo những gì mình vừa nghe được trong băng hoặc một chủ đề tự chọn. Nói chung Nam “bôi” thì đúng hơn nhưng được nghịch với màu Nam rất thích.
+ Sau hai “tiết học” trên là đến màn ăn nhẹ. Mình đã chuẩn bị sẵn sữa và bánh, Nam chỉ việc lấy ra tự phục vụ thôi.
+ “Tiết học” thứ ba của buổi sáng có tên gọi hơi mỹ miều là: Phát triển ngôn ngữ. Cái này mình nghĩ ra và tập hợp từ đủ các nguồn. Có một số cách mình vẫn thường làm: Một là thu âm một bài thơ, cho Nam nghe đi nghe lại, nhẩm theo đến thuộc lòng, tất nhiên bài thơ phải dễ thuộc, dễ nhớ. Hai là khoanh từ không cùng loại, vì Nam chưa biết chữ nên phải có hình ảnh đi kèm. Ba là mình viết một hoặc một vài con số bất kì lên giấy, gói kĩ rồi sau đó để kèm với một món quà cất quanh nhà, Nam tìm thấy quà và “con số bí mật” đó sẽ nghĩ ra một câu chuyện liên quan đến con số đó. Ví dụ số 3, Nam nghĩ ra truyện về ba anh em với một con chó trong rừng sâu. Nam chuẩn bị câu chuyện đó đến khi mẹ về sẽ kể lại.
+ Tiết học cuối cùng thường hấp dẫn nhất vì Nam sẽ được chơi một trò chơi. Hồi ở Nhật, mình thấy người Nhật rất khuyến khích trẻ chơi trò chơi tìm đường về nhà. Qua các hình vẽ mê cung ngoằn ngoèo, trẻ tìm ra được đường về đúng nhất. Hầu như chỗ công cộng nào ở Nhật cũng có những cuốn sách để sẵn để trẻ chơi trò này.
Trò chơi này luyện óc quan sát và rèn tính kiên trì. Mình mua sẵn mấy chục cuốn các cấp độ khác nhau, mỗi hôm cho Nam chơi một vài trang. Tìm đường đến đâu, dùng bút tô theo đến đó cũng là cách luyện cầm bút luôn. Hôm nào chán chơi trò này, mình khuyến khích Nam tự thu âm đọc thơ hoặc hát. Khi mẹ về cho mẹ nghe sản phẩm của mình.
Hết buổi sáng, mình về nhà nấu cơm cho Nam ăn. À, ngay cả lúc nấu ăn cũng là một dịp để phát triển ngôn ngữ cho con. Mình thường dạy Nam cách làm những món đơn giản, sau đó nhờ Nam nói lại cho nghe công thức nấu. Nam chẳng biết nấu đâu nhưng mỗi lần nói rất buồn cười. Các mẹ thử làm mà xem, có nhiều chuyện thú vị lắm. Vì đối với trẻ, để trình bày mạch lạc công thức nấu một món ăn là rất khó ấy.
Sau giấc ngủ trưa là giờ học buổi chiều. Thường, buổi chiều mình được nghỉ ở nhà nên thời gian buổi chiều rất tuyệt diệu. Mình đọc sách cho Nam nghe hay diễn câu chuyện bằng con rối. Cũng có khi phân vai một câu chuyện để hai mẹ con cùng kể lại. Hoặc hai mẹ con bật nhạc, vận động theo nhạc, ngoáy tít mù, vui ơi là vui.
Sau đó, hai mẹ con sẽ có “tiết học” gọi là Khoa học. Tiết học này sẽ liên quan đến các thí nghiệm, ví dụ, cho muối, đường, cát…. mỗi hôm chọn một thứ có thể hòa tan vào trong nước để làm “thí nghiệm”. Cũng có hôm vật thí nghiệm là kính lúp, cân móc, cân bàn… nói tóm lại là những thứ đơn giản nhất để tiếp xúc với khoa học. Nhưng quan trọng là Nam phải tự tay làm, tự nói ra những điều mình quan sát được.
Cuối buổi chiều, hai mẹ con sẽ đi dạo. Cả hai sẽ cùng ghi nhận những điều mình quan sát được để tối về cùng nhau viết nhật kí về một ngày ở nhà của mình và hôm sau có thể lấy chính chủ đề đó vào tiết học vẽ.
Buổi tối mới là giờ Nam được xem ti vi chừng 25 phút, nói chuyện với bố mẹ, 9h đi ngủ và nằm mơ.. thấy tiên.
Ban đầu, khi Nam mới ở nhà, mọi chuyện cũng chưa diễn ra suôn sẻ thế. Cũng có hôm Nam buồn, chán hoặc sợ, nhưng mình tìm các cách khác nhau để động viên Nam. Có hôm, mình giả vờ đi làm, nấp vào một góc để quan sát các hoạt động của Nam và sau đó, đưa ra những lời nhận xét, những lời khuyên. Những ưu và nhược điểm của việc học ở nhà, theo cảm nhận của mình:
Ưu điểm:
– Trẻ được khuyến khích tự học. Có thể chính giai đoạn học ở nhà đó khiến Nam hoàn toàn chủ động trong việc học. Nam luôn học theo thời gian biểu và học rất say mê, hứng thú, không bao giờ có cảm giác”sợ” học.
– Có thể thiết kế các hoạt động theo ý mình.
– Trẻ cũng được gần mẹ nhiều hơn. Mẹ có thời gian quan sát, tìm hiểu những khả năng của con. Và chính mẹ, cũng tận hưởng niềm vui khi có con bên cạnh.
Nhược điểm:
– Có thể chính những ưu điểm trên nếu không khéo sẽ thành nhược điểm. Đó là trẻ quen với cách làm việc tự do, sẽ khó cho việc vào học ở tiểu học. Trẻ cũng bị hạn chế khả năng làm việc nhóm, kĩ năng tương tác với bạn, những quy tắc ứng xử học đường.
– Đối với trẻ em, trường học luôn là “thánh đường”, thiêng liêng và bí ẩn. Nơi đó, người giáo viên được trao những “quyền lực” mà không bố mẹ nào có được. Việc cho con ở nhà cần cân nhắc rất kĩ và dựa vào từng trẻ cũng như điều kiện của gia đình.
Theo mình, những điều kiện tối thiểu cần có khi quyết định để con ở nhà:
– Môi trường thật an toàn.
– Con không phải là “tuýp” trẻ em quá hiếu động. Với trường hợp của Nam, Nam dễ nghe lời, thích những hoạt động liên quan đến hướng nội như đọc sách, nghe truyện, thơ, ít chạy nhảy.
– Công việc của mẹ hoàn toàn có thể chủ động về thời gian, ví dụ có thể về nhà buổi trưa, có thể nghỉ làm khi cần. Mẹ làm việc cũng không cách quá xa nhà.
– Luôn có một nhóm bạn cùng tuổi với con để con chơi cùng vào ngày nghỉ cuối tuần. Trong quá trình con chơi, mẹ theo dõi để điều chỉnh hành vi giao tiếp của con cho phù hợp.
Mọi người đọc có mệt không? Mình sẽ kể câu chuyện về Nam nhé. Chuyện thứ nhất là: Hồi đó, khi Nam ở nhà, mình luôn nói có một chú chim thần kì diệu lắm, chú bay trên mái nhà, xem em học bài. Em học ngoan thì chú chim sẽ có phần thưởng cho em. Phần thưởng quanh nhà. Em học xong đi tìm sẽ thấy.
Nam tin tưởng vào chú chim này vô cùng. Tất cả những phần thưởng từ “chú chim” ấy Nam đều nâng niu, giữ gìn. Mấy hôm trước, khi viết bài luận cho trường, có chủ đề: Viết về một nhân vật có ảnh hưởng với mình nhất. Nam còn nhắn tin trêu mẹ: Hay em viết về chú chim thần mẹ nhé, mẹ không tưởng tượng được cuộc sống của em đã thay đổi thế nào khi có chú chim đó đâu. Em luôn cố gắng ngoan ngoãn, cố gắng học vì theo lời mẹ nói” Số bạn được chim thưởng rất rất ít”.
Chuyện thứ hai là hồi Nam ở nhà Nam hơi ục ịch nên mình có dặn Nam là khi nào con học xong, con đi quanh nhà cho mẹ 30 vòng nhé. Mình dặn rồi cũng quên. Về nhà chỉ nghe con kể chuyện học hành chứ chẳng nhớ đến việc tập luyện. Khoảng hơn 1 tháng sau, một buổi đi làm về, thấy mặt con buồn buồn.
Mình hỏi tại sao, con mếu máo nói: Mẹ ơi, em xin lỗi mẹ nhé. Hôm nay em mệt quá, em chỉ đi đến vòng thứ 17 thôi mẹ à. Mình ngớ người không nhớ nổi cái vòng thứ 17 là thế nào. Nam phải nhắc lại mới nhớ. Lúc đó mới ôm con vào lòng, trào nước mắt. Hỏi con thế ngày nào em cũng đi thế à. Nam bảo vâng, tất nhiên rồi, mẹ đã dặn thế rồi mà…
Ôi, bây giờ viết lại vẫn trào nước mắt…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…