Mề đay là bệnh phổ biến và thường tự khỏi. Nhưng có những lúc mề đay không chỉ hiền lành xuất hiện trên da mà còn gây nguy hiểm chết người.
Ảnh minh họa |
Nói về hiện tượng nổi mề đay, BS. Trần Ngọc Ánh (Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Tp.HCM) kể cho chúng tôi nghe về trường hợp chị Ngọc Phương (Q. Thủ Đức, Tp.HCM). Sáng nào thức dậy chị cũng bị nổi những nốt sần to bằng đầu đũa dưới mắt và dưới tai. Khoảng 30 phút sau thì lặn. Nếu trời lạnh, nốt còn nổi to hơn, đỏ và gây sưng mắt. Khi chị đến khám tại bệnh viện của chúng tôi, chị được chẩn đoán bị mề đay cấp tính. Nguyên nhân là chị bị viêm mũi dị ứng, gây ảnh hưởng đến hj xung quanh mũi, trán và mắt. Với trường hợp của chị Ngọc Phương, cần chữa dứt điểm bệnh viêm mũi, còn mỗi lần nổi mề đay thì chỉ cần tránh ra gió, bịt kín mặt hoặc chườm đá.
Còn chị Thùy Anh (Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, Tp.HCM), đến Bệnh viện Da liễu Tp.HCM trong tình trạng mẩn đỏ khắp mặt, môi sưng, mí mắt sưng… Vùng da dưới cổ, ngực, thắt lưng nổi những nốt sần đỏ to bằng đầu đũa, ngứa. Chị Thùy Anh cho biết, ngày nhỏ chị cũng hay bị như vậy. Nhưng đến hơn 10 năm nay không thấy. Chỉ lần này, sau khi ăn cua biển xong thì bị như vậy. Chúng tôi đã chẩn đoán chị bị dị ứng hải sản dẫn đến nổi mề đay. Kiểu này không thường xuyên, chỉ do cơ địa của chị hơi yếu. Hỏi ra mới biết chị đang điều trị viêm xoang, uống thuốc Nam có kị đồ tanh. Bác sỹ tiêm cho chị một mũi corticoids để giảm ngứa và chờ tái khám.
Theo bác sĩ Ánh thì mề đay có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đây là một phản ứng của mạch máu trên da với cơ chế phức tạp có liên quan đến chất histamine. Mề đay là một phản ứng gây phù tại chỗ và ở ngoài da. Mề đay có hình dạng không đều, kích thước cũng khác nhau: Từ sẩn đỏ bằng đầu đũa đến nổi to từng mảng đỏ, sưng phù, luôn luôn kèm theo triệu chứng ngứa. Mề đay có thể nổi vào buổi sớm sau khi ngủ dậy, nổi lúc chiều tối hoặc có thể cả ngày.
Vị trí thường nổi mề đay là thân mình, mông, đùi hoặc chỗ da bị bó chặt như lưng quần, nịt vú. Có dạng đặc biệt là mề đay nổi dưới da, thường làm phù mí mắt, phù môi, phù trong cổ họng. Loại mề đay này có thể đi kèm mệt, đau bụng, đôi khi gây khó thở, chết người.
Nhận diện nguyên nhân gây mề đay
Có nhiều nguyên nhân gây ra mề đay, có khi dễ dàng nhận biết nhưng đa số rất khó xác định. Theo bác sĩ Trần Ngọc Ánh thì do một số nhân tố sau:
Cứ 100 người, đến 15-20 người (15-20%), trong suốt cuộc đời, thế nào cũng có lúc nổi mề đay, lắm khi nhiều lần. Phụ nữ dễ nổi mề đay hơn đàn ông. |
1. Thực phẩm, thức uống, gia vị: Thức ăn hay bị “đổ thừa” nhất là đồ biển như: sò, nghêu, cua, ghẹ, cá biển. Các loại sôcôla, sữa, bơ, phó mát. Nhóm thực vật là dưa gang, dưa tây, cà chua, trái dâu, kể cả hành, tỏi. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thức ăn thông thường nhất, “lành nhất” cũng có thể gây bệnh.
2. Các chất phụ gia: Cũng là yếu tố quan trọng. Chúng có thể là chất tự nhiên như các loại men, con giấm hoặc chất hóa học dùng để bảo quản và nhuộm màu thực phẩm.
3. Thuốc men: Có rất nhiều thứ thuốc có thể gây dị ứng và nổi mề đay. Ðáng kể nhất là penicilline rồi đến aspirine, sulfamides; các loại thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị đau nhức xương khớp, thuốc ngừa thai và còn nhiều loại khác.
4. Nhiễm trùng: Các ổ nhiễm trùng, nhiễm nấm tiềm tàng thường gây bệnh mề đay mãn tính như viêm xoang, sâu răng, nhiễm trùng đường tiểu, đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng.
5. Bụi bẩn: Các loại bụi nhà, bụi phấn hoa, bụi lông thú và các loại ký sinh trùng cũng thường là nguyên nhân của mề đay mãn tính.
6. Các yếu tố khác: xúc cảm, thay đổi nhiệt độ, áp lực cọ xát do quần áo chật bó cũng có thể làm nổi mề đay.
Các dạng mề đay
Một số dạng mề đay chính là:
1. Mề đay thông thường: Bệnh bắt đầu đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù có màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng có giới hạn rõ lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.
2. Phù mạch: nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc…), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.
3. Da vẽ nổi: còn gọi là mề đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù xát nhẹ lên da, vài phút sau, trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mề đay.
4. Mề đay do áp lực: Có đặc điểm là sưng nhiều và đau ở sâu, thường gặp từ 1-12 giờ sau khi bị áp lực tại chỗ. Bệnh thường xuất hiện ở chân sau khi đi bộ, đứng lâu, ở mông sau khi ngồi lâu, mặc quần áo chật…
Để nói không với bệnh mề đay
– Tốt nhất là loại bỏ yếu tố gây bệnh nếu biết.
– Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng. Tránh các chất kích thích như: gia vị, rượu, trà, cà phê…
– Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (1 phần giấm 2 phần nước) để thoa hay tắm.
– Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ.
– Đôi khi cần uống elavil, thuốc đối kháng leukotriene receptors, thuốc beta-adrenergic, kích thích tố nang thượng thận corticosteroids và nhiều thứ thuốc khác tùy theo nhiều trường hợp khác nhau, những nguyên nhân bệnh khác nhau.
– Đối với mề đay kinh niên thường là có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
Quỳnh Anh (thực hiện)
Bài viết có sự tư vấn của BS. Trần Ngọc Ánh
Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Tp.HCM
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…