Cầm tờ đơn ly hôn chồng vừa đưa, tay chị run bắn, chị không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với mình, và điều đầu tiên chị nghĩ đến không phải là cuộc sống không có anh mà là… cái chết.
Ảnh minh họa |
Cuộc sống không tình yêu
Trước đây anh Thắng và chị Hồng (Q.Tân Bình, Tp HCM) đến với nhau trên cơ sở ba năm yêu đương mặn nồng, đằm thắm, chẳng ai bắt ép, chẳng ai xui khiến, thế mà cuộc sống hôn nhân lại không hạnh phúc như chị tưởng. Một năm đầu sau khi cưới, cuộc sống với chị như thiên đường, đó là những ngày tháng êm đềm, lãng mạn nhất. Anh chiều chị như một bà hoàng bởi chị đẹp, quyến rũ.
Đáp lại những tình cảm nồng ấm của anh, chị cũng hết mực chiều chồng, chị chăm lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ, trong mỗi thành công của anh luôn có dấu ấn của chị. Cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ chị nghĩ đến cái chết nếu không có đứa con.
Thật xấu hổ khi chị đổ lỗi cho đứa con vô tội, bởi con là niềm hạnh phúc, là sợi dây kết nối tình cảm giữa hai người, nhưng với gia đình chị, điều đó lại hoàn toàn ngược lại. Từ ngày có con, chị đâm ra hay cáu bẳn, chuyện gì cũng để ý rồi soi xét, thắc mắc. Anh đi về muộn, ban đầu thì chị cằn nhằn, sau đó là nghi ngờ và tra hỏi. Lúc đầu anh còn kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích, sau vì không chịu nổi những lần ghen tuông vô cớ của chị, anh đâm chán nản, im lặng và làm theo ý mình.
Nhưng anh càng nhún nhường, chị càng cho rằng anh đã chán vợ nên càng làm quá và cứ dồn ép anh. Chỉ đến khi anh đưa tờ giấy ly hôn thì chị gần như chết lặng. Chị chưa bao giờ nghĩ đến tình huống này, cuộc sống vợ chồng lãng mạn bấy lâu nay lẽ nào kết thúc bi đát như thế này. Chị không thể chấp nhận điều ấy, chị không thể để người đời trêu cười rằng chị là người bị chồng bỏ, chỉ nghĩ đến đó thôi là chị đã muốn chết rồi. “Đúng, chỉ có cái chết mới giải thoát mình, giải thoát cuộc sống bế tắc này”.
Anh đi làm về, mệt mỏi vì việc cơ quan, anh chưa kịp ngồi xuống ghế đã giật mình khi thấy chị rũ rượi bên ghế sofa, bên cạnh là chai rượu đã gần cạn, thấy anh chị khóc nức nở: “Anh muốn ly hôn à, thế thì tôi sẽ chết cho anh vừa lòng, chỉ cần tôi chết là anh sẽ được tự do, chứ tôi không thể chịu nổi khi người ta nhìn tôi như một phụ nữ bị chồng bỏ. Tôi sẽ chết”. Nói rồi chị cầm ly rượu uống cạn. Anh ngạc nhiên và nhanh chóng nhận ra rằng vợ mình đã hoàn toàn khác.
Sau lần đó chị rất hay mang cái chết ra dọa anh, thậm chí có lần chị định liều mình thực sự. Không muốn gia đình trở nên rắc rối, anh không yêu cầu ly hôn nữa, nhưng cũng từ đó, tình yêu của anh hoàn toàn tắt lụi, anh về nhà và thực hiện đúng nghĩa vụ của một người chồng, một người cha, ngoài ra không còn gì nữa, cuộc sống cứ thế trôi đi, câm lặng và tẻ nhạt…
Ly hôn không phải là kết thúc
Chúng tôi dẫn chứng câu chuyện trên đây để độc giả có cái nhìn thoáng hơn, đa diện hơn về thực trạng ly hôn hiện nay. Tất nhiên, khi xây dựng gia đình không ai muốn một ngày nào đó mình phải đối diện với tờ đơn ly hôn, nhưng trong trường hợp nào đấy, ly hôn lại là giải pháp thích hợp, an toàn cho cả hai.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hoa, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc và Kỹ năng Cuộc sống, mặc dù chưa có cuộc điều tra nghiên cứu nào để xem có bao nhiêu phụ nữ mang tư tưởng cố sống, cố chết với hôn nhân nhưng thực tế có rất nhiều người mang quan niệm phong kiến nặng nề này. Đặc biệt là những phụ nữ trung tuổi, những người có trình độ học vấn thấp hoặc thành phần yếu thế trong xã hội.
Chuyên gia Lê Phương Anh, Trung tâm Tư vấn Người bạn Tri kỷ, cho rằng: “thần tượng hóa” cuộc sống hôn nhân là quan niệm khá tiêu cực của không ít phụ nữ. Chính bởi quan niệm này nên họ đã tự buộc mình vào những “luật lệ” hà khắc không đáng có.
Khi phụ nữ ngại ly hôn, mặc dù tình cảm vợ chồng từ lâu không còn thì đối với cả hai người, hôn nhân sẽ trở thành xiềng xích. Người vợ phải chịu sự giày vò của chồng mà vẫn cố giữ hôn nhân bằng mọi giá. Đó là cách giải quyết không sáng suốt, vì người chồng có thể lấy cớ này để bạo hành, vì thế cuộc sống sẽ càng trở nên tẻ nhạt, gượng ép.
Nếu không còn tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau, bạn hãy mạnh dạn ký đơn ly hôn, quan trọng hơn là sau khi ly hôn bạn sống thế nào, đặc biệt là việc nuôi dạy con, vững vàng về kinh tế gia đình, ngay kể cả vấn đề tâm lý của chính bản thân bạn cũng cần chú ý, bởi cuộc sống không tình yêu với chồng (vợ) vẫn khác hoàn toàn cuộc sống độc thân.
Đổ vỡ là điều không ai mong muốn. Nhưng nhiều khi vào thời điểm mối quan hệ trở nên căng thẳng chúng ta lại chọn cách nhắm mắt cho qua chứ không đối mặt với nó là một suy nghĩ sai lầm.
Làm gì khi chồng đòi ly hôn? – Trước tiên bạn cần nghiêm túc nhìn lại mối quan hệ của hai người một cách bình tĩnh và khách quan nhất. – Tổ chức lại cuộc sống gia đình cho thật khoa học từ chuyện làm việc nhà đến chăm sóc con cái để có thời gian rãnh dành cho nhau nhiều hơn. – Tìm lời khuyên từ các bác sĩ tâm lý để cải thiện tình hình. – Tự kiểm điểm chính bản thân mình xem suốt thời gian chung sống với bạn đời mình đã cư xử, hành động như thế nào… Sau đó, cả hai nên dành khoảng thời gian nhất định trò chuyện với nhau, đây cũng chính là dịp mỗi người thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm của mình trong hôn nhân. – Nếu sau khi đã nói chuyện với nhau mà vẫn không thể giải quyết mẫu thuẫn, bạn hãy chấp nhận ly hôn để giải phóng cả hai. |
Hoàng Khánh
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…